Người phụ nữ gửi tiết kiệm hơn 45 tỷ đồng, sau 4 năm số dư chỉ còn 0 đồng: Cảnh sát vào cuộc điều tra, tóm gọn kẻ gian sau 15 ngày
Gửi tiền ở ngân hàng, người phụ nữ Trung Quốc phải nhờ cảnh sát địa phương vào cuộc để tìm lại 13,1 triệu NDT đã biến mất.
Năm 2018, chị Lý Ngọc Lâm ở thành phố Ngoã Phòng Điếm, tỉnh Liêu Ninh, quyết định gửi 13,1 triệu NDT (hơn 45 tỷ đồng) tiền tích góp bấy lâu vào ngân hàng địa phương. Theo người phụ nữ này, gửi tiền vào ngân hàng là cách giữ tiền an toàn nhất. Hơn nữa vào thời điểm đó, lãi suất tiền gửi ở ngân hàng đang khá cao sẽ giúp chị có một khoản lãi kha khá khi đáo hạn.
4 năm sau đó, vào năm 2022, chị Lý vui vẻ đến đến ngân hàng rút tiền. Tuy nhiên, thay vì nhận được một khoản tiền gồm cả gốc và lãi lớn như dự tính, chị lại được nhân viên thông báo rằng: “Tài khoản của chị không có đồng nào.” Điều này khiến chị Lý vô cùng hoang mang. Sau khi lấy lại bình tĩnh, chị Lý yêu cầu phía ngân hàng cho mình một lời giải thích thỏa đáng, thế nhưng đối phương lại hoàn toàn im lặng và bảo chị chờ đợi.
Ảnh minh họa: Sohu
Không hài lòng với thái độ và cách xử lý vấn đề của phía ngân hàng, chị Lý quyết định trình báo sự việc cho cảnh sát địa phương. Ngay lập tức, một cuộc điều tra sâu về số tiền gửi 13,1 triệu NDT của chị Lý tại ngân hàng nói trên đã được thực hiện. Theo Sohu, cảnh sát đã cẩn thận rà soát từng hồ sơ giao dịch của ngân hàng và sớm phát hiện ra manh mối. Họ chỉ mất 15 ngày để giải quyết vụ án và bắt giữ đối tượng khiến số tiền gửi của chị Lý biến mất không dấu vết.
Theo đó, cảnh sát lần theo những manh mối đã tìm được và cuối cùng bắt giữ được anh Tôn, một quản lý của ngân hàng nói trên. Khi cảnh sát ập tới nhà của người đàn ông này, anh ta vẫn ung dung như chưa có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên sau khi đối mặt với những bằng chứng không thể chối cãi từ phía cảnh sát, người này cuối cùng cũng phải cúi đầu nhận tội.
Hoá ra, khi thấy khách hàng có khoản tiền gửi lớn, anh Tôn đã lợi dụng chức quyền của mình để chiếm đoạt tài sản. Sau khi thành công chiếm đoạt số tiền khổng lồ, cuộc sống của người đàn ông này thay đổi đáng kể. Theo lời kể của nhân viên trong ngân hàng, trong 4 năm đó, sếp Tôn của họ liên tục chi tiền khủng để sắm sửa và hưởng thụ cuộc sống. Anh ta không chỉ “tậu” một căn biệt thự nằm trong khu dân cư cao cấp nhất thành phố, thuê một nhà thiết kế nổi tiếng trang hoàng căn nhà mà còn sắm thêm nhiều siêu xe như Mercedes-Benz, BMW, Ferrari để đi làm hàng ngày.
Ảnh minh họa: Sohu
Sự “bất thường” của anh Tôn đã thu hút sự chú ý của đồng nghiệp. Tuy nhiên khi được hỏi, người quản lý này cho biết anh đổi đời nhờ “trúng mánh lớn” khi đầu tư. Mãi đến khi vụ án này được đưa ra ánh sáng, đồng nghiệp của anh Tôn mới nhận ra sự giàu có của người đàn ông này là nhờ chiếm đoạt tài sản của người khác.
Về phía chị Lý, dù cảnh sát đã bắt được thủ phạm nhưng chị vẫn không thể thu hồi số tiền của mình vì anh Tôn đã vỡ nợ và không còn đủ khả năng tài chính để hoàn trả số tiền trên. Trong cơn tuyệt vọng, chị Lý quyết định kiện ngân hàng ra tòa vì cho rằng họ đã không hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ đối với khách hàng. Đồng thời, chị Lý cũng yêu cầu ngân hàng đền bù thiệt hại cho mình bằng cách bồi thường số tiền gửi đã mất. Tuy nhiên, phía ngân hàng khẳng định sự việc đã xảy ra không liên quan gì đến họ mà là hành vi của cá nhân quản lý Tôn.
Cuộc chiến pháp lý giữa 2 bên cứ thế kéo dài. Dù kết quả không được công bố song một số luật sư khi xem xét vụ án đều cho rằng phía ngân hàng cũng cần có trách nhiệm.
Các ngân hàng với tư cách là tổ chức tài chính cũng cần có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho tài sản của người gửi tiền. Bên cạnh đó, những tổ chức này cũng cần phải tăng cường kiểm soát nội bộ chặt chẽ hơn để hạn chế được những rủi ro trong quá trình gửi tiền của khách hàng.
(Theo Sohu)