Nguyên nhân gây hoại tử xương ở bệnh nhân từng mắc Covid-19

Vân Huyền,
Chia sẻ

Các kết quả nghiên cứu về hiện tượng hoại tử xương do biến chứng hậu Covid-19 cho rằng, nguyên nhân chính có thể là do sự hình thành các cục máu đông khi virus SARS-CoV-2 tấn công các tế bào thành mạch máu qua thụ thể ACE2.

Cơn đau không triệu chứng

2 tháng qua, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận nhiều ca bệnh cốt tủy viêm xương sọ mặt, có biến chứng viêm các xoang, áp xe xương thái dương hay áp xe ngoài màng cứng vùng trán do nấm hoặc vi trùng.

Điểm chung là các bệnh nhân này có các triệu chứng bắt đầu đau dữ dội trong thời gian bị Covid-19. Cơn đau kéo dài đến nay mà không hề có các triệu chứng hay ghi nhận tiền căn viêm xoang, viêm tai hay đau răng trước đó.

Đặc điểm chung của các bệnh nhân là trong giai đoạn nhiễm Covid-19, họ bị đau ở vùng đầu, mắt, răng. Bệnh tiến triển kéo dài âm ỉ, không giảm, được chẩn đoán viêm xoang.

11-1381.png

Một bệnh nhân mắc cốt tủy viêm xương. Ảnh: BVCC

Bệnh có biểu hiện lâm sàng như mắt sưng viêm mí mắt, sưng vùng sọ trán, hoại tử xương hàm, răng, xương khẩu cái dẫn đến khó nhai. Kết quả phim chụp cho thấy hoại tử nặng hốc mũi lan nhiều nền sọ.

Tiến sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết, đến nay vẫn chưa thể khẳng định bệnh này có liên quan đến Covid-19 hay không. Nguyên nhân của tình trạng hủy xương thường do tắc mạch, giảm máu nuôi dẫn đến hoại tử. Hoặc, có thể do các yếu tố bên ngoài như vi sinh vật tấn công gây viêm nhiễm xương.

Bình thường, môi trường xung quanh có nhiều loại vi sinh vật. Khi suy giảm miễn dịch như mắc bệnh đái tháo đường, cơ thể sẽ dễ bị tấn công. Trước đây, người đái tháo đường rất hiếm bị cốt tủy viêm xương. Tuy nhiên, sau khi Covid-19 xuất hiện, thế giới ghi nhận nhiều ca bệnh.

“Điều này có thể do cơ thể người mắc Covid bị rối loạn miễn dịch kéo dài, cộng với bệnh lý nền sẵn có, dẫn đến nấm phát triển nhiều hơn trong cơ thể, gây viêm nhiễm”, bác sĩ Hùng phân tích.

Trong 11 trường hợp, có 5 bệnh nhân mắc đái tháo đường. Các bệnh nhân sau phẫu thuật đều được dùng kháng sinh, kháng nấm khoảng 6 tháng để đánh giá tình hình.

“Chúng tôi chưa rõ bệnh có thường gặp gần đây không. Tuy nhiên, rất có thể, bệnh nhân vào các cơ sở y tế, sau đó tử vong với các chẩn đoán như áp xe não, viêm màng não mủ...”, bác sĩ Hùng nói.

Ông cho biết, đây là những lý do tử vong thuộc “phần ngọn của vấn đề”. Gốc rễ sâu xa cần các bác sĩ phải nhận ra bất thường, chú tâm tìm hiểu và phối hợp điều trị sớm.

Nguyên nhân gây bệnh

TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện City of Hope (Mỹ) - chia sẻ: “Dựa trên các tài liệu khoa học nghiên cứu về Covid-19, đây là một trong các hội chứng hậu Covid-19 hiếm gặp. Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở xương trên mặt, mà còn được ghi nhận ở những loại xương lớn khác trên cơ thể như xương hông, đầu gối, vai, xương cùng và cột sống”.

TS Vũ giải thích, tương tự các mô khác trên cơ thể, mô xương cũng cần được “nuôi bằng máu”. Trong khối xương cứng chứa rất nhiều mạch máu li ti để đưa máu đến cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho các tế bào xương. Hoại tử xương thường do nguyên nhân là “tắc nghẽn” các mạch máu. Từ đó, dẫn đến các tế bào xương chết đi, khiến mô bị hoại tử.

“Các kết quả nghiên cứu về hiện tượng hoại tử xương do biến chứng hậu Covid-19 cho rằng, nguyên nhân chính có thể là do sự hình thành các cục máu đông khi virus SARS-CoV-2 tấn công tế bào thành mạch máu (endothelial cell) qua thụ thể ACE2”, chuyên gia dẫn chứng.

TS Vũ giải thích, việc hư hại của các tế bào thành mạch máu (thường ở những người bệnh nặng) có thể là nguyên nhân dẫn đến sự tập trung các tế bào miễn dịch như neutrophil, tiểu cầu, Von Willebrand Factor - một trong những nhân tố gây đông máu.

Từ đó, gây hiện tượng hình thành các cục máu đông. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng làm tăng tỷ lệ xảy ra tình trạng đông máu hậu Covid-19 là: Sử dụng các thuốc điều trị dạng corticoids quá dài, tình trạng nhiễm nấm (Mucormycosis), tiểu đường...

Chuyên gia cho biết, đây là một trong những biến chứng hậu Covid-19 nguy hiểm. Tuy nhiên, mọi người không nên quá hoang mang. Bởi, tỷ lệ xảy ra là “rất thấp”.

“Từ những dữ liệu có được cho đến nay, các chuyên gia khuyến cáo nên chú ý đến hiện tượng “hoại tử xương” khi những người sau mắc Covid-19 có dấu hiệu đau dai dẳng ở các xương lớn, đột ngột không thể ngồi bắt chéo chân (cho thấy khớp háng bị cứng), thay đổi dáng đi (khập khiễng).

Đặc biệt là ở những người đã trải qua bệnh Covid-19 nặng và sử dụng thuốc có thành phần corticoids thời gian dài trong quá trình điều trị”, TS Nguyễn Hồng Vũ cho biết.

Chia sẻ