Châu Âu trước cuộc khủng hoảng chưa thấy hồi kết: Người dân có thể bị hạn chế dùng năng lượng, yêu cầu lái xe chậm hơn và... di chuyển ít hơn

Chi Lan,
Chia sẻ

Người dân ở các quốc gia châu Âu đang phải đối mặt với khả năng nguồn cung năng lượng sẽ bị hạn chế khi mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây về cách thức thanh toán cho hoạt động xuất khẩu của Nga đang căng thẳng hơn.

Châu Âu trước cuộc khủng hoảng chưa thấy hồi kết: Người dân có thể bị hạn chế dùng năng lượng, yêu cầu lái xe chậm hơn và... di chuyển ít hơn - Ảnh 1.

Các nước châu Âu phụ thuộc nhiều vào việc cung cấp dầu và khí đốt của Nga. Tuy nhiên, EU và Anh đã áp đặt lệnh trừng phạt với Nga bao gồm cắt giảm nhập khẩu năng lượng vì quốc gia này mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Đầu tháng 3, EU cam kết cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trước thời điểm cuối năm nay. Còn Anh nói rằng sẽ dần loại bỏ việc nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm 2022.

Song, những động thái đó cũng đi kèm với rủi ro ở một khu vực vốn đã đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng. Nguồn cung khí đốt tự nhiên sụt giảm khiến giá bán buôn tăng lên mức cao kỷ lục ở châu Âu vào năm ngoái. Các hộ gia đình ở Anh chứng kiến chi phí năng lượng mà họ phải trả tăng hơn 50% kể từ ngày 1/4.

Hạn chế sử dụng khí đốt tự nhiên

Hôm 30/3, Đức cảnh báo rằng nước này có thể sớm phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khí đốt tự nhiên, theo đó cần phải phân chia nguồn cung. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết lời cảnh báo sớm này không có nghĩa là quốc gia này cần sử dụng khí đốt dự trữ mà là kêu gọi người tiêu dùng và các doanh nghiệp giảm tiêu thụ năng lượng.

Trong khi đó, chính phủ Áo hôm thứ Tư thông báo rằng họ đã thực hiện bước đầu tiên của kế hoạch khẩn cấp gồm 3 giai đoạn, nhằm theo dõi chặt chẽ hơn thị trường khí đốt tự nhiên của nước này. Giới chức chỉ ra rằng việc Nga yêu cầu thanh toán mua năng lượng bằng đồng rúp là lý do họ kích hoạt kế hoạch dự phòng. Họ cũng lưu ý thêm, nếu đạt đến giai đoạn 3, Áo sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát năng lượng như hạn chế sử dụng năng lượng.

Theo Chi Kong Chyong - giám đốc của Cambridge University’s Energy Policy Forum, Đức và Áo có thể không phải là những quốc gia duy nhất khi phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp nếu phương Tây tiếp tục cô lập Nga.

Tuần trước, ông Putin cho biết Điện Kremlin sẽ yêu cầu những quốc gia "không thân thiện" thanh toán bằng đồng rúp đối với việc mua khí đốt tự nhiên. Hôm qua, ông cho biết đã ký một sắc lệnh với nội dung người mua nước ngoài phải thanh toán bằng đồng rúp với khí đốt của Nga kể từ ngày 1/4.

Chyong cho hay: "Nếu họ không nhất trí về các điều khoản thanh toán và dòng chảy khí đốt từ Nga bị ngừng lại, thì các nước châu Âu khác cũng phải thực hiện biện pháp khẩn cấp. Dù mùa hè sẽ giúp giảm bớt lượng tiêu thụ khí đốt, nhưng châu Âu vẫn cần khí đốt chảy vào các kho lưu trữ để sử dụng cho những tháng mùa đông."

Ông nói thêm: "Nếu dòng chảy khí đốt của Nga dừng lại, tất cả các chính phủ của châu Âu bao gồm cả Anh, sẽ phải kích hoạt các kế hoạch khẩn cấp bao gồm chiến dịch phòng bị từ trước để người dân sẵn sàng tiết kiệm trong những tháng mùa đông."

Đặt ra giới hạn sử dụng dầu diesel

Trong khi đó, Jim Watson - giáo sư chính sách năng lượng và giám đốc của UCL Institute for Sustainable Resources, cho biết "rất nhiều khả năng" Anh có thể sẽ áp đặt quy định hạn chế sử dụng dầu diesel.

Watson cho hay, Anh đang đối mặt với ngày càng nhiều khó khăn hơn khi dần cắt đứt nguồn cung dầu mỏ của Nga do việc giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên. Nguyên nhân là do nước này phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu dầu.

Phát biểu trước các nhà lập pháp trong cuộc họp của Uỷ ban Tài chính thuộc Quốc hội An, Amrita Sen - giám đốc nghiên cứ của Energy Aspects, cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu năng lượng của Nga có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến châu Âu.

Trong khi đó, Russell Hardy - CEO của hãng giao dịch dầu mỏ của Thụy Sĩ Vitol, phát biểu vào tháng trước: "Châu Âu nhập khẩu khoảng 1 nửa lượng dầu diesel từ Nga và 1 nửa từ Trung Đông. Sự thiếu hụt sẽ xảy ra và việc hạn chế sử dụng dầu diesel là biện pháp có thể được áp dụng".

Đề xuất giảm bớt nhu cầu sử dụng

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ước tính Nga đã xuất khẩu 4,7 triệu thùng dầu thô/ngày vào năm 2021. Gần 1 nửa trong số đó được xuất sang các nước châu Âu. Hà Lan, Đức và Ba Lan nhập khẩu dầu của Nga nhiều nhất trong khu vực. Trong khi đó, 74% lượng xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga là đến các nước OECD ở châu Âu.

Watson đề xuất, thực hiện các chính sách giúp giảm bớt nhu cầu với dầu sẽ giúp chính phủ Anh giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu. Ông cũng lập luận rằng việc thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng và đưa ra các chính sách về hành vi khác có thể được thực hiện.

Năm ngoái, tình trạng mua xăng trong hoảng loạn ở Anh đã khiến nhiều trạm xăng hết sạch hàng, sau đó quân đội đã phải can thiệp và giao thêm nhiên liệu đến các địa điểm này. Song, Watson lưu ý tình hình hiện tại đã khác và khả năng cao giá năng lượng sẽ còn tăng cao hơn nữa ở Anh.

Ông nói: "Tôi cho rằng việc áp đặt các biện pháp hạn chế sẽ có một chút thách thức khi yêu cầu người dân nên lái xe chậm hơn, ít sử dụng xe hơn, bay ít hơn và chuyển sang sử dụng giao thông công cộng."

Rory Stewart - cựu Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Anh và thành viên cấp cao tại ban lãnh đạo của Viện Jackson thuộc Đại học Yale, cho biết việc giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga có thể thực hiện bằng cách giảm nhu cầu.

Ông đã đề xuất các chính sách bao gồm giới hạn tốc độ di chuyển ở Anh xuống 50 dặm/giờ, miễn phí toàn bộ phương tiện giao thông công cộng và kêu gọi các công ty như Uber phát triển công nghệ cho phép người dân đi chung xe miễn phí.

Tham khảo CNBC

https://cafef.vn/chau-au-truoc-cuoc-khung-hoang-chua-thay-hoi-ket-nguoi-dan-co-the-bi-han-che-dung-nang-luong-yeu-cau-lai-xe-cham-hon-va-di-chuyen-it-hon-2022040118283958.chn
Chia sẻ