Người Mỹ “chạy đua” tiêm chủng trước "lưỡi hái Delta"
Mỹ ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trong gần 6 tháng. Từ do dự, từ chối, giờ đây người Mỹ đang đổ xô đi tiêm vaccine COVID-19.
Số ca COVID-19 mới ở Mỹ cao nhất trong 6 tháng
Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Mỹ (CDC) ngày 31/7 cho biết, nước này ghi nhận 101.171 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ. Lần gần nhất Mỹ ghi nhận số ca mắc vượt ngưỡng 100.000 trong 24 giờ là gần 6 tháng trước. Tổng số ca mắc và tử vong vì COVID-19 ở Mỹ hiện tại lần lượt là 35.745.024 và 629.315 trường hợp.
Dữ liệu mới cho thấy tổng số ca mắc mới trong tuần tính đến 30/7 ở Mỹ cao hơn năm lần so với một tháng trước và cao nhất từ tháng 2, với 544.569 ca, theo Đại học Johns Hopkins và hãng truyền thông Bloomberg. Trong đó, bang Florida chiếm 1/5 tổng số ca mắc mới với hơn 110.000 trường hợp.
Tỷ lệ nhập viện ở Mỹ, dù thấp hơn nhiều đợt đỉnh điểm tháng 1, đã tăng hơn 46% trong vòng một tuần. Tỷ lệ tử vong cũng tăng hơn 30%, theo CDC.
Hàng triệu người Mỹ từng tỏ thái độ thờ ơ khi Tổng thống Joe Biden vận động tiêm vaccine ngừa COVID-19. Họ thậm chí không tin lời của các chuyên gia y tế hàng đầu hay lời vận động của nhiều vận động viên thể thao, người nổi tiếng khác.
Song cuối cùng, nhóm người này đang đổ xô đi tiêm phòng vì lo ngại trước biến thể siêu lây nhiễm Delta, theo tờ Washington Post. Biến thể Delta hiện là nguyên nhân gây ra 83% tổng số ca mắc mới tại Mỹ.
Người Mỹ lo sợ "trước lưỡi hái Delta"
Lại 1 ngày nữa đến với chị Mindy Greene trong căn phòng chăm sóc đặc biệt các bệnh nhân mắc COVID-19, lắng nghe tiếng máy trợ thở rít lên từng nhịp đều đặn hỗ trợ cho người chồng 42 tuổi của chị, anh Russ, hô hấp dễ hơn. Chị bất thần mở điện thoại và gõ một dòng trạng thái.
Chị viết trên Facebook: "Chúng tôi đã không tiêm vaccine. Tôi đã đọc tất cả những thứ về vaccine và nó khiến tôi sợ hãi. Vì vậy, tôi đã đưa ra quyết định và cầu nguyện rằng chúng tôi sẽ ổn".
Nhưng không.
Chồng chị, cha của 4 đứa trẻ, giờ đang đứng giữa sự sống và cái chết. Bệnh nhân ở phòng bên cạnh đã tử vong vài giờ trước. Ngày 13/7 vừa rồi, chị Greene quyết định lên tiếng trong cuộc tranh luận gay gắt tại Mỹ liên quan đến việc Tiêm hay Không Tiêm. Cô chọn từ: Sự hối hận.
Chị Greene viết: "Nếu tôi biết được sẽ có ngày hôm nay, chúng tôi đã đi tiêm phòng. Tôi có cảm giác tội lỗi lạ thường. Tôi vẫn tự trách mình. Hằng ngày".
Chị Mindy Greene thăm chồng, anh Russ Greene, tại Bệnh viện Utah Valley. Anh Greene mắc COVID-19 và nhập viện sau khi từ chối tiêm vaccine. (Nguồn: The New York Times)
Đó cũng là câu chuyện của hàng nghìn người Mỹ khác đang được báo chí nước này chia sẻ mỗi ngày nhằm thức tỉnh người dân trước "lưỡi hái" mang tên biến thể Delta. Đây là một sát thủ biến hình mới và là nguyên nhân gây ra 83% tổng số ca mắc mới tại Mỹ trong thời gian qua.
Tại thị trấn Bella Vista - bang Arkansas, Chelsah Skaggs, 25 tuổi, chia sẻ cô đã cố tình tránh những mũi tiêm phòng, viện dẫn những thông tin sai lệch rằng chúng có thể gây vô sinh.
Nhưng khi biến thể Delta tấn công khu vực nơi cô sinh sống, cô đã tự nghiên cứu và tin rằng mình nên tiêm phòng. Cô Chelsah nói: "Chủ nghĩa hoài nghi là một điều tốt. Nhưng ngu dốt lại là một vấn đề khác. Điều hối tiếc duy nhất của tôi là không tiêm vaccine sớm hơn".
Người Mỹ "chạy đua" để được tiêm chủng
Ngày 31/7, hãng truyền thông CNN phân tích dữ liệu từ CDC cho thấy, tốc độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Mỹ đã tăng đều đặn trong ba tuần qua, đặc biệt ở một số bang miền Nam, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp do có nhiều người do dự. Riêng ngày 30/7 có đến 856.000 mũi tiêm được thực hiện. Đây là số liệu cao nhất kể từ ngày 3/7. Có thể thấy sự sợ hãi trước biến thể Delta đã đẩy lùi tâm lý e dè, nghi ngại vaccine của người dân.
Y tá Darryl Hana tiêm vaccine COVID-19 của hãng Pfizer cho một người dân tại phòng tiêm chủng ở Wilmington, bang California (Mỹ) vào ngày 29/7 (Nguồn: CNBC)
Tỷ lệ tiêm chủng trung bình ở bang Alabama đã cao hơn gấp đôi so với ba tuần trước. Đây là bang có tỷ lệ dân số đã tiêm chủng thấp nhất trên toàn nước Mỹ, khoảng 34%.
Cùng với bang Alabama, tỷ lệ tiêm chủng trung bình hàng ngày ở bang Arkansas, nơi chỉ có 36% dân số được tiêm chủng đầy đủ, cũng tăng 96% trong ba tuần vừa qua.
Trong khi bang Louisiana, nơi có nhiều ca mắc mới nhất tính trên đầu người vào tuần trước và chỉ có 37% dân số được tiêm chủng đầy đủ, đã có tỷ lệ tiêm chủng hàng ngày tăng 114% so với ba tuần trước.
Hiện ở bang Missouri, tỷ lệ tiêm chủng trung bình hàng ngày cao hơn 87% so với ba tuần trước. Đây là bang bị tác động nặng nề với số ca mắc COVID-19 mới gia tăng nhanh trong thời gian gần đây.
Hồi tuần trước, bang Texas cũng ghi nhận mức tiêm chủng trong ngày tăng. Dù số liệu này còn cách xa mức đỉnh điểm vào đầu năm, song đã tăng 25% so với số liệu của một tháng trước đó.
Bà Tesha Montgomery, người điều hành các phòng tiêm vaccine tại Bệnh viện Houston Methodist ở bang Texas, nhận xét: "Việc người dân vội vàng đi tiêm chủng có liên quan đến biến chủng Delta và số ca nhập viện trong thời gian gần đây".
Dù vậy, vẫn có những người quyết không tiêm vaccine, mãi cho đến khi người thân hoặc chính họ mắc bệnh hoặc thậm chí là tử vong.
Mặc dù tốc độ tiêm vẫn thấp hơn nhiều so với thời điểm cao trào khoảng 3 triệu mũi/ngày hồi giữa tháng 4, xu hướng người dân Mỹ đi tiêm thời điểm này vẫn rất đáng khích lệ.
Theo dữ liệu của CDC, 49,5% người Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ; trong nhóm người từ 12 tuổi trở lên hoặc nhóm tuổi hiện đủ điều kiện để tiêm phòng thì tỷ lệ này là 57,9%.
Cuộc chiến với biến thể Delta
Tại bang Arkansas, chính quyền hôm 29/7 tái áp đặt tình trạng khẩn cấp vì dịch bệnh. Bang này cho biết tất cả giường bệnh điều trị tích cực (ICU) dành cho trẻ em đều kín chỗ. Cùng lúc, Arkansas phải đặt hàng thêm số vaccine ngừa COVID-19 cao gấp nhiều lần. Từ chỗ mỗi tuần chỉ có 27.000 mũi tiêm được thực hiện thì nay con số này là trung bình 70.000 mũi/tuần.
"Chúng tôi phải nhập thêm vaccine. Lần đầu tiên trong 2 tháng rưỡi, chúng tôi phải đặt hàng với quy mô lớn. Người dân đang sợ hãi" - Đại tá Robert Ator, người lãnh đạo chiến dịch tiêm chủng của toàn bang, cho biết như vậy.
Thống đốc bang Arkansas Asa Hutchinson tích cực vận động người dân đi tiêm chủng. Trong các bài phát biểu của mình, ông Hutchinson liên tục phản đối những thuyết âm mưu chống lại vaccine ngừa COVID-19.
Người phản đối xông vào tòa nhà thị chính tại bang Arkansas, Mỹ, để phản đối tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào ngày 16/7 (Nguồn: Bloomberg News)
Hành động tương tự cũng đang được Thống đốc bang Alabama áp dụng. Trong 1 bài bình luận đăng ngày 27/7, Thống đốc Kay Ivey buộc tội "những người tung tin sai sự thật về vaccine đang gây họa lớn và hành động bất cẩn".
Ông viết: "Những người chưa được tiêm phòng đang bị lừa dối, và điều đó thật đáng buồn. Không có gì bí mật khi tôi bày tỏ sự thất vọng trong lúc nói chuyện với các phóng viên vào tuần trước, nhưng dữ liệu không nói dối, và tôi chỉ đơn giản là không muốn thấy những người dân Alabama, hoặc bất kỳ ai khác vì vấn đề đó, phải chịu đựng. Vaccine hiệu quả, và chúng ta cần bắt đầu xắn tay áo lên để chủng ngừa đủ 2 mũi. Đây không phải là chính trị: Đây chỉ là lẽ thường".
Ở bang quê hương ông là Kentucky, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell chuẩn bị cho chạy quảng cáo trên hơn 100 đài phát thanh, nhằm kêu gọi người dân đi tiêm phòng.
Ông nói: "Những thông điệp này cần được đưa đến người dân càng nhanh càng tốt. Nếu không, chúng ta sẽ lại đối mặt với tình huống kinh khủng như năm ngoái".
Ở cấp độ liên bang, Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa cho biết "rất có thể" chính quyền sẽ ban hành các hướng dẫn và biện pháp giãn cách xã hội trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng cao, và tình trạng lây lan nhanh của chủng Delta.
Trong diễn biến liên quan, Giám đốc CDC Rochelle Walensky khuyến nghị người dân nên đeo khẩu trang ngay cả khi đã chủng ngừa đủ vaccine COVID-19. Đồng thời nhấn mạnh những người đã tiêm vaccine COVID-19 tại các vùng có mức độ lây nhiễm "đáng kể" hoặc "cao" nên đeo khẩu trang trong nhà. Hơn 75% dân số Mỹ đang sống tại các khu vực như vậy, theo CNN.
Một người dân New York đeo khẩu trang đi ngang qua xe xét nghiệm COVID-19 lưu động đậu tại một công viên của thành phố (Nguồn: Reuters)
Thực tế tại nhiều nước đang cho thấy biến thể Delta có khả năng lây nhiễm ở những người đã được tiêm chủng đủ liều với tỷ lệ cao hơn so với các biến thể trước đó.
Tại Anh, trong số những ca mắc mới có 22,8% là người đã được tiêm đủ liều. Tại Singapore, con số này là 75% còn tại Israel là 60%. Tuy nhiên, hầu hết những người đã được tiêm chủng đầy đủ không chuyển biến bệnh nặng.
Các chuyên gia cũng đưa ra nhận định rằng, sự phát triển các loại vaccine với hiệu quả phòng bệnh cao dường như đã khiến nhiều người có tâm lý chủ quan, tin rằng dịch COVID-19 không còn là mối đe dọa lớn đối với họ một khi đã được tiêm chủng. Do đó, cần phải nhấn mạnh một điều rằng mục đích của vaccine luôn là để ngăn ngừa bệnh tiến triển nghiêm trọng và nguy cơ tử vong chứ không thể ngăn ngừa 100% nguy cơ lây nhiễm.