Người mẹ nhẫn tâm sát hại con 11 tháng tuổi với tâm lý “nuôi con là cuộc sống địa ngục” và câu chuyện về bệnh trầm cảm sau sinh đáng thông cảm
Khi việc nuôi con vượt khỏi khả năng chịu đựng của người mẹ, cô đã ra tay sát hại đứa con mà mình vô cùng yêu thương. Ban đầu, hành động này khiến nhiều người lên án, nhưng sau đó họ lại thông cảm và thay cô cầu xin được giúp đỡ.
Đầu năm nay, ở Nhật Bản đã xảy ra một thảm kịch khi người mẹ sinh 3 đã nhẫn tâm sát hại đứa con 11 tháng tuổi. Sau khi tin tức được chia sẻ đã thu hút sự quan tâm lớn của xã hội Nhật Bản, có nhiều người thay người mẹ kia cầu xin sự ân xá.
Chuyện gì đã xảy ra?
Nuôi con là cuộc sống địa ngục
Nhân vật chính được nói đến trong câu chuyện là Matsushita, 30 tuổi. Được biết sau một thời gian dài điều trị vô sinh, cuối cùng Matsushita đã sinh 3 vào đầu năm 2017. Khi 3 đứa trẻ ra đời chẳng may bị thiếu cân, Matsushita nhìn thấy 3 đứa con của mình sống khó khăn từng ngày khiến cô rất đau lòng. Tuy nhiên, những ngày tháng sau đó, việc chăm sóc 3 đứa con đã vượt khỏi khả năng của Matsushita, thậm chí còn ảnh hưởng đến cả tâm lý của người mẹ trẻ.
Cả 3 đứa trẻ mỗi ngày đều ăn sữa 24 lần. Bản thân Matsushita chỉ có thể ngủ mỗi ngày 1 tiếng, có cả 3 đứa trẻ khóc cùng một lúc khiến cô không biết phải xoay sở như thế nào. Về sau này, mỗi lần nghe tiếng khóc của con trẻ là Matsushita cảm thấy đau khổ và tim ngày càng đập nhanh hơn.
Sau khi sinh con, Matsushita muốn trở về nhà ở tỉnh Aichi, nhưng vì bố mẹ bận rộn với công việc làm ăn nên không ai có thể giúp cô. Mấy tháng sau, chồng Matsushita cũng nộp đơn xin nghỉ thai sản nửa năm cùng cô chăm sóc con. Ngỡ rằng chuyện nuôi con có thể dễ dàng hơn một chút thì vợ chồng cùng đồng lòng, nhưng không ngờ chồng Matsushita không thể làm bất cứ việc gì, thay tã cũng không xong, cứ bế con là chúng sẽ khóc, đến cuối cùng Matsushita cũng tự mình gánh vác, không cần dựa vào chồng nữa.
Matsushita cũng rất có nghị lực khi tự mình tham khảo ý kiến của những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trẻ em. Có người đề nghị cô có thể giao con cho Trung tâm hỗ trợ gia đình, nhưng không thể một lần gửi cả 3 đứa nên cô đành bỏ cuộc. Có thể nói, trong 3 đứa trẻ, đứa con thứ tên Ayato khiến cô đau đầu nhất.
So với hai đứa trẻ kia, sự phát triển của Ayato chậm chạp hơn, bé thường bú nhưng rồi lại phun ra, hơn nữa mỗi lần đụng vào thì bé sẽ khóc. Dần dần, việc chăm sóc con vượt qua giới hạn của Matsushita, nhưng cô vẫn cố gắng gồng gánh mỗi ngày. Vài tháng sau, chồng cô trở lại làm việc sau kỳ nghỉ thai sản, việc nuôi dạy con lúc này lại càng trở thành gánh nặng của Matsushita hơn.
Cô ấy ôm con dậy và sau đó…
Sự việc xảy ra vào nửa đêm, tính đến thời điểm đó Matsushita đã tự mình chống chọi với cảnh nuôi con khoảng 11 tháng. Matsushita vừa tiễn chồng đi làm vào ban đêm, khi quay lại đã nghe tiếng khóc của Ayato. Đột nhiên lúc này, Matsushita nhận ra tim mình đập nhanh hơn bình thường, cứ mỗi một giây trôi qua lại càng đập mạnh hơn. Cô ngồi sụp xuống như thường lệ để bình tình nhưng vô ích.
Trong lúc không kiềm chế được, cô đã ném Ayato xuống sàn nhà và đứa trẻ lại khóc nhiều hơn. Một lúc sau, Matsushita quyết định bế đứa trẻ và đập xuống sàn nhiều hơn, cuối cùng Ayato đã nín khóc. Tâm trạng của Matsushita lúc này cũng thoải mái hơn một chút.
Cô vội vàng gọi cho 119 đến cấp cứu, trong suốt 9 phút khi xe đang trên đường tới, Matsushita ôm con vào lòng và tự xoa bóp tim. Ayato được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng hoàn toàn không có ý thức. Hai tuần sau, đứa bé qua đời.
Matsushita đã thú nhận hành động của mình với cảnh sát. Trong phiên tòa xét xử, cô trải lòng: “Tôi rất yêu Ayato, thằng bé chính là đứa con yêu dấu của tôi, đó là sự thật không thể thay đổi được. Tôi đã hủy hoại một đứa bé mà nó chẳng mắc lỗi lầm nào, thật không đáng tha thứ”
Ngày 26/3, tòa án tuyên bố tại thời điểm xảy ra sự việc Matsushita đang trong tình trạng trầm cảm nghiêm trọng sau khi sinh. Tuy nhiên, hành động của Matsushita vẫn phải chịu hình phạt của pháp luật, cô bị kết án 3 năm 6 tháng tù giam vì tội giết người.
“Xin đừng tin vào thần thoại mẫu tử”
“Tôi có thể làm điều tương tự như Matsushita”
Trong toàn bộ quá trình xét xử vụ án này, thái độ của người dân Nhật Bản rất đáng chú ý.
Khi sự việc được báo cáo, dư luận vô cùng tức giận, ai nấy cũng đòi hình phạt thích đáng với “ác mẫu” Matsushita. Nhưng khi các chi tiết của vụ án dần được tiết lộ, dư luận bắt đầu lội ngược dòng ban đầu, một số người cho rằng: “Đọc tin tức mà không thể cầm được lòng. Chăm sóc một đứa trẻ đã khó khăn, còn đằng này việc nuôi 3 đứa hoàn toàn vượt ngoài sự tưởng tượng của tôi. Người cha đang làm gì vậy? Đáng lý ra người mẹ không cần phải chịu hình phạt như thế mà là cần sự hỗ trợ hơn”,...
Cũng có người trải lòng: “Tôi đã nhận được sự giúp đỡ của chồng và mẹ ruột sau khi sinh. Mặc dù chỉ có một đứa con, nhưng tôi gần như bị giết chết bởi sự cô đơn và mệt mỏi. Xin đừng tin vào huyền thoại về tình mẫu tử. Vì những đứa trẻ sắp chào đời, xin hãy ủng hộ tinh thần các bà mẹ”.
Có một nhóm người đã kêu gọi đưa ra chiến dịch thu thập chữ ký trên mạng xã hội để giảm nhẹ hình phạt với Matsushita. Một người mẹ trong nhóm này tên Naoshima Mika, sống ở Osaka, người cũng sinh 3 đã đồng cảm với Matsushita và chia sẻ rằng: “Việc này không chỉ riêng Matsushita trải qua. Mọi người sẽ không thể tưởng tượng được việc cực khổ khi chăm sóc những đứa trẻ là như thế nào. Nếu như bạn không nhận được sự giúp đỡ từ người khác thì hành động này có thể xảy ra với bất cứ ai”. Ngoài ra, Naoshima cũng nói thêm, vì chăm sóc 3 đứa trẻ mà cô có thời gian cô chưa biết tắm gội là gì.
Cô nói rằng, sau khi xuất viện mỗi bà mẹ có những tâm trạng khác nhau. Có người hoàn toàn mất đi cảm giác “trẻ con dễ thương quá”. Mở mắt là con khóc, rồi ôm chúng, rồi cho ăn đúng giờ, thay tã, cùng những việc khác, người mẹ cứ thế như một con robot không hơn không kém. Khi được hỏi giai đoạn nào là khó khăn nhất, Naoshima thẳng thừng trả lời “11 tháng”. Và đây là thời điểm mà Matsushita ra tay với con mình. “Đó chỉ là sai lầm, tôi hiểu, tôi cũng có thể làm điều tương tự như cô ấy”, Naoshima nói thêm.
Hiện tại có 30.000 người tham gia vào sự kiện ký tên này.
Trầm cảm sau khi sinh không phải là một cảm giác
Có nhiều bi kịch được gây ra bởi những người mẹ bị trầm cảm sau khi sinh ở Trung Quốc. Chỉ cần lục lại tin tức vào những tháng đầu năm nay thì sẽ thấy được. Tháng 2/2019, có một bà mẹ trẻ 28 tuổi đến từ Hàng Châu, sau khi cho con bú sữa lần cuối cùng đã nhảy lầu tự vẫn.
Bốn ngày sau, một bà mẹ bị trầm cảm ở Quảng Tây sau khi cãi nhau với chồng, đã ném con từ tầng 31 rồi tự nhảy xuống. Tháng 7/2018, một bà mẹ trẻ từ Tuyền Châu được phát hiện khi ngồi trên lan can bên ngoài cửa sổ nhưng sau đó được cứu sống, hỏi ra mới biết cô cũng bị trầm cảm sau khi sinh.
Những người nổi tiếng với điều kiện vật chất tốt hơn cũng không ngoại lệ.
Cựu hoa hậu Hong Kong kiêm diễn viên nổi tiếng Viên Vịnh Nghi đã tiết lộ trong một chương trình trước đây rằng, cô thường muốn khóc vì một số sự cố nhỏ chỉ là tâm trạng không được ổn định sau khi sinh. Vì lý do này mà suýt chút nữa cô và chồng Trương Trí Lâm đã ly hôn.
Theo thống kê, cứ 10 phụ nữ sau khi sinh thì sẽ có ít nhất một người bị trầm cảm. Các nguyên nhân gây ra trầm cảm sau khi sinh được chia thành các khía cạnh thể chất và vật lý khác nhau. Về mặt sinh lý chủ yếu là do thay đổi nội tiết tố sau khi sinh, về mặt tâm lý đó là do tác động của việc thay đổi cuộc sống sau khi sinh đối với người mẹ.
Những người có tâm lý yếu thường sẽ bị mất tập trung, mệt mỏi, xuất hiện suy nghĩ tự tử và luôn muốn làm việc đó. Để ngăn thảm kịch xảy ra, bạn phải nhận ra rằng, trầm cảm sau khi sinh không phải là bệnh lập dị đối với sản phụ. Như Naoshima đã nói, chỉ cần một mất mát nhỏ, thì điều này cũng có thể xảy ra trong bất kỳ gia đình nào. Sau tất cả, những người mẹ này cần phải được thông cảm, thấu hiểu và hỗ trợ.
(Nguồn: Zhihu)