Người phụ nữ hơn nửa thế kỉ làm nghề bán guốc tại chợ Bến Thành
Ở tuổi 70, bà Nguyễn Thị Liên đã có hơn 50 năm gắn bó với nghề bán guốc mộc tại chợ Bến Thành (TP.HCM).
Chợ Bến Thành đến nay đã được 100 năm tuổi, đây là ngôi nhà chung của nhiều tiểu thương. Nơi ngôi nhà này, bà Nguyễn Thị Liên có một góc riêng chừng 1,5m vuông để gắn bó hơn 50 năm nay. Cửa hàng của bà lọt thỏm giữa những cửa hàng túi xách giày dép khác. Bao mẫu mã thời trang ra đời và đổi thay, riêng guốc của bà vẫn mãi mộc mạc như ngày nào.
z
Gian hàng bán guốc của bà Liên. Bảng giá được trưng ra để đảm bảo đúng và cố định giá.
Bà Liên xuất thân trong gia đình nghèo khó. Từ năm 16 tuổi bà đã phải theo người cô ra chợ bán guốc. Sau khi người cô mất, toàn bộ gian hàng rộng 1,5m vuông này được để lại cho bà gìn giữ.
Những đôi guốc đã gắn bó với bà Liên khi bà còn là thiếu nữ.
Những đôi guốc mà bà bán được mua về từ các cơ sở sản xuất mà bà ưng ý. Còn phân đoạn ráp quai, đóng cúc là do bà tự tay làm. Ở tuổi 70, nhưng bà rất vững tay búa, vừa khéo léo vừa mạnh mẽ khi đóng quai.
Bà Liên tự tay đóng quai guốc cho khách.
Thời kỳ những năm 80, guốc được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, chỉ sau đó khoảng 10 năm, sức mua kém đi, có ngày bà không bán nổi một đôi. Để cầm cự kinh doanh, bà Liên buộc phải bán thêm dép nhưng vẫn không đủ sống.
Những đôi guốc với màu sắc và hoa văn khác nhau.
Bà Liên bộc bạch về sự nghiệp kinh doanh của mình tại chợ Bến Thành: “Giai đoạn ấy, lời lãi chẳng được bao nhiêu, chỉ đủ tiền cơm hàng ngày, nhưng vì yêu nghề và coi chợ như nhà nên tôi vẫn cố gắng duy trì. May thay, đến năm 2000, du khách nước ngoài bắt đầu ồ ạt sang Việt Nam du lịch, guốc được ưa chuộng nên mới giữ được như ngày nay. Cũng từ lúc ấy, tôi ngưng hẳn bán dép, chỉ duy trì guốc mộc”.
Một người khách Hàn Quốc ướm thử guốc.
Khách hàng chủ yếu của bà là người nước ngoài nên vấn đề ngoại ngữ từng là một trở ngại lớn. Bà nhớ lại: “Buổi đầu khi ngành du lịch Việt Nam mới mở cửa, khách phương Tây vào du lịch rồi ghé lại quầy, tôi lúc ấy chưa biết ngoại ngữ nên nhiều lần đành để họ quay đi”. Hiện tại bà đã nói được kha khá tiếng Anh.
Đồng thời chợ Bến Thành cũng có lực lượng hướng dẫn viên tự phát. Tuy nhiên, bà lại gặp phải "quy luật phủ định của thời gian". Bà cười buồn nói: “Giờ người ta mua guốc như thưởng thức một món đặc sản, hoặc mang về trưng làm kỉ niệm, chứ guốc không còn được mang thông dụng nữa rồi”.
Đinh, búa, kìm là những dụng cụ gắn bó với bà.
Về kỉ niệm vui, bà kể: Có một chàng trai người Singapore, đi du lịch sang Việt Nam đã ghé sạp bà để mua đôi guốc mang về nước tặng bạn gái. Sau nhiều năm, chàng trai ấy trở lại Việt Nam và tìm bằng được sạp guốc của bà để cảm ơn vì sản phẩm chất lượng.
Để cảm ơn bà đã bán cho cậu đôi guốc vừa rẻ vừa đẹp, chàng trai Singapore đã lấy một tấm bảng bằng gỗ và viết: “Custom made shoes. Cheaper! Shoes in Market". Chàng trai đã có ký tên và ngày tháng bên dưới, rồi gợi ý bà treo lên để du khách nước ngoài biết đến đặt hàng. Nhưng bà không thích phô trương nên chỉ giữ tấm bảng làm kỷ niệm.
Tấm bảng có lưu bút của chàng trai Singapore.
Bà Liên hiện đang sống ở quận 3 cùng con cháu. Hằng ngày cứ 9 giờ sáng bà lại dọn sạp ở chợ Bến Thành và bán cho đến chiều tối. Giá bán mỗi đôi guốc từ 100.000 - 180.000 đồng. Số lượng bán ra mỗi ngày cũng không ổn định, theo bà: “có khi bán được năm sáu đôi, có khi không được đôi nào”. Tiền lời không cao, nhưng công việc buôn bán này cho bà cảm giác “tự hào khi được sống trọn vẹn với nghề”.