Người phụ nữ 37 tuổi khẳng định: "Càng tiêu nhiều thì càng kiếm được nhiều tiền"
Trong cuộc sống, có một số việc phải làm, một số cuốn sách phải đọc, một số món ngon phải nếm thử. Vì vậy, có những khoản tiền nhất định phải tiêu.
* Câu chuyện được chia sẻ bởi Lưu Lan, 37 tuổi trên Toutiao
Từ nhỏ, bố tôi đã nói với tôi rằng "con nên tiết kiệm tiền và chỉ tiêu nó cho những thứ thật sự xứng đáng". Lời bố nói có tác động sâu sắc với tôi.
Trước đây, tôi là người không biết tiêu tiền và cũng là người không dám tiêu tiền.
Tôi sinh ra ở một thị trấn nhỏ với nền tảng gia đình kinh tế trung bình. Hồi tôi học tiểu học, ở lớp có tổ chức buổi học dã ngoại mùa xuân và phải đóng phí mới có thể tham gia. Đối với trẻ em, được đi chơi với các bạn cùng lớp sau những giờ học nhàm chán ở trường là điều đáng mong đợi.
Hôm đó đi học về, tôi hào hứng chạy đến xin bố tiền để đóng phí đăng ký. Nhưng bố tôi đã bảo rằng không cần thiết phải đi. Để đền bù cho điều đó, bố đã mua cho tôi một món ăn vặt mà tôi thích. Lúc tôi ăn, bố tôi cũng nói: "Nhất định phải tiết kiệm. Nhà mình nghèo nên không tiêu bừa bãi". Lời nói của bố khiến tôi quyết định từ bỏ chuyến dã ngoại mùa xuân của lớp.
Sau này tôi mới biết rằng những hình ảnh và đoạn hội thoại gây ấn tượng với mình sẽ ăn sâu vào tiềm thức như những hạt giống, bám theo và ảnh hưởng đến cả quá trình phát triển. Tôi nghĩ đó là khoảng thời gian hình thành thói quen tiết kiệm tiền trong tôi. Vì lo lắng về việc ngày càng tiêu nhiều tiền nên trong những năm đó, tôi luôn cố gắng tiết kiệm tiền, thậm chí không tiêu gì cả.
Ví dụ, tôi có thói quen mua quần áo rẻ nhất, ăn những bữa ăn rẻ nhất và ở trong những khách sạn rẻ nhất... Ngay cả khi tôi nhìn thấy thứ mình thực sự muốn, nhưng nếu chúng có mức giá vượt quá khả năng chi trả của tôi, tôi sẽ từ bỏ.
Thứ hai, tôi cũng chọn những lựa chọn thay thế rẻ hơn. Cách làm này quả thực đã giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều tiền. Nhưng dần dần, tôi thấy mình đã thay đổi - phản ứng đầu tiên của tôi khi gặp phải bất cứ món đồ gì đó là: "Cái này giá bao nhiêu? Sau khi tiêu hết số tiền này, tôi còn lại bao nhiêu tiền?".
Nếu không tốn nhiều tiền thì hãy cân nhắc thực hiện. Nếu tốn kém nhiều thì thôi. Điều nghiêm trọng hơn là vì tôi đã quen với việc chi tiêu ít và tiêu ít tiền hơn nên tôi đã trở thành một người không dám tiêu tiền. Tôi tự động tránh xa những người, những thứ và những dịp tưởng chừng như cao cấp, tự giam mình lại trong một thế giới nhỏ bé của bản thân. Tôi không dám và cảm thấy không xứng đáng để giao tiếp với thế giới rộng lớn hơn.
Chi gần 200 triệu đồng đi du lịch châu Âu nửa tháng, mở thêm cánh cửa bước ra thế giới
Trong mấy năm đó, tôi ngày càng sống cuộc đời "nhỏ bé", sống cuộc đời của mình như một người "không xứng đáng có được những điều tốt đẹp".
Trong quá khứ, tôi đã có ước mơ được đi du lịch vòng quanh thế giới. Ngày nọ, một người bạn của tôi mời tôi đi du lịch Châu Âu và thăm các viện bảo tàng nghệ thuật lớn. Khi nhìn thấy lời mời đó, tim tôi đập loạn xạ. Ước mơ tuổi trẻ của tôi cuối cùng cũng thành hiện thực. Nhưng khi nhìn thấy số tiền phải bỏ ra, tôi lập tức mất tinh thần - tiền ăn ở nửa tháng, các chi phí và vé máy bay khứ hồi, tổng chi phí cộng lại lên tới gần 50.000 nhân dân tệ (khoảng 175 triệu đồng).
Phản ứng đầu tiên của tôi lúc đó là không đi. Nhưng sau đó tôi nghĩ lại, nếu không đi, có lẽ tôi sẽ không bao giờ đủ dũng khí để thực hiện ước mơ tuổi trẻ này của mình. Nên sau bao cân nhắc, tôi vẫn chọn đi.
Khi người nhà và bạn bè xung quanh tôi biết tin, họ rất ngạc nhiên: "Bị điên rồi à? Tại sao lại tiêu nhiều tiền như vậy! Bạn có biết với số tiền này có thể làm được bao nhiêu việc không?".
Thực ra sau khi trả tiền, tôi cũng có những tiếc nuối, đắn đo, vướng mắc nhưng tất cả cảm giác này đã hoàn toàn biến mất sau khi bước bước đầu tiên trong chuyến tham quan học tập nghệ thuật châu Âu. Bởi vì những khoản phí đắt đỏ đó đã mở ra cho tôi một thế giới hoàn toàn khác.
Trong chuyến đi đắt giá đó, mỗi ngày tôi đều được bao quanh bởi vẻ đẹp. Với mỗi trải nghiệm tuyệt vời, tôi tự khẳng định với bản thân rằng, tôi xứng đáng nhận được những điều tuyệt vời!
Tiêu tiền là lối tắt để kiếm tiền
Ngoài ra, tôi cũng gặp được nhiều người bạn mới trong đoàn du lịch, mỗi lần trò chuyện với họ, tôi như được mở rộng tầm mắt. Một người trong đoàn của tôi chia sẻ rằng, cô ấy đã đến thăm hơn 60 quốc gia khi còn trẻ và mỗi lần đi du lịch, cô ấy đều tham gia ít nhất một trải nghiệm cao cấp.
"Tôi không đặt mục tiêu tiết kiệm tiền. Thay vào đó, tôi chọn trải nghiệm để bản thân có thêm động lực kiếm tiền", nguyên văn lời nói của cô bạn đó khiến tôi nhớ mãi.
Lúc đó tôi nghĩ, người phụ nữ này thực sự không quan tâm đến tiền bạc, phải giàu đến thế nào mới chơi được như thế này?
Cô ấy dường như nghe được suy nghĩ của tôi và nói: "Nhiều người nghĩ rằng phải kiếm rất nhiều tiền mới có thể tiêu tiền như thế này, nhưng đối với tôi thì hoàn toàn ngược lại. Tiêu càng nhiều thì càng kiếm được nhiều. Tiêu tiền chính là con đường tắt để kiếm tiền!".
Câu nói "chi càng nhiều, kiếm càng nhiều" hoàn toàn phá bỏ quan điểm "chi càng nhiều, số tiền kiếm được càng ít đi" của tôi. Trước đây tôi hay nghĩ đến việc phải tiết kiệm như thế nào và làm thế nào để tiết kiệm tiền, nghĩ rằng mình sẽ trở nên giàu có theo cách này. Tuy nhiên, trong thời gian tiếp xúc và trò chuyện với người bạn này, tôi dường như đã cởi mở hơn về việc tiêu tiền như thế nào. Đây là một bài học rất quan trọng trong cuộc sống mà bố mẹ đã không dạy tôi, tôi cũng không được học ở trường nhưng bây giờ nó lại hiện hữu rõ nét trong tâm trí của tôi.
Dường như khi chúng ta tiếp tục mở cửa với thế giới và làm phong phú thêm trải nghiệm sống của mình thông qua việc tiêu tiền, thế giới cũng sẽ mở ra nhiều cánh cửa hơn cho chúng ta.
Bạn thấy đấy, số tiền bỏ ra cho những trải nghiệm xứng đáng, để nuôi dưỡng cuộc sống dường như không hề bị tiêu hao. Thậm chí, nó còn trở thành món quà tinh thần của một con người, giúp chúng ta cảm nhận được sự hạnh phúc và sự tươi đẹp trong cuộc sống này.