Nguy cơ đột tử vì rét và sưởi ấm

Theo DanViet,
Chia sẻ

Ngộ độc khí CO và CO2 do dùng bếp than tổ ong để sưởi ấm; gia tăng đột qụy vì giá rét... đó là những nguy cơ gây tử vong hàng đầu mà ngành y tế khuyến cáo

Người dân cần chú ý trong thời điểm đang rét đậm, rét hại.

Suýt tử vong vì bếp than

Bác sĩ Vũ Ngọc Lân - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện (BV) Đa khoa Nghệ An cho hay, khoa này vừa cấp cứu hai trường hợp là vợ chồng ông Nguyễn Văn N ở phường Hà Huy Tập, TP. Vinh. Do trời rét, ông N đốt than tổ ong để sưởi trong nhà và bị hôn mê vì ngộ độc khí CO từ bếp than tổ ong, nếu không được con cái phát hiện kịp thời thì hậu quả thật khó lường. Hiện sau một tuần điều trị, ông N đã qua cơn nguy kịch, nhưng vợ ông thì vẫn trong tình trạng bệnh nặng.

Bác sĩ Lân cho biết thêm, vụ rét năm ngoái, BV Đa khoa Nghệ An cũng cứu sống một cặp vợ chồng mới cưới dùng bếp than tổ ong sưởi ấm. Hậu quả hai vợ chồng cùng nhập viện trong tình trạng hôn mê...

Không được may mắn như các trường hợp trên, bố con anh Trần Văn Thành và cô con gái 17 tuổi (ở Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã tử vong tại chỗ hôm 14-1 do ngộ độc khí than. Nguyên nhân cũng là do trời lạnh nên khi ngủ, họ đóng kín cửa và dùng than sưởi ấm.

Theo bác sĩ Vũ Ngọc Lân, tốt nhất người dân không nên dùng bếp than tổ ong để sưởi ấm trong mọi trường hợp, đặc biệt là sử dụng trong nhà kín.

Nếu thời tiết quá lạnh, không có điều kiện dùng thiết bị sưởi hiện đại, gia đình có thể dùng than củi để sưởi ấm nhưng phải mở hé cửa cho thoáng gió, tránh tình trạng đóng kín cửa, hơi nóng sẽ đốt cháy ô xy và chỉ còn CO2 sẽ gây ngộ độc.

Cấp cứu một bệnh nhân bị đột quỵ vì nhồi máu cơ tim tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Đặc biệt, không nên để bếp than ủ trong nhà vì than cháy dần trong tình trạng thiếu khí sẽ sinh ra khí oxít carbon (CO), một loại khí có độc tính cao có thể gây ngộ độc cấp tính, nhanh tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.

Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Khánh Toàn - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Lão Khoa quốc gia cũng nhấn mạnh thêm: "Với đối tượng là người già và trẻ em, gia đình càng phải lưu ý tránh xa bếp than tổ ong vì người già, trẻ em hệ hô hấp yếu, nếu phải tiếp xúc với khí độc thì sức đề kháng kém, suy hô hấp nhanh, nguy cơ tử vong cao hơn so với các bệnh nhân khác".

Nhiều nguy cơ đột quỵ

Ngày 10-1 vừa qua, trong giá lạnh 4 độ C, BV Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã cấp cứu cho bệnh nhân anh Phạm Xuân Thanh, 39 tuổi ở TP. Lạng Sơn. Anh Thanh được phát hiện đang nằm bất tỉnh bên đường, người lạnh ngắt. Không đầy hai giờ sau khi nhập viện, anh Thanh đã tử vong. Kết luận ban đầu của bác sĩ là bệnh nhân bị cảm lạnh, suy kiệt sức khỏe dẫn đến suy hô hấp.

Đau lòng không kém, sáng 15- 1, bé B.P.A (3 tuổi), ở quận Hoàng Mai, Hà Nội đã tử vong vì bị cảm lạnh. Trước đó, bé A. được bố mẹ đưa về quê ngoại ở Tân Yên, Bắc Giang giữa trời lạnh...

Không riêng gì các tỉnh miền núi, ngay tại Hà Nội cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện cấp cứu mà nguyên nhân xác là do tác động bất lợi của thời tiết.

Bác sĩ Nguyễn Đức Hiền - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nội, BV Đa khoa Xanh Pôn cho biết: "Những ngày này, BV thường tiếp nhận từ 50-80 ca cấp cứu. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu trong tình trạng nhồi máu cơ tim cấp, và các bệnh về não, sau đó là đến các bệnh do tăng huyết áp".

Bác sĩ Hiền nhấn mạnh, những người có tiền sử về bệnh tim mạch, tăng huyết áp hay não… thì nguy cơ đột qụy trong những ngày rét mướt càng cao, do đó cần hết sức lưu ý đề phòng không nên ra ngoài vào lúc trời quá lạnh.

Bác sĩ Vũ Ngọc Lân cũng lưu ý người đi xe máy và đi đường xa trong thời tiết lạnh cũng không nên chủ quan. Nếu không mặc đủ ấm thì dễ bị cảm lạnh hoặc ngã vì tê buốt tay. Không nên cho trẻ em đi xe máy đường xa trong trời giá lạnh như hiện nay bởi nếu mặc không đủ ấm thì dễ bị viêm phổi, cảm lạnh, hoặc ủ ấm quá, bí hơi cũng dễ bị ngạt thở hoặc cảm hàn.

Bộ Y tế đã có khuyến cáo người dân nên cẩn thận các tai nạn, tử vong, ngộ độc có thể xảy ra trong thời tiết giá lạnh như: Hôn mê hoặc tử vong do ngộ độc khí CO từ bếp than tổ ong trong phòng kín, bỏng bếp lửa, trẻ em tử vong do đèo xe máy đi ngoài trời rét, ngạt thở do mặc quá nhiều quần áo ấm...

Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo việc phòng chống rét cho người bệnh; sẵn sàng xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết rét lạnh hoặc thời tiết thay đổi bất thường...

Chia sẻ