Có gì trong khách sạn ngoài vũ trụ dự định mở cửa năm 2025?

Mai Linh ,
Chia sẻ

Thức dậy trong một căn phòng khách sạn sang trọng với tầm nhìn ra hệ mặt trời có thể sẽ là tương lai của ngành du lịch vũ trụ.

 - Ảnh 1.

(Ảnh: Orbital Assembly)

Mới đây, công ty vũ trụ Orbital Assembly có trụ sở tại Mỹ đã tiết lộ thông tin về ý tưởng khách sạn ngoài không gian của mình. Các thiết kế đầu tiên đã ra đời và được xem xét kể từ năm 2019.

Công ty này hiện đang nhắm tới việc phóng hai trạm vũ trụ có chỗ ở cho khách du lịch. Một trạm có tên gọi Voyager với sức chứa 400 người, dự kiến sẽ mở cửa vào năm 2027. Trạm còn lại có tên gọi Pioneer với sức chứa 28 người, có thể đi vào hoạt động chỉ trong vòng 3 năm tới.

Orbital Assembly cho biết mục tiêu của đơn vị này là điều hành một “công viên kinh doanh” trong không gian - nơi tập trung các văn phòng làm việc và cả khách du lịch. Bên cạnh đó, làm giảm chi phí cho người sử dụng cũng là một mục tiêu khác nữa được công ty này nhắm tới. 

Tim Alatorre – giám đốc điều hành của Orbital Assembly cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Mục tiêu của chúng tôi luôn là tạo điều kiện cho một số lượng lớn người có thể sống, làm việc và phát triển trong không gian”.

 - Ảnh 2.

(Ảnh: Orbital Assembly)

Bản vẽ nội thất của hai trạm vũ trụ đặc biệt đã kể trên cho thấy kết cấu không khác nhiều so với một khách sạn sang trọng ở trên Trái Đất, chỉ bổ sung thêm một tầm nhìn ở bên ngoài vũ trụ. Trọng lực nhân tạo bên trong trạm cũng cho phép người dùng sử dụng một số tiện ích nhất định như bình thường, điển hình là vòi hoa sen hay khả năng ngồi xuống ăn uống.

Được biết, trạm vũ trụ ISS đã từng đón khách du lịch, bao gồm cả vị khách du lịch vũ trụ đầu tiên trên thế giới Dennis Tito vào năm 2001. Tuy nhiên, Alatorre cho rằng ISS cơ bản vẫn là một nơi để làm việc và nghiên cứu. So với đặc điểm này, các “khách sạn” của Orbital Assembly sẽ đem lại nhiều trải nghiệm khác biệt, khiến du khách cảm thấy thoải mái như đang ở nhà chứ không phải ở trong một trung tâm nghiên cứu.

 - Ảnh 3.

(Ảnh: Orbital Assembly)

Nói về vấn đề chi phí, Alatorre cho biết mặc dù giá vé vào vũ trụ hiện đang rất đắt đỏ, du lịch vũ trụ sẽ không chỉ dành cho các tỷ phú. Ông nói: “Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để du lịch ngoài không gian tiếp cận được với tất cả mọi người, không chỉ những người giàu có”. Bên cạnh rào cản về chi phí, cách thức vận hành và độ an toàn đảm bảo cũng là những yếu tố gây lo ngại hàng đầu. Alatorre cùng các đồng sự của mình hiện đang cố gắng giải quyết các vấn đề này và một mực tin tưởng vào sự thành công của du lịch vũ trụ.


Chia sẻ