Nha sĩ tư vấn cách chọn kem đánh răng không lo đau nhức răng

Saga,
Chia sẻ

Ðau nhức răng là hiện tượng phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi thành viên trong gia đình. Bác sĩ Nguyễn Phú Hòa sẽ tư vấn cách chọn kem đánh răng để cả nhà không lo đau nhức.

Thưa bác sĩ, tôi thường hay bị đau nhức răng, cảm giác buốt lên tận óc rất khó chịu, khi đánh răng thì thấy có lẫn máu. Cha mẹ tôi tuổi đã cao cũng thường hay kêu đau răng, ăn uống kém. Con tôi 7 tuổi đang trong giai đoạn thay răng cũng khiến tôi lo lắng. Mong bác sĩ cho tôi lời khuyên: cần làm gì để tăng cường sức khỏe răng miệng cho cả gia đình?

Trả lời:

Chào chị,

Đau nhức răng là bệnh lý phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi thành viên trong gia đình. Theo thống kê của Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương năm 2011 thì Việt Nam là nước có tỉ lệ người mắc bệnh về răng miệng rất cao, chiếm tới 90% dân số.

Có nhiều nguyên nhân gây đau nhức răng miệng như:

- Do mảng bám trên mặt răng: được tạo thành ngay sau khi ăn các chất đường, bột (bánh kẹo, nước ngọt…) phối hợp với các vi khuẩn sinh ra acid làm mòn men răng ở người lớn và gây sún răng sữa ở trẻ.

- Do sâu răng: là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau nhức răng. Khi răng mới xuất hiện các vết sâu nhỏ, mọi người thường không để ý và bỏ qua, tới khi tình trạng sâu răng đã trở nên trầm trọng, đau buốt kéo dài thì bệnh nhân mới đi thăm khám.

- Do thiếu dinh dưỡng: thiếu vitamin C dễ dẫn tới viêm lợi, chảy máu chân răng; thiếu Canxi và vitamin D3 sẽ ảnh hưởng tới quá trình cấu tạo và khoáng hóa răng, khiến răng mọc lệch.

- Do chấn thương răng miệng: người già hoặc trẻ nhỏ chẳng may bị ngã, gặp tai nạn giao thông... gây gãy mẻ răng, rạn răng, vi khuẩn theo đó xâm nhập vào tủy răng gây nhiễm trùng.

- Do mọc răng khôn: gây đau và viêm nướu lúc mọc, nhất là răng khôn mọc lệch, mọc ngầm.

- Do rối loạn nội tiết tố: gây viêm lợi ở các giai đoạn dậy thì, hành kinh, thai nghén, mãn kinh...

Triệu chứng ban đầu của bệnh thường là đau nhức nhẹ và chảy máu nướu, đặc biệt khi đánh răng. Nếu không được điều trị kịp thời, răng dễ bị kích thích bởi các thực phẩm quá nóng, quá lạnh hoặc quá cay, chua, dẫn đến ê buốt kéo dài, thậm chí “buốt đến tận óc” như chị miêu tả. Đau nhức răng có thể kéo theo các bệnh lý khác như viêm tủy, viêm chân răng, viêm xương hàm, viêm xoang…, làm lung lay và mất răng thật sớm, ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai của hàm răng. Đặc biệt khi đau nhức răng trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến nguy cơ sinh non.

Do đó, chị nên nhắc nhở cả gia đình có ý thức chăm sóc răng miệng thật tốt để đề phòng nguy cơ đau nhức răng và các bệnh răng miệng khác. Với người cao tuổi, không nên ăn thức ăn quá cứng mà nên ưu tiên các thức ăn mềm, loãng. Nếu đã rụng răng thì vẫn phải vệ sinh lợi và răng giả (nếu có) sau mỗi khi ăn.

Với trẻ nhỏ, không nên ăn nhiều đồ ngọt, thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh để tránh làm tổn thương men răng và lợi. Để trẻ có hàm răng chắc khỏe thì ngay từ khi mang thai, người mẹ cần ăn uống đủ chất, đảm bảo khẩu phần Canxi 1.200mg, vitamin A 2.500 - 3.000UI, vitamin D3 300 - 400UI/ngày. Không được uống thuốc có tetracylin, doxycyclin sẽ làm răng bé xỉn màu.

Với người lớn, cần ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin C từ rau xanh, trái cây, Canxi từ hải sản, trứng, sữa… Không dùng vật nhọn, cứng (như tăm xỉa răng) chọc vào răng, tốt nhất nên dùng chỉ tơ nha khoa để lấy thức ăn thừa từ các kẽ răng.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất để phòng ngừa đau nhức là vệ sinh răng miệng đúng cách trước và sau khi ngủ dậy, sau khi ăn. Chị nên chọn bàn chải đánh răng mềm, đầu thon nhỏ để có thể đánh sạch kẽ răng sâu bên trong mà không tổn thương đến lợi.

Trẻ nhỏ chưa biết chải răng thì mẹ nên dùng gạc mềm lau sạch lợi, răng cho bé. Trẻ từ 3 tuổi trở lên có thể tập chải răng với bàn chải nhỏ, lông mềm.

Ngoài ra, chị cũng cần lựa chọn kem đánh răng phù hợp để cải thiện tình trạng răng miệng cho cả gia đình. Kem đánh răng tốt ngoài tác dụng làm sạch, thơm miệng còn phải có chức năng hoạt huyết, bảo vệ thành mạch, nuôi dưỡng răng lợi từ gốc, tránh các nguy cơ đau buốt, sâu răng và bệnh răng miệng. Chị có thể lựa chọn kem đánh răng dược liệu có chứa hoa hòe, keo ong, đinh hương… có khả năng phòng ngừa chảy máu chân răng và viêm lợi, rất tốt và an toàn cho cả gia đình.

Chị và gia đình nên định kỳ lấy cao răng và khám răng ít nhất mỗi năm 1 lần để kịp thời phát hiện và chữa các bệnh về răng lợi. Chúc chị và cả nhà luôn có sức khỏe răng miệng thật tốt!

1

Chia sẻ