Mẹ già 7 năm ròng chắt chiu từng đồng trả món nợ hơn 10 triệu đồng thay con trai đã khuất khiến giám đốc ngân hàng cũng phải rơi lệ
Câu chuyện cảm động về người mẹ già 73 tuổi, suốt 7 năm ròng rã chắt chiu từng đồng để trả món nợ 2000 tệ thay người con trai đã khuất. Hành động đầy xúc động của bà khiến chính Giám đốc ngân hàng cũng phải rơi lệ.
Một khoản nợ đặc biệt
Vào tháng 11/2019, tại một ngôi nhà nông thôn giản dị, bà Trần Nguyệt Anh (73 tuổi) đang hồi hộp chờ đợi một vị khách đặc biệt. Bà liên tục nhìn ra cửa, như thể đang mong ngóng điều gì đó quan trọng sắp xảy ra.
Cuối cùng, tiếng bước chân cũng vang lên. Bà Trần vội vàng đứng dậy, tiến ra cửa. “Bà Trần ơi, chúng tôi đến rồi”, một người đàn ông trung niên tươi cười bước vào, theo sau là hai người thanh niên. “Giám đốc Hiền, mọi người vất vả rồi, mời vào nhà uống nước”, bà Trần niềm nở mời. Hôm nay là ngày bà Trần hẹn họ đến để trả một khoản nợ đặc biệt.
Sau khi khách an vị, bà Trần run run lấy từ gầm giường ra một chiếc túi vải. Bà cẩn thận mở túi, đổ ra một chồng tiền được buộc bằng dây chun. “Giám đốc Hiền, đây là 2000 tệ (khoảng 7 triệu đồng) tiền gốc, còn đây là 1192 tệ tiền lãi. Tổng cộng là 3192 tệ (khoảng 11 triệu đồng), mọi người kiểm tra lại xem”, bà Trần nói, mắt ngấn lệ.
7 năm ròng gánh nợ thay con
Giám đốc Hiền và các đồng nghiệp đều sững sờ trước cảnh tượng trước mắt. Số tiền đó chủ yếu là những tờ tiền lẻ đã cũ, có tờ đã ngả màu ố vàng. Rõ ràng, đây là số tiền mà bà Trần đã tích góp trong nhiều năm.
“Bảy năm rồi”, bà Trần lau nước mắt, “Từ ngày con trai tôi mất, tôi bắt đầu dành dụm tiền”. Giám đốc Hiền từ Ngân hàng Thương mại Nông nghiệp huyện Sầm Khê (thuộc thành phố Ngô Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) càng đếm tiền, giọng càng nghẹn ngào. Mọi người đều đỏ hoe mắt. Họ hiểu rằng, đằng sau 3192 tệ này là bảy năm trời nhọc nhằn và kiên trì của một người mẹ già.
Bà Trần kết hôn với ông Dương Húc Vĩnh. Ông Vĩnh là một nông dân hiền lành, ít nói nhưng rất yêu thương vợ con. Hai vợ chồng có với nhau ba người con trai. Cuộc sống tuy nghèo khó nhưng êm ấm.
Nỗi đau của người mẹ mất con
Biến cố ập đến khi con trai cả của bà Trần vừa học cấp 2, con thứ hai học tiểu học, con út còn đang bú sữa thì chồng bà - ông Dương Húc Vĩnh qua đời vì bạo bệnh. Chỉ sau một đêm, bà Trần trở thành góa phụ, một mình gánh vác trọng trách nuôi nấng ba con nhỏ.
Có những lúc, bà chỉ biết trùm chăn khóc rấm rứt, nhưng ngày hôm sau, bà lại phải gạt nước mắt, gồng mình lên chăm sóc con cái và đồng áng. Nhờ sự tần tảo của bà Trần, ba người con đều lần lượt trưởng thành. Con trai cả Dương Trường Văn đi làm ăn xa, con thứ hai Dương Trường Kiệt ở nhà làm ruộng, còn con út Dương Trường Bình tìm được việc làm ở thị trấn.
Nhìn các con yên bề gia thất, bà Trần cũng phần nào vơi đi nỗi đau mất chồng. Bà cứ ngỡ rằng, cuộc sống cơ cực đã ở lại phía sau.
Thế nhưng, vào năm 2010, tai ương lại giáng xuống gia đình bà. Người con trai út - Dương Trường Bình đột ngột mắc bệnh nặng. Khi bác sĩ thông báo bệnh tình của anh Bình đã vô phương cứu chữa, bà Trần như chết lặng.
Bà ngày đêm túc trực bên giường bệnh, nhìn con trai gầy yếu dần đi cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Nỗi đau mất con khiến bà suy sụp. Nhưng bà hiểu rằng, mình không thể gục ngã, bà còn những đứa con khác cần mình chăm sóc.
Lời hứa bảo vệ danh dự cho con
Không lâu sau, người con trai thứ hai - Dương Trường Kiệt cũng đổ bệnh. Do thường xuyên phải làm việc nặng nhọc, sức khỏe anh Kiệt vốn đã yếu, nay lại mắc thêm bệnh viêm phổi. Để có tiền chữa bệnh cho con, bà Trần buộc phải vay của Hội tín dụng địa phương 2000 tệ. Số tiền ấy đối với người nông dân lúc bấy giờ là rất lớn.
Bệnh tình anh Kiệt khi đỡ, khi nặng, kéo dài cho đến tận năm 2012. Mùa đông năm ấy, bệnh tình anh trở nặng. Nằm trên giường bệnh, anh Kiệt nắm chặt tay mẹ, khó nhọc nói: “Mẹ ơi, con sợ là con không qua khỏi. Sau khi con mất, mẹ nhớ trả lại số tiền đã vay. Con không muốn mọi người nói người nhà họ Dương chúng ta lừa đảo, quỵt nợ”.
Bà Trần cố kìm nén nước mắt, gật đầu đồng ý. Bà biết, đó là tâm nguyện cuối cùng của con trai, dù có phải làm gì, bà cũng phải thực hiện.
Không lâu sau khi anh Kiệt mất, vợ anh cũng bỏ đi, để lại đứa con gái nhỏ. Bà Trần bỗng chốc trở thành người già neo đơn, lại thêm gánh nặng nuôi cháu gái nhỏ. Kể từ ngày đó, bà Trần bắt đầu hành trình trả nợ đầy gian nan.
Dù túng thiếu vẫn không thể thất tín
Hằng ngày, trời chưa sáng hẳn, bà đã dậy đi làm. Ban ngày làm việc đồng áng, tối đến tranh thủ làm thêm đồ thủ công. Chỉ cần là việc kiếm ra tiền, bà đều không ngại khó, ngại khổ.
Để tiết kiệm chi phí, bà hầu như không sắm sửa quần áo mới, thức ăn cũng hết sức đạm bạc. Có những hôm, bữa cơm của bà chỉ có vài củ khoai, thêm đĩa rau luộc.
“Mình không thể để con trai mang tiếng xấu là ‘thất tín’”, bà Trần luôn tự nhủ, “Dù có đập nồi bán sắt thì cũng phải trả cho bằng được số nợ này”.
Mỗi khi kiếm được ít tiền, bà Trần lại cẩn thận cất giữ. Khi thì 10 tệ, khi thì 20 tệ, bà đều gói ghém cẩn thận, bỏ vào một chiếc túi vải riêng.
Bên cạnh việc trả nợ, bà Trần còn phải chăm lo cho cháu gái. Cuộc sống tuy vất vả nhưng bà chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ bê cháu. “Đây là giọt máu duy nhất của con trai tôi, tôi phải nuôi dạy cháu nên người”, bà Trần thường nói.
Giọt nước mắt của Giám đốc ngân hàng
Cứ như vậy, năm này qua năm khác. Mái tóc bà Trần đã bạc trắng, tấm lưng ngày càng còng xuống nhưng ý chí trả nợ của bà vẫn không hề lay chuyển.
Cuối cùng, vào mùa hè năm 2019, bà Trần đếm số tiền mình dành dụm được, nhận thấy đã đủ để trả hết nợ. Bà đã mời nhân viên Hội tín dụng đến tận nhà để trả nợ.
Khi Giám đốc Hiền nhìn thấy xấp tiền lẻ cũ kỹ, ông không khỏi xúc động. “Bà Trần ơi, bà vất vả quá”, ông Hiền nghẹn ngào nói, “Bao nhiêu năm qua, bà đã phải chịu đựng biết bao khổ cực”.
Bà Trần mỉm cười: “Không sao đâu, tôi đã trả hết nợ rồi. Con trai tôi ở trên trời cũng có thể yên lòng”.
Theo 163