Lưu ý: Nguy cơ ngộ độc lò sưởi gia tăng trong thời tiết giá rét

Theo Tuoitre,
Chia sẻ

Nhiệt độ Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đã xuống thấp hơn một tuần nay và dự báo sẽ còn giảm trong vài ngày tới. Bộ Y tế khuyến cáo người dân đề phòng tai nạn do sưởi lửa.

Bác sĩ Nguyễn Chí Dũng (phòng tổng hợp Viện Lão khoa quốc gia) cho hay lượng bệnh nhân vào viện khám đã tăng 30-50% trong một tuần trở lại đây, với khoảng 150 người bệnh vào khám, 10-20 người vào điều trị nội trú/ngày. Theo bác sĩ Dũng, bệnh nhân vào viện chủ yếu vì các chứng bệnh liên quan đến thời tiết như tim mạch, huyết áp, xương khớp, viêm phổi, viêm phế quản.

Tại Trung tâm Dị ứng và miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, lượng bệnh nhân bị nổi mề đay, mẩn đỏ, ngứa, thậm chí có người ngứa gãi đến chảy máu... đến khám bệnh cũng tăng khoảng 30%. Bác sĩ Phan Tuấn Anh (Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng) cho hay phần lớn bệnh nhân có liên quan tác động của thời tiết, nhất là bệnh nhân có tiền sử dị ứng.

Bác sĩ Nguyễn Trung Quân, trưởng khoa khám bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh nhân đến khám tăng gần gấp đôi so với ngày thường, khoảng 1.000 bệnh nhân/ngày.
 
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai) rất lo lắng về nguy cơ ngộ độc do sưởi. Theo bác sĩ Nguyên, mùa lạnh năm nay chưa có trường hợp ngộ độc khí CO do đem than, củi vào phòng ngủ kín đốt sưởi, nhưng những mùa lạnh trước đây hầu như năm nào cũng có bệnh nhân nhập viện vì lý do này.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM cho thấy dù những ngày qua thời tiết TP.HCM trở lạnh nhưng số trẻ em và người lớn đến điều trị tại hai bệnh viện này vẫn ổn định.

Tuy vậy, bác sĩ Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết khi trẻ nhiễm lạnh dễ bị bệnh viêm đường hô hấp. Thời tiết trở lạnh cũng có thể làm trẻ bệnh suyễn lên cơn suyễn.

Do vậy, các bà mẹ cần tăng cường giữ ấm cho trẻ, đặc biệt với những trẻ dưới 12 tháng tuổi. Ngoài ra, cần cho trẻ uống nhiều nước vì thời tiết lạnh, khô hanh sẽ làm trẻ dễ bị mất nước, giảm sức đề kháng tại chỗ ở đường thở.

Theo bác sĩ Anh Tuấn, các mầm bệnh lây lan nhiều qua đường bàn tay. Vì vậy, các bà mẹ cần rửa tay trước - sau khi cho trẻ ăn và làm vệ sinh cho trẻ. Với trẻ lớn đã biết tự rửa tay, cũng nên tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên để tránh lây nhiễm bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nga, phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM, cũng nói thêm khi thời tiết thay đổi người lớn dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp. Do vậy, ngay cả người lớn cũng cần giữ ấm cơ thể để tránh mắc bệnh, đồng thời có chế độ dinh dưỡng hợp lý, uống nhiều nước lọc, nước trái cây để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Chia sẻ