Người trẻ Việt tiếp xúc với tiền bạc từ sớm, nhưng khả năng kiếm được tiền để tự tiêu dùng lại muộn hơn
Nhiều người cho rằng còn trẻ thì được phép sai lầm, được phép tiêu xài thoải mái, cũng như nghĩ rằng số tiền mình sở hữu không lớn, vậy nên không nghĩ đến chuyện tiết kiệm và lên kế hoạch chi tiêu.
Cách đây 1 năm, gia đình người bạn tôi không may gặp cảnh nợ nần. Là con duy nhất trong nhà, bạn phải đứng ra gánh vác gần như mọi khoản vay nợ. Trong những lúc túng thiếu khó khăn nhất, nó bảo với tôi rằng: "Giá mà tao sống tiết kiệm hơn thì giờ đã không phải chạy vạy khắp nơi, bị động như thế này". Trong cuộc sống chúng ta không ai muốn những điều không may xảy ra với bản thân nhưng những tình huống đột xuất thì không ai lường trước được. Chỉ có một cách duy nhất là biết tiết kiệm và quản lý chi tiêu thật tốt, để dù việc gì xảy ra cũng không phải lo lắng quá nhiều về vấn đề tài chính. Mà điều này rất nhiều người trẻ hiện nay không hề coi trọng.
Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ dù chỉ mới ở độ tuổi 18, đôi mươi đã lâm vào cảnh nợ nần hoặc luôn trong tình trạng túng thiếu vì không biết quản lý tài chính cá nhân. Nhiều người cho rằng còn trẻ thì được phép sai lầm, được phép tiêu xài thoải mái, cũng như nghĩ rằng số tiền mình sở hữu không lớn, vậy nên không nghĩ đến chuyện tiết kiệm và lên kế hoạch chi tiêu. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, khi nhìn lại, chúng ta sẽ bắt đầu nuối tiếc những đồng tiền mà mình đã đổ mồ hôi, công sức để làm ra nhưng lại bị chi tiêu một cách bất hợp lý.
Người trẻ Việt tiếp xúc với tiền bạc từ sớm, nhưng khả năng kiếm được tiền để tự tiêu dùng lại muộn hơn. Ngay từ nhỏ, chúng ta đã được bố mẹ chuẩn bị cho tiền tiêu vặt hàng ngày, và thậm chí đến năm 18-20 tuổi, khi bạn chưa kiếm ra tiền hoặc số tiền kiếm được không nhiều, bạn vẫn có thể nhận được trợ cấp từ gia đình. Chính đều này dẫn đến tình trạng đa số chúng ta không biết, không hiểu và không thể quản lý chi tiêu của chính mình.
"Đầu tháng tiêu xài dư dả, cuối tháng lại đi vay"
Đỗ Nguyệt Ánh, sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn chia sẻ: "Đi học xa nhà nên mỗi tháng bố mẹ gửi cho mình 3 triệu đồng, cộng với tiền làm thêm, hàng tháng mình có xấp xỉ 5 triệu nhưng cứ đầu tháng mẹ gửi tiền, nhận lương lại phải mang đi trả nợ hết. Dư bao nhiêu sống được khoảng 15, 20 ngày rồi lại đi mượn tiền bạn bè. Đầu tháng sau lại đi trả nợ. Nó là một vòng luẩn quẩn suốt 3 năm nay rồi. Mình cũng đã thử tiết kiệm nhưng có quá nhiều khoản phải chi tiêu: đi chơi, ăn uống... nên có đủ tiền sinh hoạt là may lắm rồi."
Câu chuyện của Ánh dường như là một câu chuyện điển hình của nhiều bạn trẻ hiện nay. Cảnh đầu tháng dư dả, tiêu xài xả láng đến cuối tháng ăn mì tôm là cảnh mà hầu hết sinh viên đang trải qua. Tiền kiếm được dư ra một chút thì phải trả nợ. Các bạn trẻ đều thiếu một kế hoạch chi tiêu hợp lý nên việc thường xuyên lâm vào tình trạng cháy túi là điều rất dễ hiểu.
Không chỉ những sinh viên đang sống phụ thuộc vào đồng tiền của bố mẹ, ngay cả những bạn trẻ đã đi làm cùng không thoát khỏi tình cảnh "viêm màng túi" cuối tháng và tất nhiên, trong đầu họ rất hiếm khi có khái niệm tiết kiệm tiền.
Đang là nhân viên content ở một công ty truyền thông, với mức lương 12 triệu đồng một tháng, dù đã đi làm được 2 năm, sống cùng bố mẹ ở Hà Nội không phải lo về tiền nhà, tiền ăn uống nhưng tài khoản của Hải Minh lúc nào cũng chỉ duy trì ở mức vài trăm nghìn đồng. Mỗi tuần ít nhất Minh gọi trà sữa đến chỗ làm 3 lần, chưa kể tan làm còn đi cafe, ăn uống với bạn bè. Vài ba tháng lại rủ nhau đi du lịch gần một lần và tất nhiên không thể thiếu những khoản chi cho quần áo, đồng hồ, nước hoa, gel vuốt tóc... Mỗi thứ một ít nhưng gộp lại thì đó là một khoản lớn, vượt qua cả mức lương hàng tháng.
Đa số người trẻ cũng đang không ý thức được những khoản vay của bản thân. Càng nghèo, họ càng dễ dàng trở thành con nợ. Càng nợ nần, họ càng chi tiêu không thể kiểm soát. Nếu bạn đang nợ một khoản nào đó, cách tốt nhất nên trả dần, trả được càng nhiều càng tốt, nếu không bạn sẽ phải trả thêm cả tiền lãi phát sinh. Đến một lúc nào đó, con số sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát.
Việc vay nợ cũng là một hệ quả của việc người trẻ không có khái niệm và suy nghĩ phải tiết kiệm tiền. Đa số đều không rạch ròi giữa hai khái niệm "tiết kiệm" và "keo kiệt". Sống tiết kiệm lại không thoải mái - thế nên nhiều người sẵn sàng tiêu "lẹm" đi một chút tiền cho phép để ăn chơi. Số lần "lẹm" này vào càng nhiều, cái vòng luẩn quẩn thiếu tiền rồi lại vay mượn bạn bè càng lớn, trong khi những lần ăn chơi lại càng không dấu hiệu dừng lại khi bạn cứ nuông chiều bản thân. Cuối cùng, số dư trong tài khoản chẳng lúc nào thừa để bạn có một khoản tiết kiệm.
Kiếm được tiền nhưng mù mờ trong quản lý tài chính cá nhân
Gần như các bạn trẻ Việt Nam đều khá mù mờ với khái niệm tiêu sản, thậm chí không biết đến khái niệm này, hoặc nhầm với tài sản:
- Tài sản là những gì bạn bỏ tiền từ trong túi ra để sở hữu chúng, sau đó chúng mang tiền cho lại vào trong túi của bạn, và trong tương lai tiền của bạn sinh lời so với số mà bạn đã bỏ ra ban đầu.
- Tiêu sản là những gì bạn bỏ tiền từ trong túi ra để sở hữu chúng, sau đó bạn lại phải tiếp tục bỏ tiền ra để "nuôi" hoặc duy trì chúng.
Vì mù mờ với hai khái niệm này nên người trẻ càng không có kiến thức về quản lý chi tiêu. Họ đều đang suy nghĩ một cách đơn giản rằng tiền vất vả kiếm ra nên tiêu thoải mái một chút cũng không sao. Khi kiểm tra tài khoản, nhiều người thấy số dư nhỏ hơn mình có, cứ như tiền bốc hơi. Họ không nhớ mình đã tiêu gì, sử dụng vào những việc như thế nào. Điều này chứng tỏ bạn đã mất kiểm soát trong việc chi tiêu hàng ngày.
Tác giả Karim Salan của tờ South China Morning Post từng đặt câu hỏi rằng: "Tại sao một bộ phận lớn người trẻ Việt hiện nay dành tiền đi du lịch nhiều hơn là chi cho tiêu dùng và tiết kiệm?". Gác câu chuyện đam mê đi lịch qua một bên vì đó là sở thích của mỗi người. Nhưng với vấn đề tiết kiệm thì nhiều người trẻ Việt vẫn còn rất mơ hồ trong việc này. Có những lý do cơ bản cho điều này đó là họ hiếm khi rơi vào tính huống khẩn cấp nên không hiểu được giá trị của những đồng tiền tiết kiệm và họ đang không biết mình phải tiết kiệm để làm gì, không có một kế hoạch tài chính lâu dài cho tương lai.
Greg Mcbride – trưởng ban phân tích tài chính của trang web Bankrate chia sẻ: "Bạn cần phải tiết kiệm ít nhất 15% cho những việc khẩn cấp và cho cả tuổi già.". Trent Hamm, CEO của trang Thesimpledollar, cũng cho rằng một người bình thường nên dành ít nhất 10% thu nhập cá nhân cho tuổi già trước khi tiêu xài vào bất cứ thứ gì khác. Nghĩa là việc tiết kiệm để dành cho những việc cá nhân và tuổi già là vô cùng quan trọng và cần tiết kiệm khi còn trẻ để lúc về già không còn khả năng lao động vẫn có một khoản để trang trải cuộc sống.
Tuy nhiên người trẻ lại cho rằng việc tiết kiệm là việc khi về già, còn trẻ cứ thoải mái ăn tiêu. Một khảo sát của HSBC mới thực hiện gần đây cho thấy, đa số người trẻ Việt Nam chưa có kế hoạch tiết kiệm để dành cho lúc về hưu. Trong số những người ở độ tuổi đi làm, có tới 54% cho biết họ chưa có kế hoạch tiết kiệm.
Suy nghĩ "Tôi sẽ chỉ quản lý tài chính khi có nhiều tiền" là một sai lầm rất nguy hiểm. Lập luận này không khác gì việc "tôi sẽ chăm chỉ học tập khi tôi đạt được những điểm 10". Nếu bạn không biết quản lý tốt những gì bạn đang có, cuộc sống sẽ chẳng bao giờ cho bạn thêm cái gì, và nếu có bạn cũng sẽ để nó tuột khỏi tay vì không biết cách giữ.
Cũng đừng ngụy biện rằng "Quản lý tiền khiến tôi cảm thấy không tự do". Bạn nên nhớ rằng, tự do về tài chính là tự do lớn nhất, hỗ trợ cho tất cả mọi loại tự do khác của cuộc đời bạn.
Bằng việc nắm rõ những khoản chi tiêu, biết cách quản lý tài chính cá nhân hợp lý, bạn sẽ có thể thay đổi được cuộc đời mình từ bị mất quyền kiểm soát sang làm chủ bản thân. Dù còn trẻ, dù chưa có nhiều tiền, nhưng cũng nên học cách sử dụng chúng một cách hợp lý. Chỉ khi ổn định tài chính và có những kể hoạch rõ ràng cho tương lai, bạn mới có thể theo đuổi được đam mê của bản thân và thành công được.