Nhanh già vì… nghiến răng
Nghiến răng khi ngủ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và làm con người mau già. Đáng quan ngại, khoảng 5 - 20% dân số có triệu chứng bệnh nhưng lại không biết.
Bác sĩ Nguyễn Thúy Lan, khoa Răng – Hàm – Mặt, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết nghiến răng là một dạng rối loạn xuất hiện cả ở trẻ em lẫn người lớn. Nó làm mòn lớp men của răng và gây ra những cơn đau đầu hay đau hàm nghiêm trọng.
Hỏng hàm, lệch mặt
Theo bác sĩ Lan, hầu hết chúng ta nhai cả trong khi ngủ lẫn thức, nhưng chứng rối loạn nghiến răng trong khi ngủ diễn ra với tần số dày hơn. Một nghiên cứu cho biết những người nghiến răng ban đêm phải chịu 5-6 cơn nghiến như vậy trong mỗi giờ ngủ, so với 1 - 2 lần ở những người không bị chứng rối loạn này. Stress là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng nghiến răng. Ngoài ra, bệnh cũng có thể có các nguyên nhân khác như: cản trở vướng cộm ở khớp cắn, rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương, suy dinh dưỡng, rượu và thuốc lá, yếu tố di truyền.
Ảnh minh họa: A .Nguyễn.
Nên mang máng nhai
Bác sĩ Lê Anh Việt, khoa Khám bệnh, Bệnh viện 354, cho biết nghiến răng có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Ngoài gây mòn răng, việc nghiến răng còn khiến người bệnh có thể bị mỏi, đau các cơ, đau đầu, cổ do các cơ hàm bị co thắt. Hiện nay chưa có một phương pháp nào điều trị triệt để, song có một số biện pháp làm giảm hay ngăn ngừa tật nghiến răng.
Một trong những phương pháp đối phó là mang máng nhai. Dụng cụ này có tác dụng ngăn chặn sự phá hại răng, làm giảm tình trạng đau cơ và khớp thái dương - hàm. Cũng có thể áp dụng kỹ thuật mài để điều chỉnh, loại bỏ các vướng cộm khớp cắn hoặc lắp gá bảo vệ răng cũng có tác dụng.
Các phương pháp trên sẽ còn hữu ích gấp đôi nếu người bệnh vận động đôi chút trước khi đi ngủ. Ngoài ra, bệnh nhân cần thay đổi cách sống, tập yoga... để làm giảm stress, đồng thời loại bỏ thói quen hút thuốc, uống rượu.