Nhân viên hãng hàng không Ryanair ở Tây Ban Nha thông báo đình công thêm 12 ngày
Ngày 2/7, hơn 170 chuyến bay đã bị hoãn và 15 chuyến bay khác đến và đi từ Tây Ban Nha đã bị hủy khi nhân viên Ryanair và EasyJet thông báo ngừng hoạt động thêm 12 ngày.
Hiện nhân viên của Ryanair và EasyJet đang đình công yêu cầu đội ngũ tiếp viên của các hãng hàng không giá rẻ có điều kiện làm việc tốt hơn.
Cuộc đình công tại hai hãng hàng không giá rẻ về vấn đề lương và điều kiện làm việc bắt đầu diễn ra khi châu Âu bước vào mùa du lịch hè, khiến các công ty du lịch và ngành hàng không đau đầu.
Đến 13h ngày 2/7 (theo giờ địa phương), 10 chuyến bay của Ryanair và 5 chuyến của EasyJet đã bị hủy và 175 chuyến bay bị hoãn, trong đó 123 chuyến của Ryanair và 52 chuyến EasyJet, các công ty cho biết trong một tuyên bố.
Một loạt các cuộc đình công của tiếp viên Ryanair ở Tây Ban Nha, nơi có khoảng 1.900 nhân viên, bắt đầu diễn ra từ ngày 24/6, với các nhân viên của EasyJet tham gia vào ngày 1/7.
Đại diện công đoàn USO của Ryanair cho biết, việc ngừng hoạt động trong cuộc đình công sẽ diễn ra trong 3 đợt, mỗi đợt kéo dài 4 ngày (từ ngày 12 - 15/7, 18 - 21/7 và 25 - 28/7) tại 10 sân bay Tây Ban Nha nơi Ryanair hoạt động.
Hành khách chờ làm thủ tục tại quầy của Ryanair ở sân bay Barcelona, Prat Llobregat, Tây Ban Nha. (Ảnh: AP)
"Sau sáu ngày đình công, do công ty không muốn lắng nghe nhân viên của mình và chấp nhận để hàng nghìn hành khách bị lỡ chuyến bay thay vì ngồi xuống nhằm đàm phán một thỏa thuận theo luật pháp Tây Ban Nha, chúng tôi đã buộc phải triển khai đợt đình công mới", bà Lidia Arasanz thuộc USO cho biết.
Theo bà Lidia, trong cuộc đình công đầu tiên với 2 đợt, mỗi đợt kéo dài 3 ngày, "hơn 200 chuyến bay bị hủy và gần 1.000 chuyến bay bị hoãn", và việc ngừng hoạt động sắp tới có khả năng tạo ra mức độ gián đoạn tương tự.
Các nhân viên của EasyJet đã cam kết đình công trong ba ngày cuối tuần đầu tiên của tháng 7 để yêu cầu điều kiện làm việc tương đương với các hãng hàng không châu Âu khác.
Các cuộc đình công đang là vấn đề đau đầu đối với ngành hàng không vốn đã phải vật lộn để tuyển dụng nhân sự sau đợt sa thải hàng loạt trong đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, tại Pháp, hàng chục chuyến bay đã bị hủy tại sân bay Charles de Gaulle ở thủ đô Paris, nơi lực lượng cứu hỏa đã đình công kể từ hôm 30/6, buộc nhà chức trách hàng không phải đóng cửa một số đường băng như một biện pháp phòng ngừa. Từ 7h sáng đến 14h chiều (theo giờ địa phương), 20% số chuyến bay đến hoặc đi đã bị hủy, nhà điều hành sân bay ADP cho biết.