Người mẹ trẻ một mình lên Sài Gòn mở quán bún riêu, sau 8 tháng nay phải đi xin trợ cấp, 2 tháng chưa gặp con, "đến kho quẹt cũng thành món xa xỉ"
Thất bại và thành công trong mùa dịch Covid này thật sự là một câu chuyện rất khó nói.
Là một thế hệ 9X đời đầu, lại còn có niềm đam mê ăn uống rất lớn nên chị Minh Phụng quê ở Long An (sinh năm 90) đã sớm ấp ủ cho riêng mình một quán ăn nhỏ trên TP.HCM từ khi còn là sinh viên năm nhất. Tuy nhiên do gia đình ở quê hay thúc cưới, muốn chị sớm cưới chồng rồi sống ở gần nhà để tiện chăm lo gia đình, ông bà, bố mẹ vì chị là con một nên dù rất có hoài bão, nhưng "vì gia đình, ý của ông bà" mà chị phải nghe theo.
Lúc cưới chồng xong chị sinh được một bé trai đến nay đã vào lớp 1, chồng chị thì mở một tiệm mua bán xe máy cả mới lẫn cũ nho nhỏ nói chung cũng có tiếng ở huyện nên cuộc sống của gia đình cũng có chút của để dành cho con sau này. Nhưng trong thâm tâm của chị Phụng, việc mở hàng ăn chưa bao giờ chị thôi nghĩ về nó, nên cũng ráng tiết kiệm rồi để dành một ít gửi ngân hàng mà không cho chồng hay.
HÀNH TRÌNH "KHỞI NGHIỆP" CỦA BÀ MẸ TRẺ BỎ NHÀ LÊN THÀNH PHỐ MỞ QUÁN BÚN RIÊU
Vào đầu năm 2021 vừa rồi chị quyết định sẽ lên Sài Gòn mở quán bún riêu ở quận Thủ Đức. "Trên đó có nhà người quen đang muốn cho thuê mặt bằng lại gần mấy khu nhà trọ, văn phòng nên chị quyết định thử một chuyến.
Lúc đầu chị định đi không cho bố mẹ biết, chỉ nói chồng ở nhà phụ chăm con rồi khi nào trên đó ổn định thì chồng mang con lên chơi. Nhưng gần tới ngày đi thì mình thấy có lỗi nên nói cho bố mẹ biết thì ai cũng can ngăn. Cả nhà còn cãi nhau một trận rất lớn nói mình bỏ con, bỏ chồng không lo mà cứ ôm mộng.Nghe xong mình tức vì mình đã hy sinh một khoảng thời gian dài ở nhà chăm sóc tất cả, bây giờ thấy có cơ hội nên mình muốn quay lại đam mê của bản thân thì lại bị nói những câu tổn thương vô cùng.
Đợt đấy mình cũng lớn tiếng, phần vì đã cọc tiền hết rồi nên không thể bỏ nên lúc nóng giận mình gom đồ lên luôn Sài Gòn trong đêm. Có dặn chồng khuyên ông bà giúp, mình lên sắp xếp mọi thứ ổn thỏa rồi sẽ về ngay".
Thời gian đầu cuộc sống chị Phụng ở Sài Gòn chật vật không thể tả. Phần vì "lạ nước lạ cái", phần vì chi phí dự trù ban đầu bỗng phát sinh quá nhiều thứ, "từ ngày lên tới Sài Gòn mình chưa có ngày nào ăn được bữa cơm tử tế vì muốn tiết kiệm tiền để còn chuẩn bị cho ngày khai trương". Vậy mà sau gần 1 tháng chuẩn bị, chị tiêu hết gần 130 triệu cho quán bún riêu, ngày đầu tiên nhập hàng, nguyên liệu hoàn tất chị còn vỏn vẹn 32 nghìn đồng trong túi, chỉ chờ đến khi quán mở cửa hoạt động.
"AI NÀO CÓ NGỜ, COVID NÓ TỚI ĐÂU!"
Bán được thời gian thì Sài Gòn bùng dịch trở lại, đợt giãn cách đầu chị còn cầm cự được vì khu này nhiều người ở trọ không có bếp núc nên chị bán mang về rất ổn. Nhưng rồi dần dần Covid càng căng, chị buộc phải đóng cửa quán bún, trả mặt bằng đồng nghĩa chấp nhận mất 2 tháng tiền cọc.
"Lúc đó chị định dọn về nhà trọ nấu, xong bán vòng vòng cho bà con trong xóm kiếm chút đỉnh tiền thuê nhà nhưng được vài hôm cũng bị cấm luôn...".
Trong lúc khó khăn, chị Phụng từng khóc rất nhiều vì bản thân nằm ở hai luồng suy nghĩ. "Ngày chị cãi bố mẹ bỏ lên Sài Gòn thì chị cũng có nghĩ tới cái chuyện nếu thất bại, mất trắng thì chị cũng phải chịu, không hối hận vì mình chọn mà chứ ai ép đâu! Nhưng đã gần 2 tháng rồi chị chưa được gặp con trai chị...
Đợt rồi anh điện lên có bảo là thôi em về đi, rồi mình đợi hết dịch nếu em thích thì anh cho em lên làm lại. Nhưng mình cứ có cái tật hay cố, nghĩ về nhà chẳng biết nhìn mặt bố mẹ làm sao. Có khi lại càng bị nặng lòng, tự trách rồi nhụt chí, mai mốt không dám để con ở nhà nên cố ở lại cho đến khi nhà nước có chỉ thị thì bây giờ chị muốn về cũng không được".
Mắm kho và kho quẹt thật mặn chị Phụng dùng để ăn dần suốt cả tháng nay.
Hai tháng nay chị Phụng gần như chẳng có thu nhập nào khác. Cũng may chị được bà chủ ở khu xóm trọ gia giảm tiền nhà, rồi đăng ký xin trợ cấp, xin các túi thức ăn để cầm cự cho hết đợt dịch lần này.
Chị Phụng nói: "Giờ có gì thì chị ăn nấy, hôm nào xin được gạo thì bữa nấu cơm, bữa nấu cháo ăn lót dạ cho đỡ tốn. Hôm nào được mì gói thì chị nấu mì độn với cơm nguội, hoặc cải luộc chấm nước mắm.
Nhắc tới nước mắm chứ bây giờ với chị nó còn quý hơn vàng. Bữa bà chủ nhà cho chị ít tôm khô chị lấy làm nồi kho quẹt ăn suốt 2 tuần lễ. Hoặc hôm nào mấy hội từ thiện cho được ít thịt thì chị cũng bằm ra làm nồi mắm kho ăn gần cả tháng cho đỡ hao."
Hỏi chị có cảm thấy buồn không khi phải một mình ở thành phố khó khăn, bươn chải lại phải xa con thì chị Phụng nói: "Buồn lắm em, tối nào cũng nằm khóc hết. Mà được cái anh không có giận chị nên chị thấy cũng đã an ủi lắm rồi".
Chia sẻ với chuyên gia Tâm lý
Gửi ngay câu hỏi hoặc các vấn đề của bạn vào mùa dịch ngay Tại đây
Đội ngũ Chuyên gia Tâm lý từ MindCare - Viện Tâm Lý và Giáo Dục Việt Nam sẽ lựa chọn những câu hỏi đặc biệt mỗi tuần để trả lời trực tiếp vào thứ sáu hàng tuần trên mục Lifestyle của Afamily.vn và thông qua địa chỉ email.