Nhận biết sớm nguy cơ bị sẩy thai

,
Chia sẻ

Nắm được các dấu hiệu của sẩy thai giúp phụ nữ hiểu rõ những gì đang xảy ra với cơ thể họ cũng như cần phải chăm sóc sức khỏe như thế nào thời kỳ hậu sẩy thai.

Bước 1

Nếu bị chảy máu âm đạo vào thời kỳ đầu mang thai, bạn cần hết sức lưu ý.

Mặc dù chảy máu trong những tháng đầu mang thai thường được coi là “dọa sẩy thai” (chảy máu âm đạo nhưng thai nhi vẫn còn sống và chưa bị đẩy ra ngoài tử cung) nhưng cứ 10 phụ nữ thì có 1 người bị chảy máu ít hoặc nhỏ giọt trong khi mang bầu. Do đó, nếu thấy máu có màu hồng nhạt hoặc hơi nâu sau khi đi vệ sinh, bạn nên gọi bác sỹ để kiểm tra nhưng không vì thế mà quá lo lắng, hoảng sợ.

Ra máu nhiều mới là dấu hiệu của dọa sẩy thai và cần được khám cũng như điều trị càng sớm càng tốt.

Bước 2

Giữ lại bất kỳ mẩu giấy hay quần lót có dính máu khi bị chảy máu âm đạo. Có thể bạn không thích nhưng việc làm này có thể giúp bác sỹ chẩn đoán tình trạng sức khỏe của bạn chính xác hơn. Họ sẽ dễ nhận ra liệu bạn bị sẩy thai “hoàn toàn” (toàn bộ thai nhi lẫn nhau thai cùng bị tống ra một lúc, máu vẫn có thể tiếp tục rỉ ra) hay “không hoàn toàn” (một phần của thai và nhau thai vẫn còn trong tử cung; máu âm đạo vẫn chảy liên tục).
 
Sẩy thai không hoàn toàn đồng nghĩa với việc bạn cần được phẫu thuật để đẩy toàn bộ thai ra ngoài tử cung.

Bước 3

Nếu khí hư ra nhiều hơn, đặc biệt là có mùi khó chịu, hãy để tâm đến điều đó. Mặc dù có thể bạn chỉ bị viêm nhiễm nhưng cũng không loại trừ khả năng bạn bị thai lưu (thai nhi đã chết nhưng còn lưu lại trong tử cung chưa bị đẩy ra ngoài). Hãy đến gặp bác sỹ ngay lập tức.

Bước 4

Những cơn đau bất thường cũng có thể là dấu hiệu của sẩy thai. Đau bụng hoặc tử cung, đau vùng lưng dưới hay cảm thấy nặng nề ở vùng khung xương chậu, đặc biệt là đi kèm với chảy máu, đó có thể là dấu hiệu sẩy thai. Tuy nhiên, một số phụ nữ bị đau vùng xương chậu là do dây chằng phản ứng lại hocmon mang thai nên bị giãn ra. Hãy đến gặp bác sỹ để được siêu âm nhằm biết chính xác điều gì đang xảy ra.

Bước 5

Hãy chú ý các dấu hiệu của cơ thể và đừng coi thường đi trực giác của bạn. Trong một số trường hợp bị sẩy thai, phụ nữ cho biết họ không có cảm giác đang mang thai nữa hoặc các triệu chứng như bị ốm nghén đã giảm bớt trước khi các triệu chứng khác xuất hiện.

Bước 6

Hãy chăm sóc sức khỏe thật tốt trong thời gian mang thai, bao gồm khám thai định kỳ. Trong các lần khám thai, bác sỹ sẽ kiểm tra xem cổ tử cung có bị hở không, mức độ phát triển của tử cung và lắng nghe tim thai.

Bác sỹ có thể phát hiện sớm khả năng bị sẩy thai từ bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong lúc kiểm tra. Một số bệnh như hở eo tử cung, bác sĩ sẽ có chỉ định khâu vòng eo cổ tử cung sớm (tuần lễ thứ 14-15 thai kỳ) để tránh sẩy. Đây là thủ thuật khá đơn giản, bệnh nhân không phải nằm viện lâu.

Thụy Vân
(Tổng hợp theo MO)

Chia sẻ