Người trẻ ''phông bạt'': Xoay xở khắp nơi để lo chi phí cho những cuộc vui

Chuyển động 24h,
Chia sẻ

''Lương tháng 5 triệu nhưng cuộc sống của mình trên mạng xã hội như là của một người lương 50, 100 triệu. Mình sẽ phải đi xoay xở để kiếm đủ chi phí cho cuộc vui''.

Chưa bao giờ ''phông bạt'' bị vứt cho ánh mắt chê bai như bây giờ. Năm nay, ''phông bạt'' được hiểu thêm một nghĩa lóng là để chỉ việc mình làm ít nhưng xé ra nhiều, hoặc không phải của mình nhưng vẫn nhận là của mình, là chỉ hành động, lối sống, cách sống khác so với thực tế.

Người trẻ phông bạt: Xoay sở khắp nơi để lo chi phí cho những cuộc vui - Ảnh 1.

Trong tuần qua, cũng có chuyện tương tự. Chuyện kể rằng có một diễn viên nọ công khai người yêu. Công khai xong ai cũng trầm trồ ngưỡng mộ vì cô kia tài thế: Xinh đẹp, học thạc sỹ trường top đầu thế giới, giàu có, đồ hiệu, xe sang, nói chung là tất tần tật của một tiểu thư trâm anh thế phiệt. 

Nhưng sáng vừa công khai, chiều bị lộ là không có thật, khi cư dân mạng đã phát hiện bức ảnh của cô và một người mẫu bên nước ngoài giống hệt nhau, chỉ khác mỗi cái mặt. Thế rồi, cô xin lỗi nhưng nói thêm: ảnh ghép có khác biệt quá nhiều so với thực tế đâu, người ta vẫn dùng AI để chỉnh cơ mà. Rồi tuyên bố rút lui khỏi mạng xã hội.

Trước nữa là những câu chuyện từ thiện của ai đó, tiền gửi ít nhưng photoshop ra nhiều. Khi bị phát hiện, có người vội vàng xin lỗi, người thì tiếp tục chống chế và tiếp tục giả dối khiến người ta ngán ngẩm.

Tại sao bây giờ lại có sống ảo, sự giả dối lại nhiều như thế?

Theo Nguyễn Khánh Hiền, sinh viên Đại học Văn hoá Hà Nội: ''Họ đang phải chịu áp lực trong việc, cố gắng tạo ra hình ảnh hoàn thiện, hoàn hảo trong mắt người hâm mộ cũng như cố gắng tạo sư chú ý nên việc này cũng là lý do để họ cố gắng tạo dựng hình ảnh khác xa với thực tại của mình''.

Hoàng Nguyễn Ngọc Mai, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: ''Việc căng phông kẻ bạt ở giới trẻ hiện nay chỉ là thêu dệt lên những gì mà mình không có và em thấy theo đuổi những thứ phù phiếm ấy là không cần thiết''.

''Họ chọn lối sống phông bạt đó vì họ nhận được tín hiệu tích cực từ phía khán giả của họ và họ cảm thấy quá phấn khích, quá hứng khởi vì thế họ càng lún sâu hơn vào vòng xoáy phông bạt này. Khi những cảm giác kích thích hưng phấn bao trùm lên cuộc sống của họ rồi thì họ sẽ không quan tâm điều đó có gây tác động tiêu cực hay điều gì đến với họ hay không'', Huyền Minh, sinh viên Học Viện Ngoại Giao nói.

Lê Quang Tùng, sinh viên Học viện Ngoại Giao cho rằng: ''Những người như thế thực sự là họ đang chưa hài lòng về bản thân của họ. Chưa hài lòng với những phẩm chất của họ, Họ mới lựa chọn ra hình ảnh giả hình ảnh fake của họ, gọi là khoe mẽ để có thể gây sự chú ý''.

Năm 2023, từ được nhắc nhiều nhất là FLEX - trào lưu khoe mọi thứ mà mình thấy hãnh diện, dù có thể là khoe khoang hơi quá mức, nhưng chí ít nếu có thật, thì khoe ra cũng chẳng sai gì. Nên năm nay, sự xuất hiện của ''Phông bạt'' bị phản ứng gay gắt hơn, bởi nó đang được hiểu theo nghĩa che đậy đi những thứ bên trong vốn không phải đúng như bên ngoài.

Bây giờ người sống ảo không thiếu, chẳng qua chưa bị phát hiện mà thôi. Nhưng có những người khi bị phát hiện rồi vẫn không ngại tiếp tục sống ảo như thế, nên có không ít những thắc mắc được mọi người bàn tán rằng: Liệu người này có bệnh không?

Theo ông Lê Quốc Long, thạc sĩ Tâm lý - Giáo dục: "Nếu gọi là bệnh thì cần có những chứng minh về mặt lâm sàng, chứng minh của bác sĩ, nhà khoa học xác định nó là một căn bệnh nào đó. Thực tế, phông bạt mà trên mạng xã hội đang nói rất nhiều thì nó chỉ là một hiện tượng tâm lý chung của đám đông. Những người phông bạt thường là người có vấn đề trong gia đình: không nhận đủ sự yêu thương, thiếu sự quan tâm hoặc là những người không biết đủ''.

Không phải bệnh nên người ta chỉ có thể dừng sống ảo khi thực sự muốn thế. Không phải bệnh, nhưng có thể nghiện bởi được chú ý cũng là một cảm giác dễ gây nghiện và nó cũng mang tới nhiều lợi ích.

Trở thành một người khác trên mạng xã hội

''Tự họa cho mình một bức tranh trong mơ'', nhiều người tự mượn lời bài hát để cho rằng mạng xã hội là nơi mọi thứ đều được tô vẽ, làm đẹp để che đậy đi những khuyết điểm và sự thật. 

Kinh doanh online, một cô gái không ngần ngại khi chia sẻ cách để trở thành một người thành công trên mạng xã hội. Để tạo lòng tin cho khách hàng, không ít những cuộc hội thoại buôn bán được cô tự tạo mỗi ngày. Đóng cả hai vai cả người bán lẫn người mua.

Người trẻ phông bạt: Xoay sở khắp nơi để lo chi phí cho những cuộc vui - Ảnh 2.

Người trẻ phông bạt: Xoay sở khắp nơi để lo chi phí cho những cuộc vui - Ảnh 3.

''Mình thừa nhận là có vì mình nghĩ rằng việc đăng như thế thì khách hàng thấy bán hàng ổn ổn thì người ta cũng tin tưởng. Với những người kinh doanh thật không có nhà kinh doanh nào lúc nào cũng bán được nhiều hàng như thế mỗi ngày. Mạng xã hội là ảo, nếu khó chịu quá thì lướt, thì next. Mình chỉ sống ảo một tí thôi, không có chuyện treo đầu dê bán thịt chó, không bao giờ nó xảy ra trên trang cá nhân và bản thân mình''.

Người tạo dựng hình ảnh để phát triển kinh doanh nhưng lại có người chọn cách sống này chỉ vì họ muốn được chú ý và khen ngợi từ những người xung quanh.

Người trẻ phông bạt: Xoay sở khắp nơi để lo chi phí cho những cuộc vui - Ảnh 4.

Người trẻ phông bạt: Xoay sở khắp nơi để lo chi phí cho những cuộc vui - Ảnh 5.

''Lương tháng có 5 triệu nhưng cuộc sống của mình trên mạng xã hội như là của một người lương 50, 100 triệu. Mình sẽ phải đi xoay sở khắp nơi để kiếm đủ chi phí cho những cuộc vui. Có những bữa ăn hết 700.000, 800.000 đồng hay 1 triệu thì mình sẽ phải chụp nhiều hình để dành up dần. Và sẽ chụp nhiều góc khác nhau để mọi người không nghĩ đó chỉ là một quán'', một nam thanh niên cho biết.

Không chỉ đơn thuần là lối sống ảo tưởng, khoe khoang mà trong nhiều trường hợp đó còn là "vũ khí" của những kẻ lừa đảo. Trao chọn niềm tin cho người mình cho là uy tín, chàng trai này phải ngậm ngùi khi số tiền lương của mình chưa thể về đến tay dù đã gần nửa năm trôi qua.

"Mượn" ảnh, "mượn" sự giàu có của người khác để thỏa mãn bản thân, xây dựng mình thành một con người khác thực tế là công thức chung mà các đối tượng lừa đảo tạo ra.

Vừa tức người, vừa giận mình đó là nạn nhân của sống ảo. Nhưng khi giả dối được che đậy thật thế thì làm thế nào để nhận biết: Ai là người nói dối? 

Có những người sau nhiều năm cố gắng nổi tiếng mà không ai biết đến, họ cố tình sống ảo, cố tình bị lộ ra để nổi tiếng. Nổi tiếng rồi họ đi tẩy trắng bằng cách tung ảnh làm việc thiện, bằng nói những lời đạo lí. Bởi họ cho rằng, tẩy trắng dễ hơn là cố gắng nổi tiếng. Thế nhưng liệu có chắc khi đã từng bi phát hiện nói dối rồi, bạn có thể dễ dàng làm lại?

Internet phát triển giúp sự sống ảo được dễ dàng, khi người ta có thể vơ bừa cái ảnh ở đâu đó rồi nhận của mình nhưng Internet, mạng xã hội cũng chẳng khác gì Var trong bóng đá cả. Check Var trong bóng đá chỉ có 1 tổ trọng tài và 1 trọng tài ra quyết định cuối; còn var trong cuộc đời là hàng nghìn con mắt và cũng hàng trăm nghìn người đưa ra đủ quyết định của riêng họ: chê trách, dè bỉu, công kích, thậm chí là khinh thường, không tôn trọng nên có lẽ đừng vội sống ảo chỉ vì thấy xung quanh mọi người hơn mình điều gì đó.

Và phồng má giả béo nhưng liệu có phồng mãi được không? Câu hỏi mà những ai định phông bạt nghĩa lóng sẽ trả lời.

Chia sẻ