8 điều tuyệt đối không nên nói với "nửa kia"
Trong lúc nóng giận, ta rất có thể nói những điều mà không ai muốn nghe.
Tiến sĩ Cortney S. Warren, là một nhà tâm lý học được tạo tại Harvard. Chuyên môn của cô là về hôn nhân, tình yêu.
Với kinh nghiệm làm việc nhiều năm với các cặp đôi, Cortney hiểu một mối quan hệ có thể lao dốc nhanh đến mức nào khi cả hai đối xử với nhau bằng thái độ khinh miệt. Sự khinh thường rất nguy hiểm vì nó xói mòn lòng tự trọng của một người và khiến họ có cái nhìn khác hẳn về đối phương.
Vấn đề là trong lúc cãi cọ, bất đồng quan điểm, nhiều người thường quá nóng giận mà nói ra những ngôn từ mỉa mai, nhạo báng, khinh thường.
Cho dù bạn có tự bao biện bản thân rằng “mình lỡ lời nói chứ không có ý đó” thì điều bạn nói ra cũng đã “ngấm” vào tâm trí của người kia. Và những câu nói, cụm từ độc hại có thể hủy hoại mối quan hệ nhanh hơn bạn nghĩ. Dưới đây là những câu nói mà Cortney đã tổng hợp lại:
"Anh không xứng với em!"
Với cách nói chuyện kiểu này, bạn đang thể hiện sự khinh miệt trực tiếp với đối phương. Họ sẽ hiểu rằng bản thân họ kém cỏi hơn bạn, vì thế mà lòng tự trọng của họ sẽ bị tổn hại. Đây là câu nói bạn không bao giờ nên nói với người yêu.
"Không có vấn đề gì cả, anh không cần phải lo đâu!" (trong khi có rất nhiều vấn đề)
Bạn có thể gặp chuyện buồn hoặc đang giận người yêu, khi người yêu bạn hỏi thì bạn phủi bỏ mọi thứ và đẩy họ ra bằng ngôn từ lạnh nhạt. Dù người yêu thực sự cảm thấy không ổn và muốn thẳng thắn nói chuyện thì bạn lại né tránh, điều này khiến xung đột không được giải quyết triệt để, và cả hai đều thấy khó chịu, bức bối.
Thay vào đó, bạn hãy thừa nhận cảm xúc của mình và dành thời gian một mình để suy ngẫm về vấn đề trước: “Em đang hơi buồn, anh cho em một chút thời gian để suy nghĩ nhé”.
"Không nhờ vả được cái gì hết"
Cách họ xử lý một tình huống có thể hơi vụng về hoặc không đúng ý bạn, nhưng bạn lại nặng lời trách móc họ không làm được việc. Đây là điều không nên vì không ai muốn bị đánh giá thấp.
"Em rất khó chịu với anh"
Mặc dù “rất khó chịu với...” ai đó có thể là câu cửa miệng của bạn, nhưng khi áp dụng nó lên người yêu thì bạn đang tạo ra một sự công kích hướng thẳng đến lòng tự trọng của họ, bắt họ phải chịu đựng những cảm xúc tiêu cực của bạn.
Nếu quá nóng giận, đừng tiếp tục xả lên người thương. Một lần nữa, hãy nói chuyện khi đã bình tĩnh trở lại.
"Anh làm cha mẹ cái kiểu gì đấy" hoặc "Em dạy con kiểu gì đấy!"
Cuộc sống của các cặp vợ chồng có thể nảy sinh đủ thứ vấn đề. Chỉ riêng việc nuôi con thôi đã rất nhức đầu rồi. Khi nuôi con, mỗi người sẽ có một phong cách khác nhau, ví dụ bố thì nghiêm khắc, còn mẹ thì chiều chuộng con. Và trong lúc nóng giận, cả hai có thể trách móc nhau vì phản đối cách dạy con của nhau.
Theo nhiều nghiên cứu, cách dạy con của một người có thể giống với cách họ từng được nuôi dạy lúc bé. Vì vậy, nếu một người nghiêm khắc với con, khả năng vì họ cũng từng được dạy dỗ như vậy trong quá khứ.
Thay vì đánh vào lòng tự trọng và gây tổn thương lẫn nhau, tiến sĩ Cortney khuyên bạn nên giao tiếp một cách lịch sự hơn, tập trung vào vấn đề chính là “cách nuôi dạy con thế nào thì phù hợp” (vì lợi ích chung) chứ không phải là “anh hoặc em có cách nuôi con sai lầm” (công kích cá nhân).
"Em thực sự bị điên rồi"
Hạ thấp người khác và phủ nhận cảm xúc, suy nghĩ của họ chính là một hình thức thao túng tâm lý. Ví dụ, trong lúc bạn cãi cọ với người yêu, bạn buột miệng quát tháo: “Em bị điên rồi, suốt ngày tưởng tượng linh tinh”.
Thay vào đó, bạn nên từ tốn nói rằng bạn không thích hành động của đối phương, giải thích cho họ hiểu cách phản ứng thái quá có thể làm tình huống xấu đi.
"Anh đòi hỏi quá nhiều"
Khi yêu nhau, một trong hai người có thể mong muốn đối phương dành nhiều thời gian hơn cho mình, họ có thể muốn nhắn tin liên tục hoặc muốn ở bên cạnh người yêu 24/7. Kể cả khi bạn không thích việc “dính” lấy nhau suốt ngày, bạn cũng không nên trách móc nhu cầu yêu đương của họ, hãy nói với họ là bạn cần không gian, thời gian riêng.
"Mệt mỏi lắm rồi, đừng làm phiền nữa"
Nhiều người khi giận người yêu hay dùng ngôn từ đe dọa như “Em không muốn nói chuyện gì nữa”, “Mệt mỏi quá, chia tay đi” cho dù họ thực sự không có ý đó. Có thể đơn giản họ chỉ muốn người yêu hối lỗi. Thật ra cách nói chuyện bốc đồng này tạo ra rất nhiều nỗi bất an không cần thiết và làm mất lòng tin của nửa kia.
Nếu mối quan hệ có vấn đề, hãy ngồi xuống nói chuyện xem có thể giải quyết như thế nào để ổn cho cả hai. Nên nhớ, khi vấn đề nảy sinh trong mối quan hệ, bạn cần giải quyết vấn đề chứ không phải là giải quyết nhau. Vì thế, công kích cá nhân hay trốn tránh vấn đề đều không có tác dụng.
Làm thế nào để giao tiếp lành mạnh?
- Nói rõ cảm nhận của bạn: Đừng chăm chăm chỉ ra lỗi sai của đối phương, hãy nói về cảm nhận của bạn để họ hiểu bạn đang nghĩ gì. Và nên nói với một thái độ hòa nhã, thay vì gay gắt chỉ ra bạn đang khó chịu với họ.
- Nói cảm ơn: Hãy trân trọng những nỗ lực mà người kia dành cho bạn, cho dù đó là một hành động nhỏ bé, ví dụ như đợi bạn về nhà để ăn cơm cùng nhau.
- Nhận trách nhiệm: Hẳn sẽ có lúc bạn cư xử hoặc có lời nói chưa đúng mực, đặc biệt khi nóng giận. Bạn có thể xin lỗi người yêu sau khi đã bình tĩnh trở lại.