Người Việt thu nhập tăng vọt 23% sau 1 năm

Theo Báo Đất Việt,
Chia sẻ

Thu nhập của người Việt Nam đã tăng gần 23% trong một năm, dự kiến năm 2015 đạt 2.000 USD/người/năm (tương đương 42 triệu đồng)

Phát biểu tại Diễn đàn Quan hệ Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định kinh tế Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, đang phục hồi tăng trưởng và hướng tới tốc độ tăng trưởng cao hơn.

Với mức tăng GDP đạt 5,4% trong năm 2013 (trung bình 3 năm là 5,6%), quy mô kinh tế hiện tại của Việt Nam hiện đạt gần 176 tỷ USD (tương đương 3,7 triệu tỷ đồng), thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.960 USD (tương đương 41,1 triệu đồng)

Người Việt thu nhập tăng vọt 23% sau 1 năm 1
Lương các Tập đoàn doanh nghiệp nhà nước cao hơn gấp 3-4 lần các doanh nghiệp khác

Như vậy, so với mức thu nhập 1.600 USD (tương đương 33,6 triệu đồng) được Thủ tướng thông báo tại Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) 2012, thu nhập của người Việt Nam đã tăng gần 23% trong một năm và nhiều khả năng hoàn thành sớm mục tiêu đạt 2.000 USD (khoảng 3,8 triệu/tháng) vào năm 2015 mà Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra.

Mức thu nhập này nếu tính toán thì thấp hơn 4 lần so với mức lương nhân viên của các Tập đoàn doanh nghiệp nhà nước.

Tại hội nghị của ngành công thương triển khai nhiệm vụ năm 2012, lần đầu tiên Bộ Công thương đã công bố doanh thu và lương của các doanh nghiệp thuộc Bộ năm 2010 và 2011.

Theo đó, lương trung bình của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) năm 2011 cao nhất, lên tới 16,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 7,5% so với năm 2010. Tiếp theo là Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn với 9,7 triệu đồng/người/tháng.

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đứng thứ ba với lương bình quân được công bố là 8,6 triệu đồng/người/tháng, cao hơn mức lương bình quân toàn ngành năm 2010 là 8,3 triệu đồng/người/tháng. Nhưng đáng nói hơn là cả hai mức lương này đều cao hơn nhiều mức lương bình quân mà Tổng giám đốc EVN từng công bố (7,3 triệu đồng/người/tháng).

Năm 2011, Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản (Vinacomin) đạt mức lương bình quân 7,7 triệu đồng/người/tháng. Thấp nhất là Tập đoàn Dệt may và Tổng công ty Xây dựng công nghiệp với lương trung bình chỉ 3,9 triệu đồng/người/tháng.

Các tổng công ty còn lại trong khối sản xuất có mức lương dưới 6 triệu đồng/tháng chủ yếu thuộc về lĩnh vực cơ khí, nhựa, giấy.

Tổng kết báo cáo của 17 tổng công ty, tập đoàn, công ty trực thuộc, Bộ Công thương cho biết lương trung bình năm 2011 của khối doanh nghiệp nhà nước này đạt 6,7 triệu đồng/người/tháng, cao hơn so với năm 2010 là 6,1 triệu đồng/người/tháng.

Nông dân thu nhập 300.000 đồng/tháng

Theo nghiên cứu của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) và Oxfam, thu nhập của nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL mấy năm gần đây đang thấp dần đều.

Mức lãi 30% cho người trồng lúa như mong muốn của Chính phủ là điều mơ ước. Vụ hè thu 2011, giá thành lúa hè thu 3.600 đồng/kg, bán 4.600 đồng/kg.

Với mức giá này, người dân trồng lúa ĐBSCL cũng chỉ đạt thu nhập hơn 300.000 đồng/tháng, dưới chuẩn nghèo.

Vụ hè thu năm 2012, giá thành tăng thêm 360 đồng/kg, giá bán tăng 250 đồng/kg, người dân mất 110 đồng/kg lúa.

Năm 2013, giá thành lúa bình quân đạt đỉnh 4.142 đồng/kg, giá lúa giữ mức 4.800 đồng/kg (mua tại ruộng chỉ có 4.400 đồng/kg). Thu nhập người trồng lúa không được 10%. Về giá thành hạt thóc khi tính chưa có phần lao động gia đình bỏ ra.

Nếu tính đúng khoản đó, ngày công lao động của chủ ruộng chỉ còn 50.000 - 60.000 đồng/công, đó cũng chính là “lãi” của người trồng lúa hôm nay. Nhưng với nông dân, đất lúa phải trồng lúa, dù lãi thấp hơn tiền công làm thuê.

Chia sẻ