Người tiêu dùng châu Âu 'hứng đòn' từ khủng hoảng Ukraine
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại Pháp và Đức trong tháng 3 giảm mạnh hơn dự báo.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại Pháp và Đức trong tháng 3 giảm mạnh hơn dự báo, khi những động thái từ chính phủ nhằm hỗ trợ người dân trước tình trạng giá năng lượng và lạm phát leo thang trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine leo thang không phát huy được nhiều tác dụng, theo kết quả của một số cuộc khảo sát công bố hôm 29/3.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết cơ quan này vẫn duy trì quan điểm lạc quan rằng khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) có thể tránh được một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Tuy nhiên, sự sụt giảm niềm tin người tiêu dùng tại hai nền kinh tế lớn nhất trong khối đã xoá đi những hy vọng về một đà phục hồi mạnh mẽ sau khi những hạn chế liên quan tới đại dịch Covid-19 được gỡ bỏ.
"Trong tháng 2, hy vọng về niềm tin người tiêu dùng sẽ được cải thiện sau khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được nới lỏng vẫn đang rất cao. Tuy nhiên, mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã kéo những hy vọng đó xuống mặt đất", Rolf Buerkl, chuyên gia phân tích tiêu dùng tại GfK chia sẻ.
Tại Đức, GfK cho biết chỉ số niềm tin người tiêu dùng của họ, dựa trên một cuộc khảo sát đối với 2.000 người tham gia, đã xuống mốc -15,5 điểm trong tháng 3, và đây là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
Các chuyên gia kinh tế được khảo sát bởi Reuters dự báo chỉ số này có thể sẽ rơi xuống mốc -14.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại Pháp và Đức trong tháng 3 giảm mạnh hơn dự báo. Ảnh: Reuters.
Tại Pháp, viện thống kê INSEE cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng đã rơi xuống mốc 91 điểm từ mốc 97 điểm trong tháng 2, thấp hơn những dự báo trước đó và đây cũng là mốc thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
"Sự sụt giảm mạnh như thế là điều hiếm gặp", các chuyên gia phân tích của BNP bình luận trong một báo cáo cho thấy chỉ số niềm tin tiêu dùng chỉ giảm mạnh hơn so với thời điểm hiện tại trong cuộc khủng hoảng năm 1993 và giai đoạn giãn cách xã hội năm 2020.
Lạc quan trước bầu cử không tồn tại
Kết quả này trái ngược với xu hướng thường thấy trước mỗi cuộc bầu cử tổng thống, khi đó tâm lý lạc quan tăng cao với hy vọng rằng một trật tự chính trị mới sẽ giúp nâng cao các tiêu chuẩn đời sống.
Trước cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào tháng 4, chính phủ quốc gia này đã công bố một loạt các biện pháp hỗ trợ trị giá 25 tỷ USD nhằm giảm nhẹ "nỗi đau” tăng giá năng lượng và lạm phát.
Nhưng những biện pháp đó đã không phát huy được tác dụng trong việc kéo giảm tâm lý "sợ hãi” lạm phát khi tỷ lệ người dân dự báo lạm phát leo thang đã tăng 50 điểm lên mốc cao nhất kể từ khi INSEE bắt đầu thực hiện cuộc khảo sát này từ năm 1972.
Nằm trong các biện pháp hỗ trợ, Pháp đã đón đầu đà tăng giá khí đốt và năng lượng thông qua các khoản trợ cấp tài chính đối với những hộ gia đình có thu nhập thấp, đồng thời nỗ lực kéo giảm giá nhiên liệu.
Tại Đức, liên minh cầm quyền đã đi đến thống nhất hồi tuần trước rằng một gói hỗ trợ thứ 2 sẽ được triển khai nhằm trợ giúp người dân trước cơn bão tăng giá năng lượng, chi phí sưởi ấm và nhiên liệu.
Dưới gói hỗ trợ trị giá 17 tỷ euro này, người lao động và các hộ gia đình sẽ nhận được trợ cấp tiền mặt, được giảm thuế xăng dầu và vé phương tiện giao thông công cộng.
Viện IMK cũng đưa ra dự báo nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng chậm hơn so với kỳ vọng. Thậm chí, nền kinh tế Đức có thể tăng trưởng âm trong năm nay do phải hứng chịu hệ quả từ mối quan hệ căng thẳng Nga - Ukraine.
Các chuyên gia của cơ quan này dự báo một kịch bản cơ sở tăng trưởng 2,1% đối với nền kinh tế Đức, thấp hơn so với một nửa dự báo 4,5% trước đó vào tháng 12/2021. Nhưng họ cũng hé lộ về một kịch bản xấu nhất, theo đó mức giá năng lượng cao có thể sẽ khiến cho nền kinh tế Đức tăng trưởng -0,3%.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng giảm mạnh cũng đang xảy ra tại một số quốc gia khác trong khu vực ngoài Đức và Pháp.
Theo một ước tính nhanh, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại eurozone đã giảm xuống 18,7 điểm trong tháng 3, mức thấp nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh hồi tháng 4 và tháng 5/2020.
Italia, nền kinh tế lớn thứ 3 trong EU, cũng chứng kiến tình trạng tương tự, theo thống kê chính thống được công bố hồi tuần trước.
Cuộc chiến tại Ukraine cũng gây ra sự sụt giảm chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Bỉ, trong khi đó, chỉ số này trong tháng 3 tại Hà Lan cũng rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 9 năm.
Các chuyên gia kinh tế được khảo sát bởi Reuters trong tháng này dự báo eurozone sẽ tăng trưởng 3,8% trong năm 2022 và 2,5% trong năm 2023, giảm đôi chút so với nhận định trong tháng trước đó.