Người hài hước nơi công sở luôn được đánh giá cao, nhưng dễ thành vô duyên vì những điều tối kị này
Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ, tuy nhiên, uống thuốc bổ nhiều quá cũng không thật sự tốt. Chị em công sở đã nhớ hay chưa?
Người hài hước dễ nhận được sự yêu thương và mến mộ của những người xung quanh do luôn biết cách tạo ra không khí vui vẻ tích cực cho những nơi mà mình đặt chân đến. Và ở một môi trường như văn phòng, nơi áp lực công việc luôn chực chờ đè nặng lên vai của mỗi thành viên, sẽ thật tuyệt vời nếu tồn tại một cá nhân sở hữu nét tính cách hài hước, biết pha trò, tạo nên sự vui tươi, hứng khởi giúp không khí văn phòng giảm bớt căng thẳng, tăng thêm tính thoải mái.
Vui thôi, đừng vui quá!
Tuy nhiên, phàm mọi thứ trên đời đều tồn tại hai mặt đối nghịch và sự quá mức chưa bao giờ là một điều gì đó tích cực cả. Bỡn cợt, "quăng miếng" một cách quá lố hoặc kém duyên có thể dẫn đến những kết quả không như mong muốn. Các nhà nghiên cứu Bradford Bitterly, Alison Brooks và Maurice Schweitzer cũng khẳng định, những lời đùa cợt có thể là con dao hai lưỡi và chúng ta cần phải biết cách sử dụng thật khéo léo để tránh mang lại những hậu quả tiêu cực.
Cụ thể hơn về vấn đề này, Bradford Bitterly và các đồng sự của mình đã thực hiện nhiều nghiên cứu khác nhau để tìm hiểu xem liệu việc pha trò ở nơi làm việc có khiến người ta trở nên thành công hơn hay không.
Nghiên cứu này được chia thành 3 phần; ở nghiên cứu đầu tiên, các tình nguyện viên đã cho rằng, những người hay tỏ ra hài hước trong các sự kiện chung của công ty thường là những người có địa vị cao, tự tin và giỏi giang. Trong nghiên cứu thứ 2, các tình nguyện cho biết những người hay "quăng miếng" khi trả lời các câu hỏi thường là người tự tin và có địa vị cao, bất chấp những câu bông đùa đó có hài hước hay không.
Cuối cùng, trong nghiên cứu thứ 3, các tình nguyện viên đánh giá những người hay pha trò thường tự tin hơn so với những người không tỏ ra hài hước, kể cả khi những lần pha trò đó không thành công hoặc thậm chí có vẻ khiếm nhã. Tuy nhiên, họ lại cho rằng những người hay có kiểu đùa vui khiếm nhã thường là những cá nhân có năng lực kém, thậm chí là có địa vị thấp.
Thông qua nghiên cứu trên, chúng ta nhận thấy được rằng, những con người hài hước luôn tạo được ấn tượng, đôi khi là cả thiện cảm cho những người xung quanh dù tình huống "quăng miếng" có thành công hay không. Bên cạnh đó, nếu muốn được người đối diện nhìn nhận năng lực cũng như địa vị bản thân thông qua cách chúng ta pha trò và tỏ ra hài hước; nhất định, chị em công sở phải khéo léo, tinh tế và tuyệt đối đúng mực, đừng quá trớn. Để có thể đảm bảo những "miếng" mà mình quăng ra luôn thành công cũng như nhận về một tràng cười thả ga từ phía đồng nghiệp và cấp trên, chị em công sở cần lưu tâm một số điểm sau đây:
Những nguyên tắc cần lưu tâm
Việc gì cũng cần có sự luyện tập và thử nghiệm nhiều lần mới có thể đạt được kết quả như mong đợi. Do đó, trong những dịp quan trọng, nếu định làm mọi người có một tràng cười khó quên bằng "chiếc miếng" bén lẹm, chị em cần rèn luyện thật kỹ càng trước. Rất dễ dàng thôi, hãy dùng nó với người thân cũng như bạn bè của mình.
Đồng ý là mỗi người sẽ một cảm nhận, tuy nhiên, nếu đa phần câu những câu bông đùa của chúng ta không mang lại kết quả tích cực đối với những người bên cạnh thì tốt nhất đừng mang chúng ta trước đám đông, bởi hậu quả là rất kinh khủng.
Đa phần mọi người cảm thấy được sự hài hước trong một câu nói là do họ hiểu nó và họ biết được rằng câu nói đó hài hước ở điểm gì. Do đó, những câu bông đùa muốn mang lại hiệu quả tối ưu cần dễ hiểu. Và khi mọi người có thể hiểu câu đùa một cách dễ dàng thì dù nó chẳng mấy vui, chị em vẫn sẽ được đánh giá cao. Hơn nữa, nếu một câu nói đùa dễ hiểu và mạch lạc, chúng ta sẽ không phải chịu rủi ro khi lỡ xúc phạm một ai đó, nhất là về các khía cạnh văn hóa.
Cũng tương tự như việc dễ hiểu, hãy chọn những câu nói đùa trung tính, đơn giản bởi nghiên cứu đã chỉ ra, những câu đùa càng phức tạp thì những người lắng nghe càng ít cười. Trong một số tình huống, chúng ta cũng có thể tỏ ra "nguy hiểm" một chút để tăng sự kịch tính cho câu chuyện và thông điệp mà bản thân mình muốn truyền tải.
Khi chúng ta hạn chế đùa cợt thì chẳng ảnh hưởng gì đến ai cả, có chăng mọi người sẽ buồn một chút thôi, nhưng mọi chuyện rồi cũng sẽ qua. Còn khi chúng ta cứ mãi miết bông đùa mà lại vô tâm vô tư và kém duyên thì sẽ mang lại những hậu quả còn lớn hơn gấp bội. Do đó, nếu cảm thấy bản thân đủ chín chắn và tinh tế để hài hước một cách duyên dáng và chín muồi thì hãy làm, còn không thì đừng thử một cách vô tội vạ.