Đường Tam Bình (P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM) được xây dựng lên cao để chống ngập nhưng sau khi được hoàn thành đã khiến nhiều căn nhà biến thành hầm.
Hình ảnh những căn nhà biến thành hầm, thấp lè tè so với mặt đường này rất dễ bắt gặp trên đường Tam Bình.
Nguyên nhân là vì con đường vừa được nâng cao hơn 1m, có chỗ gần 2m để chống ngập.
Những căn nhà thấp hơn mặt đường và nhà bỗng dưng biến thành hầm. Trong ảnh, bà Phạm Thị Nga (65 tuổi) cho biết: “Ngày trước khu vực hai bên đường Tam Bình là vùng trũng, con đường trước khi nâng khá thấp so với các nơi khác nên thường xuyên bị ngập”.
Theo người dân nơi đây, khi Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP.HCM (chủ đầu tư dự án) nâng đường để chống ngập, nhiều nền nhà tụt hẳn 1,5-1,8 m so với mặt đường. Các lối để xe máy đi vào nhà gặp nhiều khó khăn.
Nhiều gia đình buộc phải nâng nền nhà của mình bằng mặt đường với chi phí vài chục triệu cho đến cả trăm triệu. Trong ảnh, nhà của chị Hồng chỉ có điều kiện nâng được phần hiên để lấy chỗ bán hàng, toàn bộ gian bên trong vẫn thấp hơn 1m so với mặt đường.
Nhiều hộ dân treo bảng rao bán nhà khi họ không có tiền để sửa chữa, nâng nền hoặc do nhà quá lụp xụp.
Khá nhiều cửa hàng do không còn lối đi lại nên buộc phải đóng cửa.
Hình ảnh quán cà phê đóng cửa im ỉm suốt thời gian dài.
Ông Mai Văn Long ngán ngẩm khi nhìn căn nhà của mình sâu hơn 1,7m so với mặt đường. Từ ngày nâng đường, việc buôn bán của gia đình ông hết sức ế ẩm vì khách ngại xuống… hầm. “Ngay cả xe máy cũng không có lối dắt, phải gửi nhà người quen”, ông Long than thở.
Tương tự, căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Văn Đợi cũng lọt thỏm dưới con đường Tam Bình. Nhà ông Đợi còn nằm cạnh hố ga nên thường xuyên phải chịu mùi hôi của nước thải.
Sau khi nâng nền và xây cao hơn thì nền cũ của căn nhà này trở thành tầng hầm, được tận dụng làm nơi chứa đồ. Đang vào mùa nắng nóng nên việc nhà thấp gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như cuộc sống của người dân nơi đây. "Nhiều lúc tôi ở nhà mà mồ hôi đầm đìa như trong lò than", một người dân cho biết.