Nhà hàng, quán bia phấn khởi trước thông tin Hà Nội xem xét nới lỏng một số hoạt động: Chờ ngày gian bếp nguội lạnh lại thắm lên lửa hồng!
Trước thông tin TP Hà Nội đang xem xét lộ trình có thể nới lỏng một số hoạt động thiết yếu, nhiều chủ nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống cho biết họ như được thắp lên hi vọng.
Hơn 20 ngày nay, anh Nguyễn Viết Quang (24 tuổi, quản lý quán bia Hải Hói) trên đường Vũ Phạm Hàm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cùng hơn 20 nhân viên rơi vào cảnh thất nghiệp sau khi thành phố Hà Nội yêu cầu nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ, cửa hàng cắt tóc, gội đầu… tạm dừng hoạt động do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Hôm 10/6, khi nghe tin thành phố Hà Nội đang xem xét lộ trình nới lỏng một số hoạt động thiết yếu, anh Quang cảm thấy vui và mong mỏi chờ đợi ngày đó sẽ đến sớm nhất có thể.
Anh Quang cho biết, thời gian vừa qua nhân viên nhà hàng cũng như những nhân viên dịch vụ, cơ sở ăn uống đều không có thu nhập, công việc không ổn định khi hàng quán đóng cửa.
"Sau khi nghe thông tin TP. Hà Nội đang chuẩn bị lộ trình xem xét nới lỏng một số hoạt động chúng tôi mừng lắm chứ, vì nói thật chúng tôi bán mang về không có mấy khách cả.
Chúng tôi rất mong nhà hàng, quán ăn được mở lại để mọi người có công ăn việc làm. Nếu nới lỏng được một số hoạt động thiết yếu trong đó có kinh doanh ăn uống thì chúng tôi rất mong mỏi", anh Quang trải lòng.
Quản lí quán bia cho hay, thời điểm không có dịch bệnh thì nhà hàng luôn tấp nập khách ra vào, đặc biệt trong những ngày hè như thế này. Tuy nhiên, kể từ khi dịch bùng phát trở lại đến giờ, khách giảm "kinh hoàng". Nhà hàng ảnh hưởng rất nhiều, không có thu nhập. Khoảng 20-30 nhân viên nhà hàng phải nghỉ không lương.
"Những nhân viên vì dịch mà không về quê được, nhà hàng đều hỗ trợ ăn uống, ngủ nghỉ. Dịch bệnh như thế này, chủ đầu tư cũng rất đau đầu vì doanh thu không có. Chúng tôi làm việc tại đây chủ đầu tư rất dễ tính, quan tâm đến nhân viên, hỗ trợ chúng tôi nhà trọ, ở tại nhà hàng cho tới khi mở cửa lại.
Tôi hy vọng người dân có ý thức, trách nhiệm cộng đồng trong phòng chống đẩy lùi dịch bệnh. Cùng với đó, mặt hàng thiết yếu sẽ mở cửa sớm nhất có thể để chúng tôi bắt đầu công việc, lo cho cuộc sống, gia đình.
Bán mang về không có nhiều khách, nên chúng tôi rất mong muốn dịch bệnh nhanh chóng được đẩy lùi để gian bếp của chúng tôi đỏ lửa trở lại", anh Quang chia sẻ.
Hàng quán những ngày này bàn ghế bám bụi, bếp lò "đắp chiếu" vì phải đóng cửa phòng dịch.
Cùng cảnh này, sau khi hàng quán phải tạm đóng cửa, mức thu nhập của ông Đinh Công Xuân (65 tuổi, làm bảo vệ quán bia Hải Xồm) trên đường Trần Thái Tông cũng vì thế mà bị giảm. Mỗi tháng chỉ còn 3,5 triệu đồng/tháng, bằng 1 nửa thu nhập so với trước đây.
Ông Xuân kể, ông làm bảo vệ đến nay đã 7 năm. Công việc mới nghe tên đã thấy thu nhập bèo bọt, trải qua 4 đợt dịch, cuộc sống của những lao động như ông thực sự rất khó khăn.
"Khoảng 20 nhân viên đã phải nghỉ việc, 20 người còn lại "lay lắt" chờ việc. Có người tranh thủ đi làm phụ hồ, xây dựng kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, gia đình.
Việc đóng hàng quán cũng là việc cấp thiết để ngăn chặn, tránh dịch bệnh bùng phát, diễn biến phức tạp. Chúng tôi tin tưởng vào quyết định này của thành phố, không có gì bàn cãi. Hôm nghe tin Hà Nội đang xem xét nới lỏng một số hoạt động thiết yếu, tôi thấy đây là tín hiệu mừng.
Tôi hy vọng hàng quán ăn uống sẽ là một trong những hoạt động được nới lỏng, không còn gì vui hơn", ông Xuân chia sẻ.
Theo ông Xuân, sau khi thành phố có chỉ đạo các nhà hàng, quán ăn,… chỉ được bán mang về, việc kinh doanh của quán bị ảnh hưởng rất lớn bởi riêng tiền thuê mặt bằng mỗi tháng tại đây khoảng 100 triệu đồng. Với lượng hàng bán ra "lèo tèo", áp lực thực sự rất khủng khiếp.
Bên cạnh đó, chủ nhà hàng vẫn phải trả tiền lương nhân viên bảo vệ, hỗ trợ thêm nhân viên nơi ở… khi tình hình dịch Covid-19 diễn ra khó lường như thời gian vừa qua. Khó khăn như chất chồng.
"Chủ nhà hàng rất quan tâm tới cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi rất cảm ơn Chính Phủ, thành phố làm đúng chức trách, đảm bảo phòng dịch cho người dân yên tâm. Tôi mong sao dịch bệnh chấm dứt hàng quán được mở cửa trở lại", ông Xuân chia sẻ thêm.
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP với các quận, huyện, thị xã ngày 10/6, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh ghi nhận, biểu dương tâm thế, trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong việc chuẩn bị tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và các nhiệm vụ khác của thành phố bảo đảm an toàn.
TP Hà Nội đang xem xét lộ trình nới lỏng một số hoạt động thiết yếu, hạn chế thấp nhất tác động của dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Chu Ngọc Anh, trong mọi tình huống, các đơn vị, địa phương không được lơ là, chủ quan, mất bình tĩnh. Các đơn vị, địa phương phải bám sát các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố để vận dụng linh hoạt, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, tổ chức tốt kỳ thi lớp 10 và kiểm soát tốt tình hình để chuẩn bị lộ trình có thể nới lỏng một số hoạt động, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng của dịch liên quan đến đời sống nhân dân.