“Người rừng” muốn về thăm ngôi nhà trên cây vì quá... nhớ rừng
Câu nói trọn vẹn bằng tiếng Cor của anh Hồ Văn Lang (con ông Hồ Văn Thanh) với người thân sau 39 năm sống biệt lập giữa rừng già là xin được trở về thăm ngôi nhà treo trên cây, vì quá nhớ rừng.
Nhớ rừng
Ngày 10/8, kể với PV, ông Hồ Minh Lâm (chú ruột Lang) cho hay, sau mấy ngày sống với mọi người, anh Lang đã dần dần làm quen với cuộc sống mới, không còn sợ hãi khi người lạ tới và tập một số sinh hoạt đời thường.
Hồ Văn Lang tuy đã cầm đũa gắp thức ăn nhưng vẫn nhớ rừng.
“Lang đã biết cầm đũa gắp thức ăn, biết xem tivi, nghe nhạc và đặc biệt rất thích đi chơi bằng xe máy. Hầu như lúc nào có tôi ở nhà là Lang chỉ tay vào chiếc xe máy đòi chở đi” – anh Lâm kể. Chiều người cháu sống cách biệt 39 năm ở rừng, anh Lâm cùng vợ là chị Hồ Thị Mai chở Lang đi khắp nơi, với mục đích tạo cho Lang quen dần với thế giới văn minh. Đến bữa ăn, Lang đã tự biết cầm đũa gắp thức ăn. Chị Mai cũng bắt đầu thêm ít muối, nước mắm vào thức ăn của Lang để anh quen dần với vị mặn.
“Lúc đầu, Lang kiên quyết không ăn, buộc tôi phải nấu cháo gà, không bỏ muối. Dần dần, tôi thêm từng hạt một, Lang cũng vui vẻ chấp nhận”. Kể từ ngày được đưa trở về làng, hầu như Lang không hề mở miệng nói gì. Nhưng mới đây, người thân trong nhà hỏi, Lang cũng đã trả lời, bằng tiếng Cor. “Ai hỏi ăn chưa, Lang cũng đã biết trả lời là ăn rồi hoặc chưa ăn. Chúng tôi cũng không dám làm phiền nó nhiều, chủ yếu để nó nghỉ ngơi dưỡng sức” – chị Mai kể.
Đặc biệt, lần đầu tiên Hồ Văn Lang đã nói được một câu trọn vẹn với anh Lâm, bằng tiếng Cor. Đó là sau khi ăn sáng xong, anh Lâm chỉ vào xe máy, hỏi xem có đi chơi hoặc lên bệnh viện thăm cha không, Lang đến và nói nhỏ với anh Lâm: Thích được trở lại thăm nhà, thăm rẫy trong rừng Apon. Hỏi vì sao, Lang nói vì nhớ rừng, không thích ở đây nữa. Sự việc này, anh Lâm cũng đã báo cáo với ông Trương Ngọc Đông – Chủ tịch UBND xã Trà Phong. Ông Đông lập tức yêu cầu người nhà không được đưa Lang đi thăm rừng và lúc nào cũng túc trực vài người bên cạnh, phòng khi Lang bỏ trốn.
Chưa thể khẳng định ông Thanh là bộ đội chính quy
Nụ cười đã xuất hiện trên mặt Tarzan Hồ Văn Lang.
Ông Trương Ngọc Đông cho hay, hiện sức khỏe của ông Hồ Văn Thanh đã tạm ổn: “Ông Thanh đã ăn được 2 chén cơm, có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, ông vẫn chưa nói chuyện với bất kỳ ai trừ với đứa con trai của mình”.
Cơ quan chức năng đang khẩn trương tiến hành nhập hộ khẩu cho cha con Hồ Văn Thanh – Hồ Văn Lang vào hộ gia đình Hồ Văn Tri (người con thứ hai với vợ là Hồ Thị Phương mà ông Thanh không thừa nhận). Trong những ngày qua, vợ chồng anh Tri túc trực bên giường bệnh, chăm sóc cha mình rất tận tình. “Dù ông có nhận hay không thì đó vẫn là cha của chúng tôi, Lang cũng là anh tôi” – vợ anh Tri, chị Hồ Thị Nhung nói. Theo ông Đông, anh Tri cũng thuộc diện hộ nghèo của xã, vì thế, sau khi nhập khẩu cha con ông Thanh vào nhà này, huyện cùng xã sẽ có các chế độ đặc biệt cho ông. Huyện chỉ đạo xã nghiên cứu cấp đất, xây nhà cho cha con ông Thanh.
Trao đổi với PV, lãnh đạo Ban chỉ huy quân sự huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) cho hay, chưa thể khẳng định một cách chính xác, ông Hồ Văn Thanh có phải là bộ đội chủ lực của QK V như một số tờ báo nêu, mà phải kiểm tra hồ sơ kỹ lưỡng.
Theo Thượng tá Phan Minh Công – Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Tây Trà: Chỉ bằng một bộ quần áo và lời kể của người thân là chưa thể khẳng định. Chúng tôi đang khẩn trương xác minh bằng hồ sơ cụ thể và đi tìm những người già, cùng thời với ông Thanh ở huyện Trà Bồng cũ (sau này tách thành Trà Bồng và Tây Trà). Phải mất khoảng thời gian dài mới có trả lời cụ thể, bởi thời gian đã quá lâu. Theo Thượng tá Công, huyện đội Tây Trà đã cho người xuống làm việc với Phòng LĐ-TB&XH huyện Trà Bồng, dò hỏi các đơn vị quân sự từng đóng ở Trà Bồng cách đây 40 năm, hỏi các người lớn tuổi. Việc này phải mất hơn 1 tháng.