Người vợ trong “Vợ nhặt” có tên thật là gì? Số ít học sinh giỏi Văn mới trả lời được câu hỏi này

Thùy Linh,
Chia sẻ

Hầu hết mọi người đều không biết tên của nhân vật chính tác phẩm này.

Người vợ trong “Vợ nhặt” có tên thật hay không?

Là nhà văn của làng quê Việt Nam, Kim Lân luôn gây ấn tượng với cách viết mộc mạc, chân thực cùng những hình ảnh đặc trưng của làng quê. Văn phong của ông đi vào lòng người bởi những câu chuyện bình dị, gần gũi nhưng chứa đựng tình cảm sâu sắc.

Tác phẩm "Vợ nhặt" được xem như một kiệt tác của văn học hiện thực Việt Nam, khi tái hiện sinh động một xã hội nghèo đói, bế tắc của những người nông dân trong cảnh khốn khó thuở bấy giờ. Với bút pháp hiện thực, Kim Lân đã khắc họa thành công các nhân vật, đặc biệt là người vợ, như biểu tượng cho những cuộc đời lầm than trong thời kỳ đó.

Ngay từ nhan đề "Vợ nhặt", chữ "nhặt" đã gợi lên trong lòng người đọc một cảm giác xót xa, đau đớn về phận người phụ nữ trong hoàn cảnh khốn cùng, như một thân phận bị coi nhẹ và rẻ rúng. "Vợ nhặt" không chỉ phản ánh cuộc sống gian truân, mà còn khắc họa nỗi khát khao hạnh phúc của người phụ nữ – niềm mơ ước đơn giản về một mái ấm, một đám cưới, hay chỉ là một bữa cơm trọn vẹn cũng trở thành điều xa vời, như giấc mộng hão huyền khi bước chân về nhà chồng.

Tác phẩm "Vợ nhặt" kể về câu chuyện đầy ám ảnh của một gia đình ngụ cư trong bối cảnh nạn đói khủng khiếp. Trong đó, nhân vật Thị - vợ của Tràng, đóng vai trò trung tâm.

Ở đây, nhiều người không khỏi nhầm lẫn Thị là tên của nhân vật. Nhưng thực tế, điều đặc biệt là nhân vật "vợ nhặt" đó là không có tên, không rõ tuổi tác hay thân phận.

Vợ của Tràng chỉ được giới thiệu như một người phụ nữ không lai lịch, không gia đình, không nhà cửa, và thậm chí không tên tuổi, chỉ được nhắc đến với những cách gọi đơn giản như "thị", "cô ả", "người đàn bà" hay đơn giản là “vợ Tràng”. 

 

Không cần tên tuổi, nhân vật vẫn hiện lên rõ nét qua ngòi bút tài ba

Trước khi về sống với mẹ con Tràng, chị cũng chỉ là một trong những người phụ nữ vật vờ trước kho thóc Liên đoàn, ngồi đợi nhặt nhạnh những hạt thóc rơi vãi, hoặc bất kỳ công việc nào có thể kiếm sống qua ngày. Trong thời kỳ nạn đói, con người trở nên rẻ rúng đến mức đau lòng; không chỉ có vợ Tràng mà còn rất nhiều người phụ nữ khác cũng không có danh phận hay tuổi tác – những con người bị lãng quên giữa cơn đói khát của xã hội.

Vợ của Tràng hiện lên trong "Vợ nhặt" với hình ảnh một người phụ nữ tiều tụy, rách rưới. Lần đầu Tràng gặp thị, chị còn có dáng vẻ gầy yếu, xanh xao khi ngồi chờ nhặt thóc rơi trước cửa kho. Nhưng đến lần gặp thứ hai, anh gần như không nhận ra người phụ nữ này. Cái đói đã bào mòn thị đến mức bộ quần áo rách rưới, thân hình gầy trơ xương, khuôn mặt gầy gò xám xịt, chỉ còn lại đôi mắt lạc lõng đầy ám ảnh. Thật dễ hiểu khi Tràng phải ngỡ ngàng trước sự thay đổi đó.

Lần đầu tiên tiếp xúc, thị hiện lên với vẻ bạo dạn, đanh đá. Chỉ với một câu đùa bông đùa của anh phu xe “Muốn ăn cơm trắng với giò này / Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì,” thị liền bật dậy, chạy lon ton đến đẩy xe cùng anh.

photo-1730953735723

 

Lần thứ hai gặp lại, thị càng trở nên táo bạo, không chút ngại ngần mà buông lời trách móc: “Điêu! Người thế mà điêu!” Rồi khi thấy Tràng không phản ứng, thị tiếp tục tỏ ra trịch thượng. Đến khi nhận ra có thức ăn, đôi mắt u tối của thị bỗng sáng rực, nhanh chóng ngồi xuống và ăn ngấu nghiến bốn bát bánh đúc, không màng gì đến câu chuyện.

Phải chăng sự bạo dạn ấy là bản chất của thị? Thực ra, đó là hành vi của một con người bị cái đói thúc giục, mọi hành động đều xuất phát từ bản năng sinh tồn. Người phụ nữ ấy làm tất cả chỉ để có cái ăn, giữa một thời kỳ khốn khó mà cái đói đã đẩy con người đến ranh giới tột cùng của sự kiệt quệ và tuyệt vọng.

Trên đường về nhà Tràng sau khi chấp nhận làm vợ, người phụ nữ trong "Vợ nhặt" lộ rõ sự thay đổi. Tràng phấn khởi ra mặt, vừa đi vừa tủm tỉm cười, đôi mắt ánh lên vẻ lấp lánh vui mừng. Ngược lại, thị bước lặng lẽ phía sau, cách anh chừng ba bốn chục thước, tay cắp chiếc thúng nhỏ, chiếc nón tàng nghiêng che đi nửa khuôn mặt. Thị hiện lên với vẻ rụt rè, e thẹn – khác hẳn người đàn bà táo bạo, sấn sổ lúc ngoài chợ buổi sáng chỉ để giành giật miếng ăn. Giờ đây, khi trở thành "vợ", thị bắt đầu nhận thức về vị trí của mình – một người phụ nữ theo không về nhà chồng, chấp nhận số phận trong cảnh khó khăn.

Dù vậy, thị vẫn giữ ý thức về giá trị bản thân. Khi Tràng hớn hở trước cảnh lũ trẻ con đùa nghịch, chọc ghẹo, thị lại tỏ vẻ khó chịu, nhíu mày và chỉnh lại tà áo. Trẻ con trêu chọc đã khiến thị bối rối. Khi cả người lớn cũng tò mò nhìn theo, thị càng trở nên lúng túng, ngượng nghịu, chân đá vào nhau. Tràng vô tư không để ý, vui vẻ với việc "có vợ", nhưng thị thì càu nhàu, đi lầm lũi đến mức nhầm cả đường. Nỗi mong muốn duy nhất của thị lúc ấy là sớm về đến nhà chồng để tránh những ánh nhìn soi mói của mọi người xung quanh.

photo-1730953767596

Nhà văn Kim Lân.

 Qua nghệ thuật xây dựng nhân vật tinh tế, Kim Lân đã khắc họa hình ảnh người phụ nữ trong "Vợ nhặt" với sự chân thực và sống động. Khác với Tràng – nhân vật được khai thác kỹ lưỡng về mặt tâm lý – nhân vật "vợ nhặt" không được miêu tả tâm lý cụ thể mà hiện lên qua hành động, cử chỉ và nét mặt, tạo nên một vẻ xa lạ, phù hợp với hoàn cảnh người phụ nữ này.

Tác giả đặt điểm nhấn vào những chi tiết nhỏ để người đọc tự cảm nhận tâm trạng của thị. Hình ảnh thị lấy nón che mặt gợi lên sự ngượng ngùng, xấu hổ vì thân phận "vợ theo không"; hay cái nhìn buồn bã quanh căn nhà của Tràng đi kèm tiếng thở dài, và đôi mắt tối lại khi cầm bát cháo cám – tất cả thể hiện sự chấp nhận số phận trong hoàn cảnh cùng cực. Những chi tiết tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng được sắp xếp tài tình đã lột tả được tâm tư của người phụ nữ, mang đến cho nhân vật một sức sống đầy chiều sâu, qua đó khẳng định tài năng của nhà văn Kim Lân.

Chia sẻ