Người uống rượu đâm vào đám tang đã sai, dựng rạp giữa đường càng đáng trừng trị
Trong vụ ô tô đâm vào đám tang khiến 5 người bị thương, tài xế quá sai khi lái xe lúc có hơi men, nhưng gia đình dựng rạp giữa đường lại càng đáng bị trừng phạt.
Thông tin 5 người bị thương do ô tô đâm vào rạp đám tang trên tỉnh lộ 392 thuộc thị trấn Kẻ Sặt (huyện Bình Giang, Hải Dương) chiều 31/12/2024 khiến dư luận một lần nữa bức xúc vì tình trạng dựng rạp ăn cỗ dưới lòng đường vẫn mãi tiếp diễn.
Cơ quan công an bước đầu xác định, chính sự thiếu quan sát của tài xế - chánh thanh tra ở một huyện trên địa bàn Hải Dương - dẫn đến việc đâm vào rạp; và người này có nồng độ cồn trong cơ thể khi tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, không chỉ tài xế có lỗi trong vụ việc gây thương tích cho 5 người và làm tổn thất về tài sản khoảng 15 triệu đồng này, mà chính gia đình tổ chức đám tang cũng có lỗi, thậm chí còn chiếm phần lỗi lớn hơn.
Nếu họ không lấn chiếm lòng đường, thiệt hại đã không xảy ra. Chỉ đạo về vụ việc này, UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu xử lý nghiêm cá nhân vi phạm, chắc chắn họ cũng phải bị xử phạt nghiêm khắc.
Đã có rất nhiều vụ ô tô đâm vào rạp dựng giữa lòng đường, thậm chí có người chết thảm khốc, như tai nạn xảy ra ngày 25/01/2024 trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua thôn Phú Vinh, xã Ia Băng (Chư Prông, Gia Lai). Một người đàn ông đang đi bộ đến nhà hàng xóm để ăn tiệc cưới thì bị xe tải tông thiệt mạng. Tai nạn xảy ra do rạp cưới nằm trọn trong hành lang an toàn giao thông của quốc lộ, đã vậy mà gia chủ còn không bố trí người hướng dẫn khách đi lại để đảm bảo an toàn.
Đầu tháng 10/2022, hình ảnh xe container húc bay rạp đám cưới dựng giữa đường tại cầu Mây, Kinh Môn, Hải Dương được chia sẻ trên mạng khiến mọi người ớn lạnh. May mắn là chuyện diễn ra vào ban đêm khi rạp trống, nếu không thì chưa biết tình trạng thương vong sẽ thảm khốc đến đâu.
Xa hơn, vào ngày 1/4/2018, chiếc xe đầu kéo chạy qua địa bàn xã Trúc Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá đâm trúng một rạp cưới dựng bên đường rồi lật ngửa sau khi va vào một nhà dân. Thương vong không xảy ra cũng chỉ nhờ may mắn, do lúc đó không có ai trong rạp.
Dựng rạp giữa đường là hành vi tùy tiện, bừa bãi, thậm chí ngu dốt khi đưa tính mạng bản thân, gia đình và hàng trăm người khác vào vòng nguy hiểm. Những tấm màn vải mỏng manh khiến người ta tự đánh lừa rằng mình có tường chắn bảo vệ và lờ đi một thực tế là họ đang ngồi ăn cỗ giữa đường, trong khi những chiếc ô tô có trọng lượng và quán tính lớn rầm rập đi qua.
Thói quen chiếm dụng không gian công cộng một cách bất chấp và tình trạng “điếc không sợ súng” chẳng khác nào mời gọi tử thần, khiến đám cưới có thể thành đám tang, đám tang này có thể kéo theo những đám tang khác… Vì thế, những người vi phạm cần phải bị trừng trị thật nghiêm.
Ngoài ra, không thể không truy trách nhiệm của chính quyền và các lực lượng chức năng khi để cho thực trạng này tiếp diễn bao nhiêu năm. Trong vụ ô tô đâm rạp đám tang khiến 5 người bị thương vừa diễn ra, Chủ tịch tỉnh Hải Dương yêu cầu làm rõ, xem xét trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân liên quan trong việc để người dân bắc rạp đám tang dưới lòng đường. Đây là chỉ đạo “bắt đúng bệnh”, chứng tỏ lãnh đạo địa phương hiểu rõ mức độ nguy hiểm của tập quán xấu xí này cũng như tình trạng xuê xoa, thỏa hiệp của các đơn vị hữu trách.
Rõ ràng dựng rạp dưới lòng đường là hành vi bị nghiêm cấm, cá nhân vi phạm bị phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng, tổ chức vi phạm bị phạt 4 – 6 triệu đồng, theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Việc bao nhiêu chiếc rạp vẫn ngang nhiên chiếm một nửa lòng đường cả ngày trời cho đến khi sự kiện được tổ chức xong xuôi chứng tỏ chính quyền “mắt nhắm mắt mở”, ngầm chấp nhận hành vi này và làm ngơ cho qua.
Sự dung túng đó xuất phát từ tính cả nể, tâm lý thông cảm rằng “nhà có việc, gia đình nào chẳng có lúc xảy ra chuyện hiếu hỉ ma chay”. Sự lẫn lộn một cách ấu trĩ giữa tình và lý ấy đẩy cộng đồng vào sự nguy hiểm.
Người Việt Nam có câu tục ngữ “Một bồ cái lý không bằng một tý cái tình”, đề cao phương châm đối nhân xử thế trọng tình nghĩa đúng với truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, đối với những việc liên quan đến an nguy của con người, coi tình hơn lý, để “phép vua thua lệ làng” chính là gây họa.
Thời bây giờ đâu có thiếu không gian để tổ chức sự kiện, nhà có việc thì phải chấp nhận thuê địa điểm nếu nơi mình ở không đủ rộng. Còn chính quyền cơ sở muốn coi trọng chữ tình, muốn thông cảm, giúp đỡ dân thì có thể tạo điều kiện cho mượn không gian cộng đồng như nhà văn hóa chẳng hạn, chứ không thể thỏa hiệp bằng cách làm ngơ cho họ vi phạm pháp luật.
Liên quan đến an toàn giao thông, sự dung túng, thỏa hiệp với những hành vi vi phạm chính là thỏa hiệp với thần chết.