3 việc giúp tôi từ bỏ thói quen tiêu tiền vô tội vạ, tiết kiệm được hơn 350 triệu trong 1 năm
Tiêu tiền không có kế hoạch chính là rào cản lớn nhất trong việc tiết kiệm.
Trước đây, tôi thường mua sắm một cách bốc đồng, tôi không thể ngăn bản thân chi tiền mỗi khi thấy các chương trình giảm giá, hoặc những món đồ xinh xinh. Kết quả, tôi không chỉ hết tiền mà còn biến không gian sống trở thành cái kho chứa đồ theo đúng nghĩa đen. Từ phòng ngủ đến phòng khách, khu vực nấu nướng hay cả nhà vệ sinh, chỗ nào trong nhà tôi cũng chật chội vô cùng.
Cho đến cuối năm ngoái, tôi bắt đầu cảm thấy không thể chịu nổi thói quen tiêu tiền và tích trữ của bản thân. Nói cách khác, tôi tự tiêu tiền, tự tích trữ rồi tự cảm thấy chán ghét chính mình. Đó là lúc tôi nhận ra mình không thể trì hoãn việc dọn dẹp cuộc sống, và tống khứ những thói quen không lành mạnh của bản thân.
Sau 1 năm từ vật vã cắt giảm đến trạng thái tận hưởng thành quả tiết kiệm, tôi rút ra được 3 bí quyết dưới đây. Nhờ kiên quyết thực hiện 3 việc này mà tôi đã tiết kiệm được gần 100.000 NDT (khoảng 350 triệu đồng) trong 1 năm qua, đồng thời, cuộc sống của tôi cũng gọn gàng và dễ thở hơn rất nhiều. Tôi không còn cảm thấy chán ghét chính mình nữa.
1 - Tự tay dọn dẹp từng ngóc ngách, sắp xếp từng món đồ trong nhà
Trước đây, tôi gần như không bao giờ dọn nhà. Tôi sẽ thuê dịch vụ dọn nhà, mỗi tuần 1 lần, sẽ có 1 người tới lau dọn nhà cửa cho tôi. Nhưng với số đồ mà tôi đã tích trữ trong nhà suốt hơn 3 năm, tôi nhận ra chỉ mình mới có thể dọn dẹp được chúng, vì không ai khác, chính tôi là người đã mang chúng về nhà.
Tôi mất tới 5 cái cuối tuần, nghĩa là hơn 1 tháng trời, chỉ để ngồi lọc ra những món đồ mình đang có nhu cầu sử dụng, và những món đồ chẳng mấy khi động tới. Tôi tự hỏi chính mình “Cái này có ích gì?”.
Nếu tôi tìm được ra một câu trả lời ở thì hiện tại, tựa như “mình cần cái bàn ủi này để là quần áo”, tôi sẽ giữ món đồ đó lại. Nếu câu trả lời ở thì tương lai, tựa như “chắc sẽ có lúc cần”, tôi sẽ xếp chúng vào nhóm đồ mang đi thanh lý. Trên thực tế, những món đồ mà chúng ta giữ lại vì cảm giác tương lai sẽ cần, lại là những món đồ không bao giờ chúng ta động tới.
Sau hơn 1 tháng cần mẫn tự dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc, tôi đã thành công thanh lý khoảng 60% đồ bếp, đồ trang trí và cả tủ quần áo. Không gian sống của tôi trở nên gọn gàng hơn, tôi cũng kiếm được khoảng 18.000 NDT (khoảng 63 triệu đồng) từ việc bán những món đồ không sử dụng.
2 - Cùng bạn thân lập danh sách chi tiêu, mua sắm
Là người “nghiện” mua sắm suốt gần chục năm, tôi nhận ra việc tự lên kế hoạch chi tiêu, mua sắm là điều không khả thi. Tôi đã tự làm điều đó cả chục lần, nhưng lần nào cũng vậy, tôi vẫn thêm những thứ không thực sự cần thiết cho cuộc sống của mình vào danh sách mua sắm, rồi tốn cả tiền lẫn công sức dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc.
Đó chính là lý do tôi phải “cầu cứu” sự trợ giúp của một người bạn thân. Trái ngược hoàn toàn với tôi, cô ấy là người tiêu dùng rất lý trí. Bạn tôi không bao giờ cảm thấy hối hận về từng khoản chi, dù lớn dù nhỏ. Đó chính là bằng chứng đanh thép nhất chứng minh khả năng quản lý chi tiêu tài tình của cô ấy.
Sau khoảng 2 tháng có sự kèm cặp của bạn, tôi đã cảm nhận được thói quen mua sắm của mình đã vào guồng. Tôi biết cách tự vấn bản thân để phân biệt được đâu là nhu cầu thiết thực, chính đáng; đâu là mong muốn mua sắm phù phiếm.
Trong suốt 2 tháng ấy, bạn tôi chỉ hỏi tôi 1 câu hỏi: “Nếu không mua thứ này, bà có sống được không?”. Đương nhiên, thời gian đầu, tôi tìm đủ lý do để chống chế, ví như việc tôi cần một chiếc váy thật đẹp và sang trọng để đi dự tiệc sinh nhật, mà trong tủ lại chẳng có món đồ nào như vậy; hay đến việc điện thoại của tôi đã vỡ màn hình, nên tôi cần mua 1 chiếc mới,...
Bạn tôi đều lắc đầu phủ nhận, một mực khẳng định tôi chỉ đang ngụy biện cho ham muốn tiêu tiền của mình. Cô ấy bắt tôi tìm ra giải pháp khác, và cuối cùng, tôi nhận ra không ai quan tâm mình mặc đồ cũ hay đồ mới mua đi dự tiệc, đó chỉ là cảm nhận phiến diện từ bản thân tôi. Bên cạnh đó, cái gì có thể sửa mà vẫn dùng tốt thì không thay mới cũng là điều tôi học được từ sự nghiêm khắc của bạn mình.
3 - Khóa hết thẻ tín dụng
Tôi khá chắc rằng những người nghiện mua sắm như tôi đều có ít nhất 1 chiếc thẻ tín dụng. Những lúc lương chưa về mà bản thân lại hừng hực khí thế shopping, thẻ tín dụng chẳng khác nào chiếc phao cứu sinh. Nhưng cũng vì sự tiện lợi ấy mà tôi mãi không thể bỏ được thói quen tiêu tiền vô tội vạ.
Thiếu tiền thì “vay” tạm thẻ tín dụng, có tiền rồi trả, đôi khi trả xong lại tiêu lẹm vào chính số tiền ấy. Cứ như vậy, tôi không những không có tiền tiết kiệm mà còn sống trong vòng lặp nợ nần suốt một thời gian dài.
Cuối cùng, tôi đành phải dùng 2 tháng tiền lương để trả đứt khoản dư nợ tín dụng, sau đó hủy thẻ tín dụng. 2 tháng đó, tôi sống như một người ăn xin, cuộc sống cùng cực vì hết tiền nhưng đến giờ, tôi vẫn cảm thấy việc không dùng thẻ tín dụng là quyết định đúng đắn nhất mà tôi đã đưa ra, để cải thiện sức khỏe tài chính của mình.
Vì không còn đòn bẩy tài chính nữa, nên tôi buộc phải học cách tiết kiệm, chuẩn bị tiền nếu có dự định tiêu tiền. Ví như việc đổi điện thoại chẳng hạn, vì không thể quẹt thẻ tín dụng, nên tôi phải tích góp từng ít từng ít một, cho đến khi đủ tiền đổi điện thoại rồi, tôi lại cảm thấy nếu dùng hết số tiền đã tiết kiệm suốt mấy tháng trời thì phí phạm quá. Cuối cùng, tôi không đổi điện thoại nữa, và tiếp tục tiết kiệm.
Động lực tiết kiệm hay thói quen tiết kiệm cứ thế mà thành hình.