Người tâm địa xấu thường khó che giấu được 4 hành vi này: Chú ý để tránh họa đơn vô chí, chớ dại mà kết thân
“Nhân vô thập toàn”, đã là người ai cũng có ưu khuyết điểm. Song một số phẩm chất của đối phương, chúng ta cần mượn lý trí để suy xét bởi có thể khiến bản thân gặp rắc rối bất kỳ lúc nào.
Trong cuộc sống, chúng ta gặp đủ kiểu người khác nhau, có người chân thành, có người giả dối. Quá trình giao tiếp với mọi người cũng là hành trình tìm kiếm những điều tốt đẹp.
Suy cho cùng, lòng người là thứ khó đoán nhất. Mỗi người đều có tính cách khác nhau. Khi kết bạn, bạn nên chọn người đối xử chân thành. Bởi đi cùng người khôn ngoan, bạn sẽ trở nên khôn ngoan. Đi cùng người xấu, bạn cũng trở nên tồi tệ.
Vậy làm thế nào để đánh giá xem liệu ai đó có tâm địa xấu hay không? Hãy chú ý đến 4 đặc điểm dưới đây để phòng thân.
1.Tiết lộ đời tư của người khác ở nơi công cộng
Đừng nói những gì bạn không nên nói và hãy nói những gì bạn nên nói một cách cẩn thận. Suy cho cùng ai cũng có đời sống riêng tư hay một vết thương lòng, dù ít hay nhiều, sâu hay cạn. Khi sống trên đời, vui buồn sướng khổ là điều ai cũng phải trải qua.
Vì vậy chớ đem chuyện người khác ra để bình luận đúng sai, cũng đừng tiết lộ cho ai nếu bản thân nghe được. Bởi một người thích bàn chuyện đúng sai của người khác thường sẽ trở thành người tạo ra cái đúng, cái sai đó. Càng nói nhiều, càng dễ làm mất lòng nhiều người.
Kiểu người này thường rất thực dụng nên càng tránh xa, càng tốt. Bất kể trước mặt hay sau lưng, họ thích bàn tán, đàm tiếu và buôn chuyện, làm tổn hại đến thanh danh của người khác. Điều này cho thấy một người có nhân cách không tốt, không đáng để bạn gần gũi và giao lưu.
Tiểu thuyết gia người Mỹ Hemingway từng nói: Chúng ta mất 2 năm để học nói nhưng lại mất hơn 60 năm cuộc đời còn lại để học cách im lặng”.
2. Không chừng mực
Nhiều người thường mang cá tính của mình để thử thách giới hạn của người khác. Để rồi họ tự cho bản thân mình cái quyền nói gì cũng được mà không bao giờ suy nghĩ thấu đáo. Nếu bạn liên tục nhượng bộ, đối phương có thể đi quá giới hạn và xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân của chúng ta. Khi đó, một lời nói tưởng rằng vô hại nhưng lại sắc bén hơn gươm đao.
Đánh giá một cách khách quan, những người không biết chừng mực sẽ không biết cách đối nhân xử thế hài hoà. Họ thường hay cư xử quá đà, thái quá vì cho rằng như vậy là không sao. Tuy nhiên, trong bất kì mối quan hệ bạn bè nào, nếu một người không biết chừng mực, mối quan hệ đó sẽ khiến người còn lại bị tổn thương.
3. Coi trọng lợi ích cá nhân
Cho tới cùng, danh và lợi đối với con người là chất gây nghiện và cũng là một loại cám dỗ lâu dài mà ít ai có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, có những người biết dung hoà lợi ích nhóm và cá nhân để đem đến bầu không khí hoà bình.
Song cũng có những kẻ coi trọng lợi ích cá nhân, tự cho mình là trung tâm, không bao giờ để ý đến cảm xúc của người khác. Họ thường xuyên xung đột với đối phương từ chuyện nhỏ nhất như cốc nước, bữa ăn, cho đến việc lớn trong công ty, không khó để họ tranh giành lợi ích.
Kiểu người ích kỷ này thường xảy ra tranh chấp với người khác, đồng thời gây tổn thương cho đối phương. Họ chỉ là tiểu nhân bị vật chất làm mờ mắt, không thể kiềm chế được lòng tham. Việc ở cạnh người này vô cùng nguy hiểm. Vì họ chẳng khác nào như một quả bom hẹn giờ, bất kỳ lúc nào cũng có thể đe dọa quyền lợi của bạn. Đó chưa kể, rất có thể vì lợi ích cá nhân, có ngày, họ sẵn sàng gây hoạ cho bạn.
4. Đạo đức giả, sống hai mặt
Có một kiểu người bề mặt tìm đủ mọi cách nịnh hót, a dua, nói đủ lời tốt đẹp về bạn. Tuy nhiên, khi gặp những vấn đề liên quan đến lợi ích, họ lại âm thầm chỉ trích, nói xấu sau lưng hay mắng mỏ bạn một cách không thương tiếc.
Bề ngoài có thể xem chừng họ có vẻ là người chính trực, ngay thẳng như bậc quân tử. Tuy nhiên rất ít người biết được bộ mặt dối trá, xảo quyệt của họ ở bên trong. Người như vậy được gọi là người hai mặt, là loại người tâm khẩu bất nhất, hám lợi. Sở trường của họ là giở thủ đoạn sau lưng. Kiểu người này bạn không nên kết giao bởi có thể gặp nguy hiểm bất kỳ lúc nào.