Nhật Bản sắp tung gói kích thích kỷ lục 60 nghìn tỷ yen nhằm ứng phó Covid-19
Theo kế hoạch, gói kích thích mới nhất này có thể có giá trị tương đương với hơn 10% GDP của Nhật Bản và kêu gọi các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp có giá trị hơn 40 nghìn tỷ yen.
Ngoài ra, việc phát tiền mặt sẽ được thực hiện định kỳ, dành cho các hộ gia đình và cá nhân có thu nhập bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.
Mới đây, đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản đã đề xuất tung gói kích thích kinh tế lớn nhất từ trước đến nay đối với nước này, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Gói kích thích kinh tế này bao gồm 20 nghìn tỷ yen cho các biện pháp tài khoá với các sáng kiến tư nhân và còn lại là cho những yếu tố khác, theo đề xuất của đảng Dân chủ Tự do. Dựa vào kế hoạch này, hơn 10 nghìn tỷ yen, tương đương với việc cắt giảm 5% thuế tiêu thụ, sẽ được phát cho người dân, bao gồm tiền mặt, trợ cấp, phiếu giảm giá.
Đề xuất này đưa ra con số ban đầu về gói kích thích mà Thủ tướng Shinzo Abe đã cam kết vào hôm 28/3. Khi đó, ông cho biết chương trình này sẽ có quy mô lớn hơn gói hỗ trợ được đưa ra sau khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây hơn 10 năm. Kế hoạch đề xuất không nêu chi tiết về gói tài trợ sẽ được thực hiện như thế nào, dù quy mô của các biện pháp tài khoá cho thấy thâm hụt ngân sách của Nhật Bản sẽ tăng mạnh.
Thâm hụt ngân sách của Nhật Bản sẽ chịu ảnh hưởng lớn khi nước này tăng mạnh chi tiêu.
Các nhà kinh tế nhận định, bước đầu tiên trong kế hoạch kích thích của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe cho thấy cam kết mạnh mẽ của họ trong việc hỗ trợ nền kinh tế.
Atsushi Takeda, kinh tế gia trưởng tại viện nghiên cứu Itochu Research Institute, cho biết: "Có rất nhiều cuộc tranh luận về quy mô của gói hỗ trợ, nhưng giờ đây vấn đề này không cần phải bàn đến nữa. Chúng ta đang lo ngại về tình hình tài chính của quốc gia, nhưng chúng ta sẽ thực hiện những gì cần làm. Và không có đảng đối lập nào ở Nhật Bản sẽ phản đối điều đó."
Kế hoạch này cũng báo hiệu rằng chính phủ Nhật Bản có thể tung ra nhiều biện pháp kích thích hơn trong thời gian tới, giới chức sẽ cân nhắc nhiều cách tiếp cận hơn nếu cần thiết. Kinh nghiệm trong quá khứ đã cho thấy rằng một gói kích thích dường như là không đủ, khi có 5 nhóm biện pháp được tung ra từ tháng 8/2008 đến tháng 12/2009, trong bối cảnh Nhật Bản đang phải ứng phó với khủng hoảng tài chính.
Ông Fumio Kishida - Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách của đảng đã đệ trình đề xuất của ông Abe, cho biết: "Một số ít thành viên trong đảng có quan điểm cho rằng gói kích thích này vẫn là chưa đủ. Tôi đã yêu cầu thủ tướng lãnh đạo về vấn đề này và nâng con số lên mức lớn hơn nữa đối với phản ứng chính sách của chúng tôi."
Bộ trưởng Tài chính Taro Aso đã kêu gọi chính phủ thực hiện phản ứng gồm 2 giai đoạn đối với tác động của đại dịch. Hôm 30/3, ông cho biết một loạt các gói hỗ trợ được đưa ra có thể lên tới 100 nghìn tỷ yen.
Theo kế hoạch, gói kích thích mới nhất này có thể có giá trị tương đương với hơn 10% GDP của Nhật Bản và kêu gọi các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp có giá trị hơn 40 nghìn tỷ yen. Ngoài ra, hội đồng thuế của đảng cũng cân nhắc về việc hoãn và cắt giảm thuế. Kế hoạch này cho biết việc phát tiền mặt sẽ được thực hiện định kỳ, dành cho các hộ gia đình và cá nhân có thu nhập bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Hơn nữa, việc tăng trợ cấp cho các công ty không cắt giảm nhân sự cũng được đề xuất.
Đề xuất này được đưa ra sau gói kích thích 26 nghìn tỷ yen vào tháng 12 và 2 đợt thực hiện biện pháp khẩn cấp trong năm nay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.