Nhất quyết không cho truyền máu người khác, người phụ nữ ở TP.HCM suýt mất chân vì nhiều bệnh viện từ chối mổ

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Tin theo một giáo phái "không cho truyền máu người khác" nên dù bị tai nạn giao thông gãy chân, người phụ nữ và cả gia đình nhất quyết yêu cầu BS phải đáp ứng điều kiện ngặt nghèo này mới chịu phẫu thuật. Nguy cơ bị nhiễm trùng và thậm chí có thể đoạn chi hiện ra trước mắt.

Ngày 28/9, Bệnh viện (BV) Quốc tế City cho biết, nơi đây đã thực hiện thành công ca mổ kết hợp hai xương cẳng chân cho một nữ bệnh nhân bị gãy chân do tai nạn nhưng lại đưa ra yêu cầu hết sức "kỳ lạ".

Trước đó 4 ngày, bà Thủy (59 tuổi, ngụ ở TPHCM) bị gãy xương chân trái do tai nạn giao thông. Sau khi nhập viện và làm các xét nghiệm tiền phẫu, BS chẩn đoán bệnh nhân bị gãy hở 1/3 dưới hai xương cẳng chân trái, xương chày gãy chéo có mảnh rời, xương mác gãy ngang mức xương chày. Các cơ chày trước, mác bên dập nát, mô dưới da dập nát nhiều.

Đánh giá được mức độ nguy hiểm, ekip điều trị chỉ định phải phẫu thuật cho bệnh nhân càng sớm càng tốt.

Nhất quyết không cho truyền máu người khác, người phụ nữ ở TP.HCM suýt mất chân vì nhiều bệnh viện từ chối mổ - Ảnh 1.

Người phụ nữ gãy chân sau tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, khó khăn bất ngờ ập đến khi chị Thủy tham gia một giáo phái không cho truyền máu lạ vào người, kể cả người thân. 

Do đó bệnh nhân và cả gia đình nhất quyết buộc BS phải đáp ứng điều kiện ngặt nghèo này mới chịu phẫu thuật. Chính vì yêu cầu trên mà dù đi nhiều BV từ trước nhưng không nơi nào đồng ý chữa trị cho bệnh nhân.

BS Trần Văn Bé Bảy, Khoa Chấn thương chỉnh hình của BV cho biết, bệnh nhân bị gãy hở hai xương cẳng chân rất nặng. Nếu không phẫu thuật can thiệp kịp thời, bệnh nhân có thể dẫn đến diễn biến xấu. 

Thậm chí sẽ gặp những biến chứng nguy hiểm như: tổn thương mạch - thần kinh, hội chứng chèn ép khoang, nhiễm khuẩn, cẳng chân sưng nề, đoạn chi.

Nhất quyết không cho truyền máu người khác, người phụ nữ ở TP.HCM suýt mất chân vì nhiều bệnh viện từ chối mổ - Ảnh 2.

Phương pháp truyền máu hoàn hồi.

ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Phó Giám đốc BV chia sẻ, phẫu thuật kết hợp xương cẳng chân là phẫu thuật không mất máu vì được thực hiện với ga rô. Bệnh nhân chỉ bị mất máu qua ổ gãy xương hở trong quá trình di chuyển, do vậy yêu cầu không được truyền máu của bệnh nhân không có gì quan ngại. 

Tuy nhiên nếu gãy những xương lớn như xương đùi hoặc đa chấn thương gây mất nhiều máu thì yêu cầu không truyền máu là thách thức cho các BS. Đối với những trường hợp này, BV sẽ ứng dụng kỹ thuật truyền máu hoàn hồi (Cell Saver) trong quá trình mổ. 

Tuy nhiên, hiện chưa nhiều BV trang bị hệ thống truyền máu hoàn hồi.

Nhất quyết không cho truyền máu người khác, người phụ nữ ở TP.HCM suýt mất chân vì nhiều bệnh viện từ chối mổ - Ảnh 3.

Các BS tiến hành mổ cho bệnh nhân.

"Ca phẫu thuật kéo dài 1 giờ đồng hồ. Các BS tiến hành phẫu thuật cắt lọc mép da và mô dưới da dập nát, nắn xương chày kết hợp bằng nẹp, dùng kim xuyên trong lòng tủy cố định xương mác với kiểm tra C-arm đinh vào ống tủy" - Thành viên kíp mổ chia sẻ.

Nhờ được phẫu thuật kịp thời, bệnh nhân qua giai đoạn nguy hiểm.

"Vì lý do cá nhân, tôi và gia đình đã đề cập nguyện vọng không muốn truyền máu trong mổ. Trước đó, tôi cũng đã đi nhiều BV khác nhưng các nơi đều từ chối phẫu thuật. Dù biết là sẽ khó khăn hơn nhưng ekip bác sĩ BV vẫn tôn trọng quyết định của tôi và gia đình. 

Rất cảm ơn BV và ekip bác sĩ đã rất nhiệt tình và chu đáo. Tôi thấy biết ơn và cảm kích" - bệnh nhân tên Thủy cho biết.

Nhất quyết không cho truyền máu người khác, người phụ nữ ở TP.HCM suýt mất chân vì nhiều bệnh viện từ chối mổ - Ảnh 4.

Bệnh nhân Thủy sau ca phẫu thuật thành công.

Các BS khuyến cáo, bệnh nhân sau mổ gãy xương cần kiên trì tập luyện vật lý trị liệu, tái khám định kỳ để chân mau hồi phục, sớm đi lại và sinh hoạt bình thường.

Trước đó không lâu cũng tại BV này, một bé trai tên G.B (11 tuổi) mắc bệnh u gan nặng, cần phải phẫu thuật gấp nhưng cha mẹ cũng cương quyết không cho truyền máu người ngoài vì quy định của giáo phái.

Trước tình thế cấp bách, các BS cũng phải sử dụng kỹ thuật truyền máu hoàn hồi qua hệ thống máy lọc máu tự động Cell Saver. 

Nhất quyết không cho truyền máu người khác, người phụ nữ ở TP.HCM suýt mất chân vì nhiều bệnh viện từ chối mổ - Ảnh 5.

Bé trai được cứu sống bằng kỹ thuật truyền máu hoàn hồi vì gia đình không cho truyền máu lạ vào người.

Hệ thống này cho phép thực hiện các khâu của quá trình thu gom máu bao gồm: lấy máu chảy từ phẫu trường, hòa trộn với chất chống đông máu, thực hiện chu trình lọc rửa hồng cầu, thu lại lượng hồng cầu sau quá trình rửa để truyền lại cho bệnh nhân. 

Quá trình này giúp lượng máu chảy do vỡ các mạch máu của bệnh nhân gần như được lấy truyền lại ngay lập tức cho chính họ. Nhờ vậy, ca phẫu thuật được tiến hành và bé trai thoát chết.

Thông tư 26/2013/TT- BYT năm 2013 hướng dẫn hoạt động truyền máu hoàn hồi tại Điều 56 như sau:

1. Chỉ thực hiện truyền máu hoàn hồi khi không có đủ máu lưu trữ để cấp cứu và không có phương thức điều trị khác thay thế truyền máu cho người bệnh.

2. Máu hoàn hồi được lấy trong quá trình phẫu thuật hoặc từ ống dẫn lưu. Ví dụ: trong trường hợp vỡ lách, dẫn lưu từ trung thất sau phẫu thuật mổ tim.

3. Máu thu được để truyền hoàn hồi phải được xử lý theo quy trình phù hợp để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn, tan máu và loại bỏ được cục đông máu.

4. Máu hoàn hồi phải được truyền trong vòng 04 giờ, kể từ thời điểm thu nhận máu hoàn hồi.

5. Hồ sơ truyền máu hoàn hồi phải được lưu trong bệnh án của người bệnh.

6. Không thực hiện truyền máu hoàn hồi trong các trường hợp sau:

a) Vỡ tạng rỗng;

b) Máu chảy ra đã quá 06 giờ;

c) Máu có nguy cơ nhiễm khuẩn;

d) Có dấu hiệu tan máu.

Chia sẻ