Người thoát nạn trong vụ cháy dễ bị sang chấn tâm lý

DƯƠNG LIỄU - XUÂN MAI,
Chia sẻ

Sau vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương, những người may mắn thoát chết và thân nhân những người đã mất dễ bị sang chấn tâm lý là điều khó tránh khỏi trước cú sốc quá đột ngột.

Người thoát nạn trong vụ cháy dễ bị sang chấn tâm lý - Ảnh 1.

Nạn nhân vụ cháy quán karaoke An Phú điều trị tại Bệnh viện Đa khoa An Phú (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) - Ảnh: BÁ SƠN

Sang chấn tâm lý này có thể kéo dài một thời gian ngắn nhưng cũng có thể kéo dài hơn, thậm chí sẽ theo họ suốt phần đời còn lại.

Cần điều trị sức khỏe

Tính đến chiều 8-9, trong số những nạn nhân may mắn thoát chết trong vụ cháy kinh hoàng xảy ra tại quán karaoke An Phú ở Bình Dương, có 10 người đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa An Phú. Với các bệnh nhân nặng, bệnh viện này đã chuyển lên tuyến trên.

Từng trải qua một vụ cháy cách đây gần 10 năm, anh T.V.S. (30 tuổi) chia sẻ rằng đến giờ anh vẫn bị ám ảnh bởi những gì mình đã trải qua. Anh S. kể phải mất thời gian rất dài anh mới dám bước xuống nơi vụ cháy diễn ra, nỗi sợ ngạt khói vẫn còn theo anh đến tận bây giờ. "Chỉ cần ngửi thấy mùi khói, tôi cảm thấy hồi hộp, sợ hãi và không dám đứng gần dù chỉ là đám cháy nhỏ", anh S. tâm sự.

Theo bác sĩ Nguyễn Viết Chung - khoa sức khỏe tâm thần Bệnh viện E (Hà Nội), những người trải qua những sự việc như thảm họa tự nhiên, tai nạn giao thông, đám cháy, bạo lực, sự việc đe dọa đến tính mạng, mất đi người thân... thường sẽ gặp sang chấn tâm lý. Nỗi sợ hãi, lo âu có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào khi người này phải trải qua, chứng kiến hay đối mặt với sự kiện gây sang chấn đó. Như những vụ cháy, những người sống sót hay người thân người bị nạn có thể đối mặt với những sang chấn tâm lý.

Bác sĩ Trần Quang Trọng - chuyên viên tâm lý Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) - cho rằng khi trải qua mất mát, đau thương một cách đột ngột sẽ dẫn đến sang chấn tâm lý. Từ sang chấn tâm lý, không phải ai cũng bị rối loạn stress do sang chấn. "Đây là một bệnh lý khi trải qua sang chấn. Có người vượt qua, có người sẽ bị mắc kẹt lại", bác sĩ Trọng nói.

Riêng vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương, một chuyên gia tâm lý phân tích sang chấn tâm lý ở những người thoát chết và thân nhân nạn nhân là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên mức độ sang chấn tùy theo cá nhân từng người. Ngay thời điểm này, những nạn nhân thoát chết cháy cần tập trung can thiệp điều trị sức khỏe là chính, bên cạnh hỗ trợ tâm lý.

Những nạn nhân sống sót sau vụ cháy hay những người thân có nạn nhân tử vong trong vụ cháy đều cần hỗ trợ về mặt tâm lý. Những nỗi sợ, sự lo lắng, ám ảnh... cần được bản thân nạn nhân chia sẻ với người thân. Chia sẻ là một cách tốt nhất để vượt qua sang chấn. Người thân, bạn bè hãy lắng nghe, đồng cảm với họ, chia sẻ với nỗi đau, nỗi sợ hãi mà họ đã trải qua.

Bác sĩ Nguyễn Viết Chung

Người thoát nạn trong vụ cháy dễ bị sang chấn tâm lý - Ảnh 4.

Chị Trần Thị Bích Vân (32 tuổi, quê Bình Định) không cầm nổi nước mắt khi xác nhận cả 3 người thân trong gia đình đã mất trong vụ cháy - Ảnh: CHÂU TUẤN

3 giai đoạn sang chấn

Bác sĩ Trọng cho hay sau khi vụ cháy diễn ra, những nạn nhân thoát chết và thân nhân của nạn nhân xấu số thường đối mặt cú sốc tâm lý lớn, không chấp nhận sự việc, đau khổ tột cùng... Khi mức độ đau khổ quá lớn, cảm xúc của họ lại trái ngược lại như dửng dưng, không thể khóc hay bày tỏ cảm xúc, không tiếp xúc với mọi người...

Theo bác sĩ Chung, sang chấn tâm lý thường phát sinh ngay sau khi nạn nhân trải qua sự việc cận kề với cái chết hay nhìn thấy những hình ảnh về tai nạn. Sang chấn có thể kéo dài một thời gian ngắn (một tuần, một tháng) nhưng cũng có thể kéo dài hơn, thậm chí sẽ theo họ suốt phần đời còn lại, tuy nhiên ở các mức độ khác nhau.

Giai đoạn đầu tiên có thể kéo dài từ một tuần đến một tháng sau khi xảy ra sự việc. Nạn nhân thường bị ám ảnh hay sợ hãi, điều này thể hiện qua những giấc mơ, sự hồi hộp, bất an và hồi tưởng lại những hình ảnh bản thân đã trải nghiệm. Tùy vào mức độ sang chấn và tâm lý nạn nhân, những hình ảnh chỉ có thể là thoáng qua bình thường.

Tuy nhiên, nếu những biểu hiện này nghiêm trọng hơn như họ sợ hãi, lo lắng đến mức không thể tập trung, không thể đi làm hay không ra ngoài... thì cần áp dụng một số biện pháp đề phòng stress như chia sẻ sự lo lắng, sợ hãi với người thân.

Giai đoạn hai là sau một tháng đến sáu tháng sau sang chấn. Nếu những biểu hiện trên vẫn còn xảy ra nhiều, không cải thiện thì nên được sự tư vấn của bác sĩ tâm lý để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp.

Nghiêm trọng nhất nếu tình trạng này kéo dài sau sáu tháng, rất có thể tình trạng tâm lý nặng nề hơn, rơi vào trầm cảm, rối loạn lo âu kéo dài... cần phải có sự can thiệp của bác sĩ điều trị.

Làm sao để vượt qua sang chấn?

Theo bác sĩ Chung, mỗi người có một cách vượt qua nỗi sợ hãi, sang chấn khác nhau. Có những người họ thích nghi được nhưng có những người không thể thích nghi được. Thậm chí, có những người sau sang chấn có thể bị ám ảnh sợ: sợ lửa, sợ khói, sợ vào phòng kín... Với trường hợp này cần gặp bác sĩ tâm lý để được hỗ trợ. "Điều quan trọng nhất để vượt qua sang chấn tâm lý này là bản thân nạn nhân và người thân của họ", bác sĩ Chung nói.

Bên cạnh đó, những người gặp sang chấn tâm lý không nên sử dụng các chất như rượu, cần sa, bóng cười... Rất nhiều người sau sang chấn họ thường tìm đến những chất hướng thần này để cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn; nhưng khi sử dụng những chất này không chỉ không giúp họ vượt qua sang chấn mà còn làm ảnh hưởng thêm đến tâm lý và sức khỏe.

Ngoài ra, sau sang chấn chúng ta nên lấy lại tinh thần bằng cách thiết lập lối sống lành mạnh, có thể tập thể dục, yoga... hay gặp gỡ bạn bè để giải tỏa.

Bác sĩ Trần Quang Trọng nêu ra những dấu hiệu nhận biết người bị sang chấn tâm lý gồm: cảm xúc tiêu cực (nghĩ nhiều hơn về cái chết, đau thương); không muốn chia sẻ cảm xúc bản thân với ai, hay buồn chán; có những giấc mơ tái hiện lại vụ việc đau thương; luôn cảm thấy tội lỗi, day dứt vì bản thân sống được nhưng người thân cùng gặp biến cố thì lại không vượt qua...
Chia sẻ