Người mẹ nghỉ hưu thỏa sức tận hưởng cuộc sống an nhàn, câu nói của con trai gây cắn rứt lương tâm
Tôi đã hiểu ra, trước đây con trai cứ im lặng hẳn là đang nhẫn nhịn. “Một bà mẹ phải tệ đến mức nào khi ngay cả đứa con mình mang nặng đẻ đau cũng không thể hiểu nổi?”.
*Câu chuyện dưới đây được chia sẻ trên Zhihu (nền tảng hỏi đáp và tâm sự).
Bà Diêu, 58 tuổi, chia sẻ lương hưu hàng tháng gần chục triệu đồng. Với số tiền này, bà không thể tiêu hết một mình, hầu như tháng nào cũng đi du lịch, cuộc sống trôi qua rất vui vẻ, đủ đầy.
Thế nhưng, cách đây không lâu, bà gặp vấn đề không thể tự giải quyết nên đã nhờ con trai giúp đỡ. Thế nhưng anh từ chối với nguyên nhân “vì những chuyện mẹ làm trước đây, con không thể giúp mẹ”.
Lời này của con trai khiến bà Diêu ý thức được mình đã phạm sai lầm, hối hận không thôi.
Bà Diêu kể:
Ông nhà tôi đã mất được vài năm. Khi còn trẻ, chúng tôi đã trải qua rất nhiều khổ cực. Ông nhà là nhân viên đường sắt, vắng nhà nửa tháng liền là chuyện thường xuyên, một mình tôi ở nhà vừa làm vừa chăm sóc con trai.
Tôi là y tá, công việc bận rộn đến nỗi ngay cả thời gian uống nước cũng không có. Khi đó, chúng tôi không có thời gian để giải trí ngoài làm việc và chăm sóc con. Chúng tôi luôn khát khao nghỉ hưu càng sớm càng tốt để tận hưởng cuộc sống thoải mái hơn.
Chúng tôi có một đứa con trai, thằng bé học rất giỏi và hiểu chuyện. Tốt nghiệp đại học, con làm việc trong một công ty khá lớn ở vị trí giám sát viên. Con trai có tương lai như thế nên chúng tôi không cần lo lắng gì cả.
Sau khi nghỉ hưu, chúng tôi đã đi du lịch rất nhiều để bù lại thời gian cực khổ lúc trẻ. Lương hưu của hai vợ chồng đủ để chúng tôi sống thoải mái.
Với tư tưởng phải tận hưởng để “trả thù” khoảng thời gian làm việc vất vả trước đó, chúng tôi đã tiêu hết tiền lương hưu mỗi tháng, hầu như không có tiết kiệm. Một phần vì chúng tôi cho rằng bản thân chẳng còn sống được bao lâu nên không cần phải lo nghĩ quá nhiều đến chuyện tương lai.
Khi con trai kết hôn, chúng tôi không có tiền mua nhà cho hai con. Tôi nói với con rằng bố mẹ đã làm hết trách nhiệm khi lo cho con ăn học đến lúc tốt nghiệp, nhà cửa sau này là trách nhiệm của con.
Con trai nghe vậy không nói gì thêm. Sau một thời gian, con nói rằng đã mua được một căn hộ, được nhà vợ hỗ trợ một phần, một phần thì hai vợ chồng tự chi, số còn lại thanh toán bằng thẻ tín dụng.
Tôi còn nhớ, khi đó tôi đã nói: “Vậy thì tốt rồi! Con trai mình giỏi như thế thì cần gì bố mẹ giúp đỡ”. Con trai chỉ cười mà không nói gì.
Bản thân tôi luôn cảm thấy may mắn vì có được đứa con trai đáng “đồng tiền bát gạo” vì không để bố mẹ lo lắng bất cứ chuyện gì, không như con cái của những người bạn của tôi.
Cháu trai ra đời, con nhờ tôi đến trông con giúp vì hai vợ chồng trẻ không biết cách chăm sóc trẻ nhỏ, hơn nữa còn bận bịu công việc. Thế nhưng tôi đã từ chối vì phải đi du lịch cùng những người bạn già. Viện lý do có ông bà sui nên tôi đã không đồng ý.
Quả thật nuôi con nhỏ không bao giờ là chuyện dễ dàng. Có một hôm, sau khi nhờ vả nhiều lần mà tôi vẫn từ chối, con dâu đã bực tức lớn tiếng với tôi: “Mẹ xem có bà nội nào như mẹ không? Bà nội người ta tranh nhau bế cháu, còn mẹ ngay cả gặp mặt nhìn cháu cũng hiếm hoi”.
Tôi phản bác con dâu: “Mẹ nói cho con biết, năm đó lúc mang thai chồng con, mẹ chồng của mẹ cũng không hề phụ giúp, mà mẹ vẫn sinh ra chồng con khỏe mạnh. Vậy tại sao đến lượt con lại khó khăn đến thế?”.
Mãi đến ngày cháu đầy tháng, tôi mới đến nhà thăm cháu. Tôi và ông nhà biết được con trai và con dâu đang giận tôi. Chúng không hào hứng đón tiếp cũng như mặn mà nói chuyện với tôi. Tuy nhiên, tôi không hề bận tâm vì cho rằng cuộc sống hiện tại đang rất tốt, con cái cũng đã trưởng thành, có cuộc sống riêng.
Song cuộc đời này đầy rẫy những chuyện không như ý. Ông nhà 63 tuổi đã qua đời trong một cơn đột quỵ. Thời gian sau đó, tôi ở nhà một mình, cảm thấy cuộc sống nhàm chán vô cùng.
Để giải tỏa cảm giác cô đơn, tôi càng đi du lịch nhiều hơn. Chỉ khi hòa mình vào đám đông náo nhiệt, tôi mới quên đi sự cô đơn và vui vẻ. Thế nhưng, một tai nạn bất ngờ đã phá vỡ hoàn toàn cuộc sống tận hưởng tuổi già thoải mái của tôi. Trong một lần leo núi, tôi vô tình té ngã gãy chân.
Nằm trên giường bệnh, mối quan tâm lớn nhất của tôi là vấn đề tài chính, cộng với nỗi lo đồ đạc bị thất lạc hoặc bị đánh cắp do một thân một mình nhập viện ở nơi xa. Lúc này, ta mới hiểu sâu sắc được tầm quan trọng của người thân. Nếu con trai ở bên cạnh, tôi có thể yên tâm chợp mắt nghỉ ngơi.
Cuối cùng cũng được xuất viện, tôi chống nạng lên máy bay về quê. Ngay sau khi xuống máy bay, tôi đã gọi cho con trai đến đón nhưng con chỉ nói “Mẹ tự bắt taxi về được mà”, sau đó liền cúp máy.
Sự thờ ơ của con trai khiến tôi tức giận. Tôi gọi lại, lớn tiếng mắng con không có lương tâm, uổng công tôi nuôi nấng con khôn lớn, để giờ đây bất hiếu.
Con trai lạnh lùng nói: "Vậy khi mẹ đi du lịch đó đây, mẹ có bao giờ nghĩ đến con không? Bây giờ gặp khó khăn, mẹ mới nghĩ đến con. Nhưng khi con gặp khó khăn, mẹ có chịu dang tay giúp đỡ không? Chắc là mẹ không biết, công việc bấp bênh, còn phải đóng tiền nhà, tiền sữa cho con, con phải chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm, thời gian đâu đến đón mẹ".
Sau đó tôi mới biết, con dâu phải tạm nghỉ việc để ở nhà chăm sóc con nhỏ, kinh tế đè nặng lên vai con trai. Những lời của con khiến tôi vỡ lẽ. Tôi rất muốn giúp con, nhưng không có tiền để chi ra, lực bất tòng tâm.
Cái chân bị thương vẫn đang trong giai đoạn phục hồi và tôi không thể tự chăm sóc bản thân. Tôi phải trả tiền thuê một bảo mẫu đến nhà. Tôi còn định mượn con trai chút tiền, thế nhưng với tình hình hiện tại chắc chắn không thể.
Tôi đã hiểu ra, trước đây con trai cứ im lặng hẳn là đang nhẫn nhịn. “Một bà mẹ phải tệ đến mức nào khi ngay cả đứa con mình mang nặng đẻ đau cũng không thể hiểu nổi?”.
Tôi hứa với bản thân sau khi cái chân lành lặn, tôi sẽ không đi du lịch nữa, trải nghiệm bao nhiêu đó xem như đã đủ cho cuộc đời này. Tôi phải sửa sai, hàn gắn với các con, để sau này ra đi không phải hối hận.