Ngành F&B điêu đứng trong mùa dịch, Shark Liên vẫn ký kết đầu tư 3,5 tỷ cho startup của chàng ca sĩ tham gia Shark Tank vì lý do gây bất ngờ
Hội đồng thẩm định được Shark Liên uỷ quyền đã thống nhất đầu tư 3,5 tỷ, tương ứng 10% cổ phần Vua Cua, đúng như nội dung Shark Liên cam kết trên sóng Shark Tank mùa 4.
Ngành dịch vụ ăn uống F&B luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam trong nhiều năm nay và mang nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Theo dự báo, ngành F&B tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng từ 5-6% trong giai đoạn 2020 - 2025.
Tuy nhiên, dưới sự tác động của Covid-19, mọi kế hoạch dự tính gần như "phá sản". Đặc biệt, trong giai đoạn nhiều thành phố lớn tại Việt Nam đang phải áp dụng giãn cách, những chỉ số tăng trưởng có nguy cơ thụt lùi về âm.
Không quá khó để nhận ra, ở TP.HCM thời điểm hiện tại, ngành F&B đang lãnh chịu nhiều tổn thất nặng nề. Hàng loạt các chủ quán cà phê, nhà hàng,... lao đao khi nguồn thu offline không còn, trái lại còn phải duy trì chi phí thuê mặt bằng chờ cơ hội sau dịch - thời điểm chưa biết sẽ đến lúc nào.
Nhiều startup trong ngành còn đứng trước nguy cơ phá sản do chưa có đủ tiềm lực để đối mặt với làn sóng Covid-19 tái bùng phát lần thứ 4. Nếu đã có sự chuẩn bị, việc gồng mình bảo vệ "đứa con" khởi nghiệp cũng gặp muôn vàn khó khăn, nhất là khi TP.HCM đang áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16 tăng cường.
Đứng trước tình hình này, kêu gọi đầu tư để bảo toàn, củng cố hoạt động kinh doanh đối với startup gần như là điều bất khả thi. Nhà đầu tư nào cũng muốn đầu tư sinh lời, việc rót tiền vào một startup thuộc ngành F&B ở thời điểm hiện tại mang nhiều rủi ro rất lớn.
Vậy mà đi ngược lại những viễn cảnh có thể nhìn thấy ấy, mới đây, Shark Liên đã quyết định ký kết đầu tư và giải ngân cho startup Vua Cua - startup đầu tiên được "cá mập bà Ngoại" chốt deal thành công khi ngồi ghế nóng Shark Tank Việt Nam mùa 4.
Với định hướng xây dựng chuỗi nhà hàng kinh doanh món cua đặc sản với giá thành phải chăng đến với mọi tầng lớp, Vua Cua đã gặt hái được nhiều thành công nhất định tại thị trường TP.HCM kể từ khi ra đời. Với những thành công và định hướng "khác lạ", tham gia gọi vốn tại Shark Tank mùa 4, Vua Cua ngay lập tức nhận được cái gật đầu của Shark Liên, trở thành startup mở màn đầy ấn tượng.
Đoàn Anh Thư - CEO Vua Cua (trái)
Đáng tiếc, dịch bệnh tái bùng phát nghiêm trọng tại TP.HCM, nhiều người dự đoán, sự hợp tác giữa một startup thuộc ngành F&B như Vua Cua và Shark Liên sẽ chẳng đi về đâu. Đó là lý do, màn ký kết vừa qua đã để lại rất nhiều bất ngờ.
Được biết, ngay sau khi thương vụ được chốt trên sóng Shark Tank, Hội đồng thẩm định thuộc Công ty CP Startup Venture Việt Nam (SVV) – pháp nhân được Shark Liên uỷ quyền thực hiện việc Thẩm định và Khuyến nghị đầu tư đã bắt tay vào các phần việc cụ thể để có thể rót vốn cho Vua Cua theo đúng cam kết.
Sau thời gian 2 tuần xem xét hồ sơ đầy đủ từ Vua Cua, Hội đồng thẩm định đã thống nhất đầu tư 3,5 tỷ, tương ứng 10% cổ phần Vua Cua, đúng như nội dung Shark Liên cam kết trên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 4. Quá trình ký kết và giải ngân đã diễn ra trong vỏn vẹn 2 giờ vào trưa ngày 28/7, bất chấp tình hình Covid-19 đang "tấn công" ngành F&B mạnh mẽ đến mức nào.
Chia sẻ về màn ký kết đầy bất ngờ của mình, Shark Liên tiết lộ lý do cũng bất ngờ không kém. Bà viết trên trang cá nhân facebook như sau:
"Với tôi, giữa vòng vây dịch giã, ngoài đồng bào khó khăn, các startup cũng là đối tượng bị ảnh nghiêm trọng, đặc biệt là các startup thuộc lĩnh vực F&B. Ngay lúc này đây, các bạn thực sự cần một bàn tay nắm lấy, trao truyền cho các bạn hơi ấm và động lực, tiếp sức cho các bạn trong "cuộc chiến" chống lại cơn bão dịch bệnh để bảo vệ con thuyền khởi nghiệp của mình. Luôn xem việc giúp đỡ startups trẻ là sứ mệnh của bản thân, tôi không thể ngồi yên nhìn các bạn đơn độc một mình. Là một "bà đỡ", tôi sẽ "đỡ" cho các bạn bất kể lúc thái bình hay trong hoạn nạn.
Với Vua Cua, tôi nhìn thấy nỗ lực "chống dịch" của đội ngũ điều hành suốt thời gian qua. Cá nhân Đoàn Anh Thư - CEO của Vua Cua cũng là một bạn trẻ thật sự có tầm nhìn, dám bứt phá "chuyển mình" trong dịch bằng cách đẩy mạnh chuyển đổi số, thu gọn chi nhánh, mở rộng kênh bán hàng online cũng như tìm cách đa dạng hoá sản phẩm kinh doanh đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong dịch".