Nhà sản xuất "Anh trai vượt ngàn chông gai" vừa đi vay gần 190 tỷ
Trong khi Công ty CP Tập đoàn Yeah1 - nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế "Anh trai vượt ngàn chông gai" vừa vay gần 190 tỷ đồng từ 3 cá nhân. Trong khi đó, Quốc Cường Gia Lai cũng đang nợ tiền tỷ từ nhiều người, trong đó bao gồm cả lãnh đạo công ty.
Tuần này, có 35 doanh nghiệp thông báo chốt quyền để trả cổ tức . Trong đó, 27 công ty trả cổ tức bằng tiền mặt, 2 doanh nghiệp trả cổ tức cổ phiếu, 3 công ty thực hiện quyền mua, 3 doanh nghiệp trả cổ tức kết hợp.
Vay để kinh doanh
Công ty CP Tập đoàn Yeah1 (mã chứng khoán: YEG) ra thông báo vay vốn từ một số cá nhân để tăng cường nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Khoản vay này cũng được sử dụng để mua cổ phần, vốn góp tại các công ty khác hoặc thanh toán các khoản nợ.
Cụ thể, Yeah1 đã vay gần 190 tỷ đồng từ các cá nhân, như: Bà Nguyễn Hải Tường Vi hơn 54,7 tỷ đồng, ông Võ Xuân Huy khoảng 55,6 tỷ đồng và bà Vũ Thị Tuyết Vân hơn 79 tỷ đồng. Thời hạn của các khoản vay đều là 1 năm với lãi suất 8% và lãi suất quá hạn 12%.
Quý II năm nay, YEG đạt doanh thu 207 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của Yeah1 đạt 8,5 tỷ đồng, tăng 66,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Nửa đầu năm nay, Yeah1 có doanh thu thuần gần 281 tỷ đồng, gần gấp đôi so với 6 tháng đầu năm ngoái. Lãi trước và sau thuế đạt 24,7 tỷ đồng, gấp 4,8 lần cùng kỳ năm trước.
Tương tự, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) cũng mượn tiền hàng loạt tổ chức và cá nhân. Trong quý II, QCG đang mượn 272 tỷ đồng từ Công ty CP Bất động sản Hiệp Phúc, mượn Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Phạm Gia gần 153 tỷ đồng. Chủ tịch Hội đồng quản trị QCG Lại Thế Hà cho công ty mượn gần 24 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Như Loan cho mượn 2 tỷ đồng...
Tại thời điểm ngày 30/6, QCG có nợ vay ngắn hạn 188 tỷ đồng (giảm gần một nửa so với đầu năm, chủ yếu do giảm vay cá nhân 132 tỷ đồng). Hiện nay, QCG còn vay ngắn hạn Ngân hàng Liên doanh Việt Nga chi nhánh Đà Nẵng gần 110 tỷ đồng để tài trợ vốn lưu động. Nợ vay dài hạn 246 tỷ đồng của QCG tại Vietcombank chi nhánh Gia Lai để tài trợ cho 2 dự án thủy điện Iagrai 2 và Ayun Trung, sẽ đáo hạn vào năm 2029.
Quý II năm nay, QCG đạt doanh thu hơn 26 tỷ đồng (giảm 41% so với cùng kỳ), lỗ ròng 16,4 tỷ đồng và đây cũng là quý lỗ nặng nhất trong 12 năm qua. Nửa đầu năm nay, doanh thu của Quốc Cường Gia Lai giảm 69% về mức 65 tỷ đồng, lỗ ròng 15 tỷ đồng.
Năm nay, QCG đặt mục tiêu doanh thu 1.300 tỷ đồng và lãi trước thuế 100 tỷ đồng. Như vậy sau nửa năm, Quốc Cường Gia Lai mới thực hiện được 5% kế hoạch doanh thu.
HoSE nhắc nhở SIP
Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) vừa nhắc nhở Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã chứng khoán: SIP) việc chậm công bố thông tin thay đổi số cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Theo đó, ngày 26/7, HoSE nhận được công bố thông tin của SIP về thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành. Căn cứ quy định tại điểm k khoản 1 Điều 11 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính, HoSE cho biết SIP đã chậm công bố thông tin thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành.
HoSE nhắc nhở và đề nghị SIP nghiêm túc tuân thủ quy định về công bố thông tin để đảm bảo quyền lợi của cổ đông và nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Tổng công ty CP Bia rượu Nước Giải khát Hà Nội (Habeco - mã chứng khoán: BHN) thông báo 16/8 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để trả cổ tức 2022 bằng tiền và lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 15/8. Habeco trả cổ tức 2022 bằng tiền với tỷ lệ 15%, có nghĩa cổ đông sở hữu 1 cổ phần được nhận 1.500 đồng. Với gần 232 triệu cổ phiếu đang lưu hành, BHN sẽ chi gần 348 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này.
Hiện tại, Bộ Công Thương là công ty mẹ sở hữu gần 189,6 triệu cổ phần BHN (tương đương 81,79% vốn điều lệ) sẽ nhận về hơn 284 tỷ đồng. Carlsberg Breweries A/S là cổ đông lớn thứ 2 nắm giữ gần 40,2 triệu cổ phần nên sẽ nhận về hơn 60 tỷ đồng.
Ngoài ra, Habeco sẽ lấy ý kiến cổ đông về việc bầu 2 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2024-2029 nhưng nội dung chi tiết chưa được công bố.
Công ty CP ICD Tân Cảng Sóng Thần (mã chứng khoán: IST) sẽ chốt danh sách trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 23% bằng tiền. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 15/8 và ngày thanh toán là 30/8. Đợt này, IST sẽ chi hơn 27,6 tỷ đồng để trả cổ tức. Đây là năm thứ 8 liên tiếp IST trả cổ tức cho cổ đông, trong đó mức cao nhất là 34% bằng tiền vào năm 2020.
Công ty CP Phụ tùng Máy số 1 (mã chứng khoán: FT1) thông báo chốt danh sách trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 37%. Với hơn 7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, FT1 sẽ chi khoảng 26 tỷ đồng để trả cổ tức. Từ khi đưa cổ phiếu giao dịch trên Upcom vào năm 2017, FT1 đều đặn trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ trên 30% bằng tiền.