Nguyên nhân và biểu hiện dính buồng tử cung ở phụ nữ

BS. Hoa Hồng,
Chia sẻ

Dính buồng tử cung là tình trạng thành tử cung phía trước và phía sau dính vào nhau do lớp đáy của nội mạc tử cung bị tổn thương sâu và là một trong số nguyên nhân gây vô sinh.

Vợ chồng em đã có 1 bé trai 6 tuổi. 2 năm trở lại đây, vợ chồng em không dùng biện pháp tránh thai nào để sinh tiếp bé thứ hai nhưng vẫn chưa đậu thai. Cả hai chúng em đều chưa đi khám nên không rõ nguyên nhân do đâu. Thời gian gần đây, em thường xuyên bị đau bụng dưới, kinh nguyệt thất thường. Em đang lo lắng trường hợp mình bị dính buồng tử cung (do em đã bỏ thai 1 lần khi con đầu của em chưa được 1 tuổi). Em mong bác sĩ tư vấn giúp em nguyên nhân và biểu hiện khi người phụ nữ bị dính buồng tử cung. Em xin cảm ơn bác sĩ! (B. Phương)

Trả lời: 

Bạn B. Phương thân mến!

Dính buồng tử cung là tình trạng thành tử cung phía trước và phía sau dính vào nhau do lớp đáy của nội mạc tử cung bị tổn thương sâu, qua đó cản trở việc tái tạo nội mạc tử cung. Điều này ảnh hưởng đến khả năng làm thụ thai, làm tổ của trứng và cũng là một trong những nguyên nhân gây vô sinh thứ phát ở nhiều chị em.

Buồng tử cung vốn là một khoang ảo, thành ở phía trước và phía sau rất gần nhau, khi không còn lớp đáy lẫn lớp trên làm đệm ở giữa thì hai thành cơ tử cung bị áp sát và dính vào nhau. Nguyên nhân gây dính buồng tử cung có thể là do:

dính buồng tử cung gây vô sinh ở phụ nữ
Dính buồng tử cung là tình trạng thành tử cung phía trước và phía sau dính vào nhau do và là một trong số nguyên nhân gây vô sinh. Ảnh minh họa

- Tai biến thường gặp sau nạo hút thai, nạo hút nhau bị sót sau đẻ hoặc sẩy thai.
- Tử cung bị viêm nhiễm do kết hạch, sau khi làm thủ thuật nạo hút thai, viêm nhiễm hậu sản...
- Một số các nguyên nhân gây dính tử cung khác là việc suy thoái tầng đáy nội mạc tử cung dẫn đến tử cung bị dính do thủ thuật cắt bằng điện nội mạc tử cung, viêm nhiễm "vùng kín"…

Một số chị em khi bị dính buồng tử cung có thể gặp các biểu hiện như sau:

- Kinh nguyệt không đều: Khi buồng tử cung bị dính lại, tùy thuộc vào mức độ dính (một phần hay toàn phần), vị trí dính mà các lớp niêm mạc chức năng không có chỗ mọc lên, do đó, người bệnh sẽ thấy có rất ít kinh hoặc không có kinh. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn thấy cơ thể có những triệu chứng báo hiệu ngày hành kinh như tức ngực, người mệt mỏi, khó chịu, đau lưng…

Bệnh nhân có thể đau bụng do viêm nhiễm kèm theo hoặc do máu kinh không thoát ra được. Triệu chứng này có thể khiến chị em nhầm tưởng với hội chứng rối loạn kinh nguyệt.

- Đau bụng dưới: Biểu hiện này xảy ra sau khi bỏ thai khoảng 1 tháng với các triệu chứng như đau râm ran vùng bụng dưới, trường hợp nặng sẽ xuất hiện cơn đau ngay cả khi đi lại, đi vệ sinh...

Bạn không nên tự chẩn đoán bệnh của mình như vậy. Trường hợp của bạn có thể coi là bị vô sinh thứ phát. Vì vậy, để sớm có con, vợ chồng bạn nên tới các cơ sở y tế hoặc bệnh viện chuyên sản phụ khoa để được thăm khám và điều trị tích cực, hiệu quả nhất.

Chúc vợ chồng bạn sớm có tin vui!

Nếu có thắc mắc muốn được giải đáp liên quan đến các vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính, tình dục... bạn có thể gửi câu hỏi về cho chúng tôi tại email:suckhoe@afamily.vn.

Chia sẻ