Nhâm nhi món này ngày Tết, bớt lo tăng đường huyết
Một món ăn vặt được khá nhiều người Việt tìm mua ngày Tết vừa được các nhà khoa học Mỹ chứng minh là giúp kiểm soát đường huyết cực tốt.
Các thí nghiệm của nhóm tác giả đến từ Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) đã chứng minh rằng ăn nhẹ một chút hạt dẻ cười (quả hồ trăn) có thể làm giảm quá trình sản xuất glucose, từ đó khống chế mức đường huyết lúc đói.
Tác dụng này đặc biệt có lợi cho những người đang rơi vào tình trạng tiền tiểu đường hoặc tiểu đường type 2, vốn rất phổ biến trong xã hội ngày nay do lối sống công nghiệp.
Ngoài ra, một tin vui dành cho những người cố bỏ thói quen ăn khuya mà không được: Tác dụng kiểm soát đường huyết của hạt dẻ cười càng tốt nếu được dùng như một bữa ăn nhẹ vào khoảng thời gian từ sau bữa tối cho đến trước khi đi ngủ.
Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Nutrients, một thử nghiệm chéo ngẫu nhiên kéo dài 2 giai đoạn đã được tiến hành. Những người tham gia được cung cấp 57 g/ngày hạt dẻ cười rang khô không ướp muối vào ban đêm.
Suất ăn nhẹ này chứa khoảng 319 kcal, đủ để bạn dập tắt cảm giác "buồn miệng" ban đêm.
Sau 12 tuần, những người ăn đêm kiểu này cho thấy khả năng kiểm soát tốt hơn những người không ăn. Hiệu quả giúp kiểm soát đường huyết cũng được ghi nhận ở nhóm sử dụng loại đồ ăn nhẹ chứa carbohydrate dành riêng cho người tiểu đường.
Điều này chứng minh việc ăn đêm một chút ở người có đường huyết cao lại trở nên có lợi, giúp giảm được đường huyết vào sáng hôm sau.
Tuy vậy, lựa chọn hạt dẻ cười tối ưu hơn so với các dạng bữa ăn nhẹ khác. Loại hạt này đặc biệt giàu chất xơ và axit béo không bão hòa, ngoài giúp điều hòa glucose còn tăng cường sức khỏe mạch máu, theo News-Medical.
Do vậy, nó đem đến lợi ích kép, bởi các mạch máu cũng là cơ quan dễ bị tổn thương do biến chứng của bệnh tiểu đường.
Một số thử nghiệm độc lập cho thấy tiêu thụ hạt dẻ cười cũng giúp cải thiện độ nhạy insulin, tức giúp người bị tiểu đường, tiền tiểu đường cải thiện "từ gốc".
Theo các tác giả, thống kê tại Mỹ cho thấy tỉ lệ mắc tiền tiểu đường lên đến 38% dân số trưởng thành, trong đó 74% có nguy cơ phát triển thành tiểu đường type 2.