Người phụ nữ 39 tuổi ở Hà Nội chia sẻ: Thay vì chạy đua kiếm tiền, tôi chọn sống tối giản để tiết kiệm

Lam Anh,
Chia sẻ

"Sau khi áp dụng lối sống tối giản, nghiêm túc đánh giá về thói quen tiêu dùng của mình, tôi nhận ra có quá nhiều thứ vô nghĩa, chẳng có tác dụng gì ngoài việc khiến túi tiền trở nên rỗng tuếch".

Đó là lời thừa nhận của Hoàng Mi (sinh năm 1985, Hà Nội). Cô cho biết, vài năm gần đây, kinh tế biến động đã ảnh hưởng tiêu cực tới tài chính và cuộc sống của chính mình. 

Người phụ nữ 39 tuổi ở Hà Nội chia sẻ: Thay vì chạy đua kiếm tiền, tôi chọn sống tối giản để tiết kiệm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Loay hoay tìm đủ mọi cách để tăng thu nhập nhưng tài chính vẫn khó khăn, không mấy dư dả, Mi cảm thấy chỉ có sức khỏe dần yếu đi mỗi ngày nên đã quyết định dừng lại trong "cuộc đua kiếm tiền".

"Trước đó, khi tài chính còn dư dả, để thỏa mãn tinh thần và nhu cầu của bản thân, tôi đều sẽ mua những món đồ mà mình thích. 

Vậy nên tôi luôn đồng tình với câu nói: 'Tiền mua được hạnh phúc mà'. Tuy nhiên, đến hiện tại, tôi liên tục tự hỏi bản thân, liệu mình có thể kén chọn hơn một chút, keo kiệt hơn một chút để tiết kiệm được nhiều tiền hơn một chút không. 

Tôi muốn biết đâu là thứ có thể thực sự mang lại cho mình sự tự tin và an toàn khi trưởng thành? 

Có lẽ đã đến lúc tôi không cần suy nghĩ để tìm kiếm câu trả lời nữa. Mọi thứ đã có ngay từ chính giây phút tôi cảm thấy băn khoăn rồi, đúng không", Hoàng Mi chia sẻ lý do cô nghiêm túc với hành trình tiết kiệm của bản thân. 

Dưới đây là những bí quyết giúp cô bạn "bước đầu đạt được kết quả tích cực trong việc tiết kiệm" của mình:

1. Nghiêm túc nhìn nhận lại thói quen mua sắm

Khi có tiền, chúng ta rất dễ rơi vào trạng thái mua sắm bốc đồng. Điều đó đúng cả với Hoàng Mi. Nhưng tới giờ, khi nhìn lại, Mi nhận ra rằng hầu hết những thứ cô mua đều là sản phẩm của sự bốc đồng.

"Miễn là giá cả nằm trong khả năng và tôi có thể tiếp cận nó, tôi sẽ bỏ qua tính hữu dụng của nó. Thứ tôi quan tâm duy nhất lúc đó chỉ là mình có thật sự thích và muốn có nó hay không", Hoàng Mi nói.

"Tôi biết tiền đến từ đâu, nhưng tôi không biết nó rời đi như thế nào! Bây giờ mọi thứ đã khác. Nếu quan tâm tới một thứ gì đó và rất yêu thích rồi, tôi cũng chưa chắc đã mua nó", Hoàng Mi chia sẻ thêm.

Lý giải cho điều này, Hoàng Mi cho biết cô sẽ cần phải tính toán tới công dụng của nó hoặc khả năng lưu trữ trong không gian nhà ở như thế nào. Sau đó xét bàn tới việc có thực sự cần món đồ đó hay không rồi mới đưa ra quyết định.

"Sẽ cất ở đâu khi mang nó về nhà? Ở nhà có thứ gì có thể thay thế được không?... Hàng tá câu hỏi được đặt ra lúc này và thường thì tôi sẽ cảm thấy tới 80% món đồ là không thực sự cần thiết nữa. Và đó là lý do tôi có thể tiết kiệm", Mi cho hay.

2. Hãy "keo kiệt" về mặt tương tác xã hội

Không giao tiếp xã hội đương nhiên là điều không thể. Nhưng việc cân nhắc, lọc lựa lại các mối quan hệ cần thiết cho cuộc sống của mình là điều mà bạn cần làm nếu muốn tiết kiệm.

Ai cũng nghĩ, người trưởng thành càng giao tiếp xã hội nhiều càng tốt. Song, không phải như vậy. Có những mối quan hệ, bữa tiệc chẳng có nghĩa lý gì ngoài việc tốn thời gian và tiền bạc, tâm sức. Bạn không cần phải tham gia vào những cuộc ăn uống vô nghĩa.

Hãy nghiêm túc đánh giá lại mọi thứ nhé!

3. Không uống trà sữa

Không biết bắt đầu từ khi nào, uống trà sữa trở thành trào lưu trong giới trẻ, Hoàng Mi cũng từng nằm trong số đó. Nhưng bây giờ thì không.

4. Không mua đồ ăn sẵn

Ngoài sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian nấu nướng thì việc mua đồ ăn sẵn có quá nhiều nhược điểm mà không cần kể lại. Vì vậy, tốt hơn hết là bạn nên tự nấu ăn nếu có thể, vừa sạch sẽ, hợp vệ sinh, vừa tốt cho sức khỏe lại vừa tiết kiệm tiền.

5. Đừng mua quần áo quá rẻ

"Trước đây, tháng nào tôi cũng mua rất nhiều đồ rẻ, một số sẽ bỏ đi sau khi mặc hai lần, vì cơ thể tôi có thể cảm nhận được chất lượng của quần áo khi mặc. Nếu quần áo không còn thoải mái nữa, tôi sẽ cảm thấy rất khó chịu và chỉ muốn bỏ đi ngay lập tức", Mi nói.

Trên thực tế, nếu liên tục phải mua quần áo giá rẻ, bạn sẽ không tiết kiệm được tiền so với mua quần áo đắt tiền, bởi vì quần áo chất lượng tốt mới thực sự thoải mái khi mặc. Ngoài ra kiểu dáng cũng không dễ bị lỗi thời. Điều này về lâu về dài sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều tiền!

6. Tiết kiệm nước và điện

Hãy phát triển thói quen tiết kiệm nước và điện bằng những thói quen nhỏ như tắt đèn, rút dây sạc đã sử dụng xong, v.v. Đồng thời tái sử dụng nước như nước sau khi rửa rau có thể dùng để tưới cây,... Những hành động này tuy nhỏ nhưng có thể giúp bạn tiết kiệm được 1 khoản kha khá mỗi tháng đấy!

7. Mang theo đồ cá nhân khi ra ngoài

Hãy phát triển thói quen tận hưởng cuộc sống một mình và đừng tiêu tiền nếu có thể. Mang theo chai nước giúp bạn tiết kiệm tiền mua cốc trà sữa. Mang theo ô giúp bạn tiết kiệm tiền đi taxi vào ngày mưa. Mang theo sạc dự phòng sẽ giúp bạn không cần phải tốn tiền để mua sạc khi điện thoại không may hết pin. Đây là những khoản chi không cần thiết.

Cuộc sống tưởng chừng như quá đỗi tiết kiệm này thực chất không ảnh hưởng gì đến cuộc sống thường nhật của chúng ta và cũng không quá khó để thực hiện, quan trọng nhất là có thể giúp bạn tiết kiệm tiền. Nếu bạn vẫn đang loay hoay không biết phải làm thế nào thì hãy thử áp dụng những mẹo nhỏ này của Hoàng Mi nhé!

Chia sẻ