Người Hà Nội hối hả mua thực phẩm dự trữ, gia cố nhà cửa trước giờ bão số 3 đổ bộ

Lê Bảo,
Chia sẻ

Lo ngại bão Thần Sấm sẽ ảnh hưởng nặng nề như cơn bão số 1 vừa qua, chiều ngày 18/8 nhiều người Hà Nội đã hối hả mua rau, thịt cá để dự trữ. Trong khi đó, nhiều chung cư, nhà dân lại tìm cách gia cố lại nhà cửa.

Rau cỏ, thịt cá đắt như tôm tươi

Theo ghi nhận của chúng tôi vào chiều ngày 18/8 tại nhiều chợ thuộc các quận như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Trì, người dân ồ ạt kéo đến để mua thực phẩm dự trữ khi nghe tin bão số 3 bắt đầu ảnh hưởng và sẽ đổ bộ vào đất liền vào ngày 19/8.

Theo đó, các mặt hàng người dân quan tâm chủ yếu vẫn là rau xanh, thịt lợn, cá biển, cá nước ngọt… Các mặt hàng trên vào chiều ngày 18/8 không có dấu hiệu tăng mà vẫn giữ giá như thường lệ. Trao đổi với chúng tôi, chị Minh Hạnh – một tiểu thương tại chợ Trung Kính (Cầu Giấy) cho biết: “Thực ra sau mưa bão giá rau củ mới tăng tùy theo độ khan hiếm chứ trước bão người dân mua dự trữ thì không bị tăng lên”.

mưa bão
Người dân hối hả mua thực phẩm chiều ngày 18/8 trước bão Thần Sấm đổ bộ.

Chị Hà trú tại Yên Hòa (Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết: “Thực ra mưa bão cũng chỉ ảnh hưởng ít thôi chứ không như ngày trước, giờ ở đâu cũng có thể mua được thực phẩm thế nhưng vì ngại đi mua ngày mưa bão nên hôm nay đáng nhẽ mua 5 lạng sườn thì mua thêm 1kg bỏ tủ lạnh ăn trong 1-2 ngày tới. Tương tự như thịt thì các mặt hàng khác như rau, củ quả cũng mua tăng thêm chút ít”.

mưa bão
Nhu cầu mua thực phẩm chiều ngày 18 tăng mạnh nhưng không khan hàng.

Tại chợ xép Đại Thanh (KĐT Đại Thanh – Thanh Trì) nhiều cư dân cũng đã nhanh chóng xuống dưới sảnh để mua thực phẩm với lý do tránh thực phẩm khan hiếm trong một vài ngày tới.

Nói về điều này, anh Hưng – một cư dân cho biết: “Thực phẩm giờ thì mua ở đâu cũng được, các cửa hàng tiện ích mọc lên như nấm, chợ cóc, chợ chung cư hay siêu thị cũng nhiều. Nhưng dù sao ai cũng muốn chắc ăn trong vài ngày mưa bão nên vẫn muốn mua thêm thực phẩm”.

Nhiều tiểu thương cũng đã nắm được tình hình mưa bão nên khi lấy hàng từ các chợ đầu mối cũng đã tính toán việc lấy thêm. Chị Biền – một tiểu thương cho hay: “Rau củ mùa này thì rẻ, hơn nữa khi tôi nghe ngóng tình hình mưa bão nên đã chủ động lấy thêm hàng để phục vụ nhu cầu người dân”.

mưa bão
Các mặt hàng thịt cá cũng không có dấu hiệu tăng.

Các mặt hàng thực phẩm chiều tối ngày 18/8 không có nhiều biến động, theo đó thịt ba chỉ giá 90 nghìn đồng/kg; thịt nạc thăn giá 100 nghìn đồng/kg; cá rô phi loại to 55 nghìn đồng/kg… rau muống giá 6 nghìn đồng/ mớ; mồng tơi 5 nghìn đồng/mớ…

Tính đến chiều tối cùng ngày hầu hết các tiểu thương cũng gần như hết hàng. Dự kiến sáng ngày 19/8 lượng thực phẩm bán ra sẽ cao hơn thường lệ nhiều lần.

Mua đất làm đê “chắn lũ”, gia cố nhà cửa…

Ghi nhận nhanh của chúng tôi vào chiều tối ngày 18/8 tại nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội người dân đã và đang có những động thái, biện pháp để đối phó với bão Thần Sấm.

Cụ thể, tại tòa chung cư thuộc KĐT Dịch Vọng một số công nhân tiến hành cắt tỉa, chặt cây bị sâu mọt để tránh việc khi mưa bão đổ bộ vào đất liền gây ảnh hưởng đến người dân cũng như các công trình phụ trợ. 

mưa bão
Cắt tỉa, chặt cây bị sâu mọt tránh đổ gãy gây ảnh hưởng đến cư dân khi bão đổ bộ vào.

Trao đổi với chúng tôi, anh Vinh – một công nhân cho biết: “Lo sợ bão đổ bộ vào cây sẽ đổ gãy và uy hiếp đến an toàn của người dân nên chiều nay đã tiến hành chặt bỏ ngọn để đảm bảo an toàn”.

Trong khi đó nhiều tòa nhà chung cư cao tầng lo sợ nước có thể ngập vào hầm bất cứ lúc nào nên đã chủ động mua hàng chục bao đất, cát để làm “đê” chắn nước có thể chui vào hầm. Những bao cát, bao đất được đặt trước cửa hầm nếu trường hợp có mưa lớn, nước ngập sẽ tiến hành đắp lên cửa hầm tránh những thiệt hại không đáng có đối với cư dân.

mưa bão
Mua đất, cát đóng bao làm "đê" phòng tránh nước ngập tràn vào hầm chung cư.

Tại khu đô thị Nam Trung Yên (Cầu Giấy) nhiều tiểu thương bán hàng tạp hóa, nước giải khát cũng đã tranh thủ nghỉ việc sớm để chằng chống lại quầy hàng của mình bằng bạt, nilon và dây chun khá chắc chắn.

mưa bão
Các đơn vị thoát nước sẵn sàng túc trực.

mưa bão
Trong khuôn viên chung cư, người dân chằng buộc tài sản khá cẩn thận.

Đối với một số gia đình sinh sống tại chung cư cao tầng lần cơn bão số 1 đổ bộ bị ảnh hưởng bởi kính vỡ thì cũng gấp rút tiến hành lắp kính hay gia cố cửa để đảm bảo an toàn.

Toàn địa bàn các phường, quận ở TP. Hà Nội từ 16 giờ chiều đồng loạt phát đi thông báo ứng phó với mưa bão khá gấp rút để toàn thể nhân dân được biết.

Ngày 18/8, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1478/CĐ-TTg về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 năm 2016. Công điện nêu rõ, bão số 3 với sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10 đến cấp 12 vẫn đang tiếp tục di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ và hướng về đất liền nước ta.

Theo dự báo, sau khi vào Vịnh Bắc Bộ bão sẽ tiếp tục mạnh thêm, di chuyển nhanh và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển nước ta vào trưa, chiều 19/8. Do ảnh hưởng của bão, từ chiều tối 18/8, ở Vịnh Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 đến cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9 đến 10, giật cấp 12 đến cấp 14, biển động rất mạnh. 

Từ sáng 19/8, hoàn lưu bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh), sức gió gần vùng tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 12, cấp 14. Những ngày tới có khả năng xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa từ 200-300mm, có nơi trên 500mm và lũ trên hệ thống sông tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, nhất là tại các những nơi đã bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua.
Chia sẻ