Nhà sản xuất truyền hình thoát khỏi ung thư trực tràng nhờ phát hiện triệu chứng kịp thời
Trong khi đang dọn dẹp lại bàn làm việc, Michelle Forde đã tự cứu mình thoát khỏi "bàn tay tử thần" nhờ kịp thời phát hiện căn bệnh ung thư trực tràng cô đang mắc.
Bất ngờ nhận ra mình đang bị bệnh qua một tờ rơi quảng cáo
Michelle Forde, đến từ Cork, Ireland, đang dọn dẹp bàn làm việc thì cô tình cờ đọc được thông tin trên một tờ rơi về sức khỏe, trong đó có liệt kê các triệu chứng của bệnh ung thư trực tràng và Forde nhận ra rằng cô có rất nhiều triệu chứng của bệnh.
Forde thường xuyên thấy thiếu năng lượng, mệt mỏi, hay bị vỡ mụn trứng cá và đi ngoài ra máu nhưng trước đó cô đều cho rằng các triệu chứng đó là do công việc với tư cách là nhà sản xuất truyền hình đầy áp lực và căng thẳng của cô gây ra.
Michelle Forde, đến từ Cork, Ireland tình cờ đọc được thông tin trên một tờ rơi về sức khỏe và nhận ra rằng cô có rất nhiều triệu chứng của bệnh ung thư trực tràng.
Ngay sau khi phát hiện ra mình có quá nhiều triệu chứng của bệnh, cô đã đi gặp bác sĩ và cô được chẩn đoán bị ung thư trực tràng ở giai đoạn 3.
Forde, hiện đang sống tại Earlsfield, phía nam London và tình trạng bệnh đang có xu hướng thuyên giảm, cô nói: "Tôi đã không bao giờ chú ý tới tờ rơi có trên bàn làm việc nhưng việc dọn dẹp bàn làm việc đã giúp tôi vô tình đọc được những thông tin trên tờ rơi sức khỏe và sau đó tôi biết tôi cần phải đi khám ngay. Ban đầu, tôi thậm chí không bao giờ nghĩ rằng mình có thể mắc bệnh ung thư vì tôi còn quá trẻ và tôi chẳng thấy dấu hiệu nào khiến tôi phải nghi ngờ cả. Nhưng tôi cũng thật may mắn khi tôi phát hiện ra bệnh trước khi nó kịp lan đi khắp cơ thể tôi".
Trước đó, Michelle đã bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo bệnh đầu tiên.
Rất nhiều người nhận thấy các triệu chứng nhưng rất xấu hổ khi đi khám bác sĩ
Dù cho ung thư trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ 4 ở Anh nhưng nhiều người vẫn không hề quan tâm đến nó.
Michelle gặp triệu chứng đi ngoài ra máu lần đầu tiên vào tháng Giêng năm 2016 nhưng do không bị thường xuyên nên cô không không chú ý nhiều đến điều đó nữa.
Cô cũng cảm thấy mệt mỏi và nổi nhiều mụn trứng cá bất thường trên mặt nhưng lại cho đó là hậu quả do công việc quá bận rộn của cô gây nên.
Nhưng khi cô bắt đầu công việc mới vào tháng 7 năm 2016, cô được đóng bảo hiểm y tế. Cô giải thích: "Các mẫu đơn về việc làm bảo hiểm đã để ngay trên bàn làm việc của tôi trong vài tuần nhưng tôi chỉ chú ý tới nó khi tôi đang dọn dẹp bàn làm việc.
Tôi nhận được một xấp tờ rơi của bên bảo hiểm và trên trang đầu tiên, tôi nhìn thấy luôn dòng chữ "Nếu bạn từng có bất kỳ những triệu chứng này, hãy cho chúng tôi biết". Những triệu chứng được đề cập đó là sự thiếu hụt năng lượng, đi ngoài ra máu và hay gặp các vấn đề sức khỏe liên quan tới phần bụng. Tôi nhận ra rằng tôi có một vài dấu hiệu trong số chúng".
Lần đầu tiên đi khám, Michelle đến khoa Ruột tại bệnh viện tư nhân London Bridge vào tháng 9 năm 2016. Kết luận của bác sĩ đã khiến cô rất lo lắng. "Từ khuôn mặt của ông ấy trong cuộc gặp đầu tiên, tôi biết có một vấn đề gì đó nghiêm trọng sắp xảy ra. Hai tuần sau, kết quả chụp nội soi và MRI cho thấy tôi đã bị ung thư trực tràng ở giai đoạn 3", cô cho biết.
Các khối u, được khoảng 6cm, đã lan đến ba trong số các hạch bạch huyết lân cận và bác sĩ cảnh báo rằng ung thư trực tràng còn có thể lây lan sang các cơ quan khác trong cơ thể rất nhanh.
Các bác sĩ nói với cô rằng ung thư trực tràng có thể điều trị được nhưng cô cần phẫu thuật và bởi vì khối u nằm ở vị trí thấp trong trực tràng nên cô ấy sẽ phải sống chung với hậu môn giả trong suốt phần đời còn lại của cô.
Cô Forde nói: "Phản ứng ban đầu của tôi sau khi nghe kết luận từ phía bác sĩ là tôi chạy ra khỏi văn phòng nhanh như tôi có thể. Bác sĩ chạy theo tôi để nói chuyện với tôi nhưng tôi nói tôi phải ra ngoài. Em gái của tôi, Kelly, 27 tuổi, đã ở bên tôi, an ủi, động viên tôi phải thật bình tĩnh thì mới có cơ hội điều trị khỏi bệnh được".
Forde và em gái Kelly.
Giai đoạn điều trị
Sau khi Forde có thời gian để suy nghĩ, cô đã bình tĩnh quay trở lại gặp bác sĩ và nói rằng cô muốn tìm hiểu về tất cả các cách điều trị để bảo vệ chức năng của ruột.
Cô bắt đầu xạ trị vào tháng 10 năm 2016 và cô cố gắng giữ cuộc sống vẫn như bình thường.
Sau 4 tuần, các cuộc kiểm tra cho thấy, mặc dù khối u đã co lại nhưng nó vẫn ở trong các hạch bạch huyết và sẽ vẫn cần hóa trị liệu.
Vào tháng 2 năm 2017, cô bắt đầu quá trình 12 buổi trị liệu nhưng mới đến buổi thứ 5 thì cô bị ốm nặng và các bác sĩ khuyên cô nên nghỉ ngơi.
Cô ấy nói: “Sau 5 buổi hóa trị, tôi bị cả táo bón và tiêu chảy. Tôi cũng gặp phải chứng ợ nóng mỗi khi ăn hoặc uống. Tôi mệt mỏi và đau đớn. Tôi đã phải nhập viện trong 10 ngày. Tôi cũng bị tụt cân trầm trọng”.
Giai đoạn phục hồi
Thật đáng ngạc nhiên, vào tháng 4 năm 2017, khi Forde bắt đầu hồi phục, các bác sĩ đã kiểm tra lại bệnh tình của cô để chuẩn bị khởi động lại liệu pháp hóa trị thì các bác sĩ phát hiện ra khối u đã hoàn toàn biến mất và các hạch bạch huyết đã trở lại bình thường.
Các bác sĩ chẩn đoán rằng bệnh có thể phát triển trở lại và đưa ra cho cô 3 lựa chọn: Thứ nhất, hoàn tất quá trình hóa trị liệu; Thứ hai, điều trị bằng papilion, một dạng xạ trị nội tại được sử dụng khi khối u teo nhỏ đi hoặc thứ ba là xem xét và chờ đợi.
Cô Forde nói: "Tôi đã quyết định chọn cách thứ 3 là chờ đợi và thường xuyên đi khám xem bệnh có phát triển trở lại hay không. Tôi thực sự biết ơn tất cả các bác sĩ đã làm việc không mệt mỏi để duy trì chức năng ruột của tôi”.
Forde đã trở lại làm việc sau 2 tháng nghỉ vì hóa trị liệu.
Cô nói thêm: "Sếp của tôi rất ủng hộ tôi trong suốt quá trình tôi nghỉ để điều trị bệnh, tôi cảm thấy mình thật may mắn khi có một người sếp như vậy”.
Đáng buồn thay, cô không có thời gian để đông lạnh trứng trước khi bắt đầu điều trị, vì vậy không chắc rằng khả năng sinh sản của cô có bị ảnh hưởng hay không? Tuy nhiên, về tổng thể, cô vẫn sống rất tích cực.
Michelle cảm thấy gia đình thật là quan trọng đối với mình trong suốt khoảng thời gian chữa bệnh.
Không giấu nỗi xúc động, cô đã chia sẻ: " Tôi thật may mắn khi có cả gia đình ở bên cạnh động viên, quan tâm, chăm sóc trong thời gian bị bệnh. Họ thật tuyệt vời, đặc biệt là em gái tôi”.
Cô nói thêm: "Tôi biết ơn các bác sĩ đã tận tình cứu chữa cho sức khỏe của tôi. Và tôi hi vọng những người biết tới câu chuyện của tôi hãy kể cho những người khác biết nữa để mọi người biết rằng ung thư ruột có thể ảnh hưởng đến cả những người trẻ tuổi và tất cả chúng ta đều nên thận trọng".
Yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư ruột
Các chuyên gia sức khỏe chưa xác định chính xác những nguyên nhân gây ra ung thư trực tràng và ruột, nhưng có một số yếu tố được coi là làm tăng nguy cơ, bao gồm:
- Tuổi: Gần 9/10 trường hợp ung thư ruột xảy ra ở những người từ 60 tuổi trở lên.
- Chế độ ăn kiêng: Chế độ ăn nhiều thịt đỏ hoặc thịt chế biến và ít chất xơ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Ung thư đại tràng phổ biến hơn ở những người thừa cân hoặc béo phì.
- Tập thể dục: Lười tập thể dục làm tăng nguy cơ bị ung thư ruột.
- Uống rượu và hút thuốc: Uống nhiều rượu và hút nhiều thuốc có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư ruột.
- Lịch sử gia đình: Nếu trong gia đình có một người họ hàng gần đây đã phát triển ung thư ruột dưới 50 tuổi thì bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường.
Triệu chứng bệnh ung thư ruột
4 triệu chứng chính là:
- Có máu trong phân
- Thay đổi thói quen đi tiêu, thường là đi tiêu thường xuyên hơn
- Phân lỏng
- Đau bụng
(Nguồn: Dailymail)