Hạng mục lì xì trong bảng chi tiêu mùa dịch Covid-19 khiến chị em đau đầu: mừng tuổi trẻ con 20k liệu có đủ?
Lì xì ngày Tết là một phong tục đẹp thay lời chúc phúc cho con trẻ sang một tuổi mới bình an. Nhưng có nhiều câu chuyện cười ra nước mắt mà khiến người ta luôn phải ngẫm ngợi đằng sau sự reo vui hay vẻ thất vọng của lũ trẻ...
Tục lì xì ngày Tết từ xưa đến nay chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa và tốt đẹp. Đó là việc thể hiện tình cảm yêu quý, là gửi lời chúc phúc, sự may mắn và niềm hân hoan đón chào 1 năm mới.
Người ta sẽ chuẩn bị những tờ tiền mới cóng, thơm tho được gọi là tiền mừng tuổi trong các phong bao lì xì màu đỏ thay cho tình cảm, lời chúc phúc cho bạn bè và người thân. Đối tượng thường nhận được lì xì là người già và trẻ nhỏ.
Đặc biệt khi Tết đang cận kề người ta lại phải vạch ra 1 khoản chi cho tiền lì xì, nó không hề nhỏ, đặc biệt giữa mùa dịch Covid-19, thì đó thực sự là 1 khoản đáng kể trong ngân sách phải chi tiêu của bà nội trợ?
Nào thì mừng tuổi để mệnh giá bao nhiêu để không “muối mặt” mà lại không quá “đau ví”? Nào thì với người này để mệnh giá bao nhiêu, người khác mệnh giá bao nhiêu là hợp lý? Có mỗi chuyện lì xì vốn xuất phát là phong tục lấy may mà người lớn phải tính toán đau đầu, nhức óc như thế.
Ngoài ra còn bao nhiêu câu chuyện liên quan đến việc lì xì cho trẻ, nhưng lại có “tư tưởng” của người lớn lồng trong đó và biến tướng ngay từ cách nhìn của trẻ.
Những tình huống "muối mặt" cha mẹ
Đứa trẻ nhanh chóng rút ra tờ 200 ngàn trong phao bao lì xì rồi khoe ngay với chị: “Em có 3,6 triệu rồi”. Thế rồi, 2 đứa hí hoáy ngồi đếm tiền, trong khi mặt mẹ chúng trở nên dần chuyển qua màu đỏ. Khách xuề xòa: “Trẻ con mà, như thế mới vui”. Nhưng đằng sau là 1 khoảng trùng xuống từ cả 2…
Trường hợp khác, lúc qua nhà dì chơi, có mấy đứa cháu nhà dì ở đó, cùng lúc có người khách hàng xóm qua chúc Tết dì và mừng tuổi cho lũ trẻ. Chúng vô tư hồn nhiên bóc phong bao lì xì trước mặt mọi người rồi buông thõng câu: “Có 20 nghìn thôi này. Nhà này mẹ chị bảo giàu mà kẹt xỉ thôi rồi”. Người lớn bỗng dưng nhìn nhau ngượng ngùng, bỗng dưng 1 mối quan hệ người lớn “lộ tẩy” hết qua chiếc phong bao lì xì cho trẻ nhỏ.
Nhà bạn có chuyện buồn bạn không đi chơi được nên đến chơi cũng để an ủi tinh thần bạn. Thấy con gái bạn cũng ở ngày đó liền mừng tuổi cho bé. Đứa trẻ khoảng 5 tuổi sau khi lôi tuột số tiền ra kiểm tra và thấy tờ 200 ngàn thì bỗng thốt lên: “Còn phần của anh trai cháu nữa cô ơi, anh cháu đang đi sang bác chơi”. Tôi chết điếng, hóa ra trẻ con còn biết đòi cả phần cho người vắng mặt nữa. Thế nhưng, trước tình hình đó dạy cho trẻ 1 bài học ngay lúc này thì mất vui mà chiều trẻ thì cảm thấy bất ổn.
Nhưng điều đáng nói hơn bố mẹ đứa trẻ cũng không có động thái chữa ngượng cho con, còn cười giống như khen 1 đứa trẻ thông minh và trách khách: “Ghê thật, còn biết đòi phần cho anh nữa”. Vì chuyện cư xử đó mà sau này tình cảm chúng tôi có nhạt đi vài phần. Là những người lớn làm “hư” con trẻ hay lũ trẻ đã cho chúng tôi thấy mối quan hệ xã giao mà tôi đang giữ thực ra chẳng có nhiều giá trị.
2 đứa trẻ ngồi trước hiên nhà nói chuyện với nhau khoe thành tích rằng mình “thu hoạch” được bao nhiêu sau mùa lì xì Tết, đứa được nhiều hơn cảm thấy mình như là người chiến thắng. Từ khi nào trong đầu những đứa trẻ chỉ còn lại giá trị vật chất mà chúng nhận được? Cũng không hẳn chỉ là chuyện của trẻ nhỏ. 1 cặp vợ chồng nọ ngồi nói chuyện với nhau: “Mình lì xì nhà họ 200 ngàn mà họ lì xì lại con nhà mình 50 ngàn. Thật không biết điều mà”. Từ khi nào lì xì là 1 cuộc đổi chác về tiền bạc, nhuốm đầy màu lo toan của người lớn.
Lũ trẻ xưa kia vốn nhận tiền lì xì hồn nhiên như thế mà rồi cũng đếm, cũng thái độ, cũng yêu ghét cùng số những số 0 trên mệnh giá tờ tiền chúng nhận được.
Lì xì trẻ bao nhiêu thì... đủ?
Vậy người lớn nên đặt 1 mệnh giá thế nào vào chiếc phong bao lì xì mà đôi bên đều hớn hở. Hẳn đó là câu hỏi khó, bởi người ta còn phải phân loại mối quan hệ để đặt 1 mệnh giá thích hợp. Bởi số tiền lớn được đặt trong chiếc phong bao kia chứa đựng bao nhiêu dụng ý nhờ mượn hình thức lì xì cho trẻ (nhân viên lễ Tết sếp, những mối quan hệ làm ăn, mục đích kinh tế…) mà vô tình tác động vào nhận thức của trẻ bởi số tiền quá lớn, bởi những lời bàn tán của cha mẹ chúng và người lớn.
Việc sử dụng số tiền lì xì sau đó vào mục đích gì cũng nhiều khi ảnh hưởng đến việc đứa trẻ mong có được 1 số tiền lớn để đạt được mục đích nào của chúng và kỳ vọng số tiền trong chiếc phong bao kia là mệnh giá to. Người lớn thì vẫn cười vui vì tự hào rằng lũ trẻ thời nay “khôn ranh” quá, mà quên mất ngây thơ mới là phần cần giữ cho lũ trẻ.
Có người vô tư cho rằng lì xì là để lấy may thôi nên họ đầu tư vào chiếc phong bao đẹp, tờ tiền mới cùng những thành ý tốt đẹp, nhưng cha mẹ lũ trẻ lại bĩu môi “Ông này giàu mà ke bo, kẹt xỉ" nên cuối cùng cuộc chiến mệnh giá vẫn xảy ra vì những cái đầu đầy toan tính của người lớn.
Thái độ của người lớn sẽ làm ảnh hưởng đến sự tiếp nhận lì xì của trẻ nhỏ. Chẳng hạn, nếu bạn khoe khoang về số tiền con cái nhận được trẻ sẽ hiểu càng nhiều tiền mừng càng may mắn. Nếu có giải thích cho con về ý nghĩa của tục lì xì, của bao lì xì, trẻ sẽ biết trân trọng chiếc phong bao lì xì và không quá quan tâm mệnh giá trong đó là bao nhiêu. Chỉ dẫn cho trẻ cách nhận lì xì từ người lớn tuổi sẽ tránh được việc trẻ bóc ngay bao lì xì, lôi tờ tiền ra và bình luận nhiều, ít, hoặc bỏ lại ngay bao lì xì chơ chỏng khiến người lớn dở khóc dở cười đầu năm mới.
Câu hỏi lớn “Lì xì bao nhiêu là đủ?” được đặt ra mỗi năm mà vẫn không có lời giải thỏa đáng nên hỏi hết từ năm này sang năm khác. Trong khi vốn dĩ, tục lì xì với nghĩa nguyên thủy không quan trọng ở số tiền là bao nhiêu mà là ở sự quan tâm, tình cảm, sự chân thành dành cho nhau. Vậy nên, để phải đặt câu hỏi khó này có phải chúng ta có vấn đề không? Chẳng lẽ khó quá thì bỏ qua, cứ “tùy tâm”, tùy điều kiện mà hành xử.
Thế nhưng, với người có tâm vẫn muốn chiếc phong bao lì xì đỏ xinh xắn kia thực hiện đúng chức năng của nó là việc “lấy may” là "lời chúc phúc" nhưng lại xem chừng không dễ.
Một số luật "bất thành văn" cho câu hỏi "Lì xì bao nhiêu là đủ?"
Mừng tuổi bố mẹ: Nhiều nhất trong khả năng của bạn
Không có số tiền nào có thể "trả công" nuôi dưỡng của cha mẹ cả. Nhưng đa phần cha mẹ sẽ rất vui nếu nhận được tiền mừng tuổi của con cái. Số tiền tùy vào khả năng của bạn nhưng cha mẹ sẽ "đọc" được tấm lòng của con trong đó.
Anh em ruột, họ hàng, con cái: Tùy tâm
Tuỳ thuộc vào tuổi tác và nghề nghiệp (đang đi học hay còn là học sinh) của đối tượng mừng tuổi mà bạn có thể quyết định mừng một bao lì xì bao nhiêu.
Chuẩn bị sẵn bao lì xì sẵn cho trẻ nhà hàng xóm, người quen bạn gặp: từ 10 - 20 ngàn đồng
Chuẩn bị sẵn các phong bao lì xì có mệnh giá nhỏ với đúng nghĩa "lấy may" để mang lại vui vẻ cho cả đôi bên.
Cuối cùng, bao lì xì đỏ là thể hiện thành ý với người nhận để lấy may trong cả năm mới. Nên số tiền bao nhiêu bạn bỏ trong đó là phụ thuộc vào túi tiền của bạn. Đừng cảm thấy phải có bổn phận phải lì xì số tiền bằng người khác thường làm, trong khi bản thân mình thì "méo mặt".