Nguy cơ lãng phí với "màn hình chạm biết" nhưng không ai biết để chạm

TT,
Chia sẻ

"Màn hình chạm biết thông tin xe buýt" là công trình của Sở giao thông TPHCM nhằm mục đích chính là cung cấp cho người dùng thông tin về: địa điểm và các tuyến xe buýt tương ứng. Công trình này được đưa vào sử dụng từ năm 2011, tuy nhiên nguy cơ lãng phí là rất cao.

Công trình Chạm biết thông tin có chức năng như một chiếc điện thoại thông minh lớn. Trên màn hình hiển thị các danh mục có thể tra cứu như: Bưu điện, văn phòng, quán xá, bệnh viện, khách sạn, nhà hàng...

Tương ứng đó, người dùng có thể tra cứu các tuyến xe buýt nào sẽ đi ngang qua. Các trạm tra cứu thông tin này được đặt ở các trạm xe buýt, gần trường học, bệnh viện.

Nguy cơ lãng phí với
Các trạm Màn hình chạm biết thông tin này được đặt ở các trạm xe buýt.

Nguy cơ lãng phí với
Các mục có thể tra cứu trên màn hình.

Công trình này được đưa vào sử dụng từ năm 2011. Tuy nhiên với “Màn hình chạm biết” không phải ai cũng biết để mà chạm. Khảo sát nhanh một số người dân hay đi ra vào khu vực tại bệnh viện Hùng Vương (Q.5) về việc có biết sử dụng công trình này không. Một số chỉ lắc đầu. Một số cho rằng đó trụ ATM rút tiền hoặc là biển quảng cáo sản phẩm nào đấy. Một số ít nói biết chính xác rằng đó là trạm tra cứu thông tin nhưng họ chưa hề sử dụng.

Nguy cơ lãng phí với
Một hình ảnh rất hiếm gặp trên đường Hùng Vương. Tuy nhiên người đàn ông này đã mất hơn năm phút mới tìm ra hướng đi.

Với một số người lao động bình dân, hoặc người lớn tuổi, họ không thể sử dụng được "smartphone to" này. Một tài xế xe ôm trên đường Hùng Vương cho biết: “Rất ít ai dùng cái này, nhiều khi cả ngày cũng không thấy ai dùng tới. Nếu có gì không biết thì họ hỏi thăm đường, chứ đâu ai dừng lại tra chi cho mất thời gian”.

Nguy cơ lãng phí với
Người già, người lao động bình dân không có khả năng sử dụng màn hình chạm biết như một chiếc smartphone to đùng này.

Trên đường Nguyễn Văn Cừ, quanh khu vực trường THPT Lê Hồng Phong, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH KHTN có hơn năm trụ chạm biết thông tin nhưng rất ít ai sử dụng. Nếu các bạn trẻ biết sử dụng smartphone, đồng nghĩa với việc họ đã có trên tay một chiếc thoại có thể tra đường mà không cần dùng đến màn hình chạm biết kia.

Nguy cơ lãng phí với
Hành khách ngồi chờ xe buýt ở trạm trước trường ĐH Sài Gòn cũng hững hờ với màn hình chạm biết. Họ sẽ sử dụng bản đồ tuyến đường dán trên nhà chờ (người đứng), hoặc sử dụng điện thoại (những người ngồi).

Hồng Khanh (quê Đồng Tháp) là sinh viên năm nhất trường ĐH KH XH&NV TP.HCM. Khanh cho biết: “Nếu muốn tìm tuyến xe thì phải tìm từ trước đó để đi đúng trạm, đúng giờ. Do vậy tôi chỉ dùng bản đồ xe buýt dạng truyền thống để xem mọi lúc mọi nơi, tôi không thể đợi đến trạm mới tra trên máy tra cứu”.

Nguy cơ lãng phí với
Một trạm thông tin nằm trên đường Lê Đại Hành phía trước ba tòa nhà cao ngút. Tất cả tạo nên một chỉnh thể sang trọng, đẹp mắt. Nhưng trạm thông tin chưa được tận dụng vì thói quen của nhiều người và tính khả dụng của nó.

Một số trạm tra cứu đã bị chiếm dụng để treo mắc hàng của người buôn bán vỉa đường. Thời gian gần đây thanh tra đô thị đi kiểm tra gắt gao để tránh tình trạng lấn chiếm. Tuy nhiên tại khu vực bệnh viện, trường học, người bán hàng chỉ “tránh xa” trạm chạm biết khi có đoàn kiểm tra. Sau đợt kiểm tra, họ lại len lén treo mắc hàng vào trụ.

Nguy cơ lãng phí với
Trạm thông tin trước bệnh viện Nguyễn Tri Phương, người bán hàng đã "thiết kế" thêm chỗ treo mắc, "sơ hở" là họ tận dụng ngay.

Một trạm tra cứu trên đường Nguyễn Thị Minh Khai gần bệnh viện Từ Dũ cũng đã bị hư màn hình và có lẽ không cần thay mới. Vì trước bệnh viện luôn có lực lượng xe ôm, taxi sẵn sàng phục vụ. Thêm nữa, người dân thực tế cũng không có nhu cầu tra cứu.

Nguy cơ lãng phí với
Màn hình chạm biết cạnh bệnh viện Từ Dũ đã hư, nhưng có lẽ không cần thay mới làm gì.

Một công trình có tính công nghệ cao như công trình Trạm thông tin xe buýt là điều đáng tự hào của thành phố đang phát triển. Tuy nhiên nguy cơ lãng phí là rất cao vì công trình chưa hợp với đặc thù và không khả thi với đại bộ phận người dân đang sống tại TP.HCM.
Chia sẻ