Người xưa quan sát thời tiết 8 ngày đầu tháng Giêng để đoán định thịnh vượng trong cả năm, đó là những yếu tố nào?

Minh Dương,
Chia sẻ

Trong kho tàng phong phú của văn hóa dân gian, việc quan sát thời tiết đã trở thành một nghệ thuật chiêm nghiệm quen thuộc, dễ dàng thu hút sự chú ý và thực hành bởi nhiều người.

Người Việt ta sống thân thiện, hòa mình với trời đất, thiên nhiên, nên phàm việc họa phúc, từ việc quan hệ quốc sự đến vận mệnh, công danh, tài lộc của một người đều có cách chiêm đoán dự báo trước. Trong dân gian tồn tại nhiều cách chiêm đoán chẳng hạn như phụ tiên (bói tiên), xin thẻ, xin xăm, nghiệm lời đồng dao, nghiệm lời sấm ký, xem chân gà đầu năm, xem đầu gà,...

Chiêm đoán đầu năm của người xưa

Trong Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính có nhắc đến những tục này khá kỹ. Chẳng hạn như xem chân giò (chân gà giò, loại gà sống 3 - 4 tháng). Muốn xuất hành đi đâu hoặc làm lễ cầu khấn việc gì người ta thường dùng chân gà giò, rửa chân gà cho sạch, khấn khứa xong xuôi mới cắt tiết gà làm thịt. Đôi chân gà mang chần qua nước sôi đem ra, chứ luộc chín quá thì bị nát, không xem được. Đôi chân gà này mang dâng lễ cùng với con gà luộc, lễ xong thì xem.

Xem chân gà phải xem ngón chân nhỏ chỉ vào đâu, chỉ vào ngón trong thì thuộc về việc trong nhà, chỉ vào ngón giữa thuộc về chủ thần, chỉ về ngón ngoài thuộc về người ngoài, chỉ vào các khe giữa các ngón thì là chỉ không (không ứng nghiệm việc gì cả). Trong giữa bàn chân gà được gọi là trung cung, nếu phần này đầy đặn thì cửa nhà phong vận, êm ấm, nếu lõm xuống thì "tất bị khổ sở".

Ngoài ra, phần huyết điểm đỏ hồng hào là tốt, xám là xấu. Nhìn chung, xem chân gà có nhiều cách, phải xem qua sách thì mới tỏ tường. Có người còn xem đầu gà, máu đỏ thì tốt, đen thì xấu, huyết đọng ở tai hoặc mắt, kết hợp với thuyết Ngũ hành sinh vượng mà đoán. Cách đơn giản nhất là mỏ há mắt nhắm là tốt, mỏ ngậm mắt mở là xấu.

Người xưa quan sát thời tiết 8 ngày đầu tháng Giêng để đoán định thịnh vượng trong cả năm, đó là những yếu tố nào? - Ảnh 1.

Nhắc một chút đến phép phụ tiên (bói tiên) trong dân gian. Phép này thực hiện bằng cách tìm nơi chùa chiền thanh tịnh, ăn chay trước một ngày, rồi mua vàng hương, lễ bái khấn khứa đâu đó xong xuôi rồi mới phụ tiên. Phía trước án thờ có mâm gạo, người ngồi đồng lấy khăn che kín mặt, tay cầm bút bằng cành đào, mà cành đào này phải lấy cành hướng Đông và lấy vào lúc buổi sáng mặt trời mới mọc thì được, chống ngọn bút xuống mâm gạo. 

Người bên ngoài giở thơ cổ mà ngâm vịnh vang lên, lát sau thấy người đội khăn đảo nghĩa là tiên sắp giáng. Người xung quanh khấu lạy kêu van thì tiên gõ bút vào mâm gạo để viết. Rồi cứ thế, người ngồi bên cạnh nhanh tay ghi chép lại lời tiên sau đó đọc vang lên để biết.

Nhìn chung, các chiêm đoán trong dân gian, phần nhiều huyền ảo còn linh nghiệm thì ít. Ý tứ các câu "được ban" thì mênh mông, câu đoán ngược, câu đoán xuôi, phân định hay dở cũng khó. Nói về vấn đề này, Phan Kế Bính cũng nhấn mạnh: "Phàm việc gì đã không tin thì thôi, chớ đã tin thì hay đem lòng vướng vít, lại làm ngăn trở cho việc mình. Vậy thì ta nên tin các việc đã thực hiện ra trước mắt ta, và cái sức ta có thể làm ra, chứ ngoại giả không nên tin gì hết".

Người xưa quan sát thời tiết 8 ngày đầu tháng Giêng để đoán định thịnh vượng trong cả năm, đó là những yếu tố nào? - Ảnh 3.

Chiêm nghiệm thiên thời - Đoán bởi thời tiết

Ngoài những chiêm đoán, tục ta cũng có nhiều cách chiêm nghiệm. Chiêm nghiệm là xem các sự việc xảy ra mà nghiệm việc, việc hay dở của người hoặc việc nắng mưa của trời. 

Cũng trong Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính có trích lại những chiêm nghiệm dân gian của người xưa đoán định khi nhìn thời tiết, chẳng hạn như "Đêm hôm trừ tịch sáng trời, được mùa đậu trắng, tối trời, được mùa đậu đen'', "Trăng mồng tám đầy thì gạo hơn, vơi thì gạo kém", "Ngày đoan dương có mưa thì cây cối nhiều sâu". "Đêm trung thu, trăng không rõ, lúa kém; sáng vừa vừa được vụ chiêm". "Ngày trùng cửu có mưa, sang năm được mùa, không mưa mất mùa". "Mùa xuân lá tre rụng nhiều, sắp có mưa to". Ngoài ra, khi nói về sự việc con người, Phan Kế Bính cũng nhắc tới rằng "Mồng một Tết có hoa nở, tốt". 

Trong Hội hè lễ Tết người Việt, cụ Nguyễn Văn Huyên có nói rằng "Người ta phải quan sát thời tiết tám ngày đầu tiên để đoán xem những gì trong tám giống tự nhiên sẽ thịnh vượng trong năm". 

Theo đó, ngày thứ nhất thuộc giống gà trống, ngày thứ hai thuộc chó, ngày thứ ba là lợn, ngày thứ tư là dê, ngày thứ năm là trâu, ngày thứ sáu là ngựa, ngày thứ bảy là người và cuối cùng thứ tám là lúa gạo. Nếu trời trong và không mưa trong một hay nhiều ngày đó thì những giống tương ứng sẽ rất phồn thịnh trong năm. 

Ngoài ra, người xưa còn xem cả dự báo từ cây nêu dựng ngày Tết. Túm lá trên đỉnh cây nêu lay động lúc có gió Bắc thì vụ gặt sẽ trung bình, phía Tây Bắc thì vụ gặt tốt. Nếu quay về hướng Nam thì hạn hán lớn, quay về Đông thì có những cơn mưa tốt lành.

Ở nhiều nơi sống bằng nghề đánh cá, chài lưới hay đi biển, người ta còn có tục cân một lượng nước của năm qua và so sánh với lượng nước tương đương của năm đang bắt đầu. Nếu nước năm mới nặng hơn năm cũ là điềm xấu và có lụt lội. Nếu không nặng hơn thì năm mới tốt lành và công việc đồng áng sẽ thuận lợi do mưa thuận gió hòa.

Đêm Giao thừa thật đặc biệt và quan trọng nhưng những ngày đầu năm cũng ý nghĩa không kém. Đằng sau những tục lệ ít nhiều mang màu sắc mê tín, duy tâm ấy là một khát khao tìm lành tránh dữ, đoán định điều hay dở để cải thiện cuộc sống ngày một tốt hơn. Bởi dù thời xưa hay thời nay, ai cũng mong năm mới sẽ mang đến điềm lành, mang đến những niềm vui rực rỡ.

Chia sẻ