Nhân viên an ninh sân bay nuốt 300 USD lấy trộm của hành khách
Video quay cảnh nữ nhân viên an ninh ở sân bay quốc tế Manila, Philippines cố nuốt 300 USD lấy trộm từ ví của hành khách khiến dư luận phẫn nộ.
Sự việc xảy ra ngày 8/9. Đoạn video trích xuất từ camera an ninh tại sân bay Manila cho thấy, nữ nhân viên này đang nhét 300 USD vào miệng mình và uống nước để cố nuốt trôi. Thông tấn xã nhà nước Philippine xác định, người phụ nữ này tên là Irency Morados.
Trong quá trình nuốt ba tờ tiền, cô ta có vẻ như bị nghẹn và lấy một chiếc khăn mặt che miệng để giấu hành động ăn cắp của mình.
Hình ảnh chụp từ camera an ninh cho thấy hành động nuốt tiền ăn cắp của nữ nhân viên an ninh tại sân bay Manila.
Theo báo cáo của Văn phòng An ninh Giao thông Vận tải (OTS), Morados lấy số tiền này từ ví của một hành khách khi họ đưa túi xách cho Morados để kiểm tra toàn thân ở cửa soi chiếu an ninh. Lúc thực hiện hành vi ăn cắp, Morados lại không để ý rằng mình đã quay mặt về phía camera an ninh và hành động nuốt tiền đã bị ghi lại toàn bộ.
Sau đó, hành khách phát hiện ví của mình bị mở và thiếu tiền bên trong nên đã chất vấn những người có mặt tại khu vực soi chiếu.
Ngày 21/9, nhà chức trách sân bay Philippines ra lệnh buộc tội Morados. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Jaime Bautista cho biết ông đang cân nhắc hình phạt tối đa cho Morados.
Đây là vụ trộm cắp thứ ba được công bố rộng rãi tại sân bay Manila vào năm 2023. Trước đó, một nhân viên an ninh sân bay bị phát hiện trộm tiền của du khách Thái Lan. Năm ngày sau, nhân viên soi chiếu khác bị bắt vì ăn trộm đồng hồ của một hành khách Trung Quốc.
Để đối phó với nạn trộm, OTS ra lệnh cấm nhân viên mặc áo khoác; còn quần áo đồng phục không được may thêm túi.
Trong một cuộc khảo sát vào tháng 7, sân bay Manila được công ty quản lý tài sản và khách sạn Casago xếp hạng là sân bay tồi tệ thứ 8 trên thế giới dựa trên trải nghiệm xếp hàng của hành khách.
Vào tháng 11/2022, trang web du lịch Hawaiianislands.com gọi đây là sân bay căng thẳng thứ ba ở Đông Nam Á và Châu Đại Dương.
Nguồn: AsiaOne