Nhà nội ruồng bỏ cháu gái nhưng khi bố tôi vướng vào lao lý, chú út bán xới trốn nợ thì lại tìm tôi cầu cứu
Chồng tôi hỏi tôi cảm thấy thế nào, có muốn giúp nhà nội 1 tay không. Tôi không trả lời ngay được.
Tôi sinh ra trong một gia đình mà người ngoài nhìn vào sẽ thầm ghen tị nhà nội giàu có, biệt thự sang trọng, xe hơi đời mới. Nhưng ít ai biết rằng, sự giàu có ấy chẳng mang lại hạnh phúc cho tôi. Ngược lại, nó là cái bóng đè nặng suốt tuổi thơ tôi – một đứa con gái trong dòng họ trọng nam khinh nữ đến mức độc đoán.
Câu nói tôi được nghe nhiều nhất suốt tuổi thơ của mình có lẽ là những câu móc mỉa kiểu như "con gái là con người ta".
Bố tôi là trưởng tộc, nhưng ông lại chỉ có ba đứa con gái. Tôi là con cả, sinh ra từ cuộc hôn nhân đầu của bố. Hai em gái kế tôi là con của người vợ sau – người đã ly dị bố và đưa các em đi theo từ lâu. Nhà nội coi đó là nỗi nhục: Họ luôn mỉa mai bố tôi "phúc mỏng", thậm chí bà nội từng thở dài: "Sao mày không đẻ nổi 1 thằng con trai để nối dõi?".
Tôi lớn lên trong sự thờ ơ của họ. Những bữa cơm sum họp, lì xì đỏ thắm, lời khen ngợi… chỉ dành cho mấy đứa cháu trai họ hàng. Tôi nhớ như in năm 10 tuổi, khi chú út sinh con trai, cả nhà mừng rỡ mở tiệc linh đình. Tôi ngồi nép ở góc nhà, nghe ông nội nói với khách: "Có cháu đích tôn rồi, giờ chết cũng mãn nguyện!" . Còn tôi, dù học giỏi, ngoan ngoãn, cũng chỉ nhận được cái gật đầu qua loa.

Tôi đã trải qua 1 tuổi thơ lạnh lẽo như thế...
Bố tôi không phải người xấu, nhưng ông yếu đuối. Ông không dám cãi lại nhà nội, cũng chẳng bảo vệ được tôi. Sau khi mẹ kế bỏ đi, hai đứa em gái tôi theo mẹ chúng, chỉ còn tôi ở lại với bố. Có lẽ vì thế mà nhà nội càng ghét tôi hơn – họ coi tôi là "cái bóng" của người đàn bà đã rời bỏ con trai họ.
Những ngày Tết, khi họ hàng tụ tập, tôi thành đứa trẻ vô hình. Không ai hỏi tôi học hành thế nào, không ai nhớ sinh nhật tôi. Bà nội thường bảo: "Con gái học nhiều làm gì, sau này lấy chồng rồi cũng về nhà chồng" . Tuổi thơ tôi là chuỗi ngày cô độc: đi học về, ăn cơm một mình, làm bài rồi ngủ. Bố tôi bận rộn công việc, còn nhà nội… họ chẳng bao giờ bận tâm.
Có lẽ vì sống trong 1 gia đình không coi mình là thành viên trong đó mà tôi lựa chọn việc kết hôn khá sớm. Giống như cố gắng tìm cách để cắt đứt với họ và tìm tự do cho chính mình.
Năm tôi 25 tuổi, tôi lấy chồng – một người đàn ông tử tế nhưng xuất thân bình dân. Nhà nội khinh bỉ, gọi đó là "lấy chồng hạ giá". Họ không đến dự đám cưới, cũng chẳng chúc phúc. Kể từ đó, tôi gần như không liên lạc với họ. Thỉnh thoảng bố gọi điện hỏi thăm, nhưng những cái tên như "ông bà nội", "chú thím", "họ hàng"… dần biến mất khỏi cuộc đời tôi.
Tôi nghĩ mình đã buông bỏ được, cho đến một ngày… Cái ngày mà đế chế danh giá từng 1 thời nức tiếng ấy sụp đổ.
Tin đầu tiên là bố tôi bị tạm giữ vì liên quan đến vụ lừa đảo tài chính. Nghe nói ông bảo lãnh cho chú út, ai ngờ bị lôi vào vòng lao lý. Rồi vợ chồng chú út – kẻ từng được nhà nội cưng chiến vì sinh được "cháu đích tôn" – bỗng biến mất sau khi vay nợ hàng chục tỷ. Ông nội tôi đột quỵ qua đời vì sốc, bà nội giờ nằm liệt giường với căn bệnh ung thư.
Cả dòng họ hỗn loạn. Những người từng coi thường tôi, giờ gọi điện cầu cứu. Họ khóc lóc, kể lể về khó khăn, thậm chí ngỏ ý muốn tôi về chăm bà nội. Tôi im lặng nghe, lòng dửng dưng lạ.
Máu cũng đôi khi là thứ nước mắt không rửa sạch. Có những điều đã đi qua rồi không thể thay đổi, không thể làm khác, càng không thể nhắm mắt cho qua.
Chồng tôi hỏi tôi cảm thấy thế nào, có muốn giúp nhà nội 1 tay không. Tôi không trả lời ngay được.
Tôi ghét cái cách họ đối xử với tôi. Nhưng tôi cũng thương bố, chính xác là giống như 1 kiểu thương hại – một người đàn ông yếu đuối, giờ thành nạn nhân của chính gia đình mình. Tôi băn khoăn: Liệu giúp họ có phải là sự bao dung, hay chỉ là ngu ngốc?
Có một sự thật phũ phàng: Khi giàu có, họ chẳng coi tôi là máu mủ. Khi khốn khó, họ mới nhận ra tôi tồn tại. Nhưng tôi không muốn trả thù. Tôi chỉ muốn sống yên ổn, không còn bị ám ảnh bởi ánh mắt khinh bỉ ngày xưa.
…
Đêm nay, tôi ngồi nhìn bức ảnh gia đình chụp năm tôi 5 tuổi – bức ảnh duy nhất có đủ mặt mọi người. Tôi tự hỏi: Nếu tôi là con trai, liệu mọi chuyện có khác? Và tại sao, đến tận bây giờ, tôi vẫn day dứt dù đã cố gạt bỏ quá khứ?
Có lẽ, dòng máu ấy dù đắng cay vẫn chảy trong tôi. Nhưng tôi đã học được cách để nó không đầu độc trái tim mình nữa.