Người gửi tiền nên làm gì khi lãi suất giảm?
Lãi suất tiết kiệm ngân hàng liên tục giảm gần đây khiến nhiều người băn khoăn không biết nên làm gì.
Nhiều người vốn coi gửi tiền vào ngân hàng là giải pháp an toàn, tiết kiệm và sinh lời. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất tiền gửi liên tục giảm, xuống tới mức thấp chưa từng có, các chuyên gia về tài chính cá nhân đưa ra nhiều khuyến nghị.
Trả lời VTC News về vấn đề này, Th.S Ngô Thành Huấn, Giám đốc khối Tài chính Cá nhân, Công ty CP FIDT phân tích, lãi suất huy động tại các ngân hàng ở thời điểm hiện tại cơ bản là đã chạm đáy, “khó có thể thấp hơn được nữa" .
Ông dự báo giai đoạn đầu năm 2024, lãi suất huy động có thể tăng nhẹ nhưng không đáng kể. Do đó, kênh tiền nhàn rỗi sẽ đóng vai trò là một kênh bước đệm để giúp việc đầu tư cá nhân có tính tăng trưởng trong dài hạn.
"Lãi suất tiết kiệm hiện đã không còn hấp dẫn, tuy nhiên, một phần tỷ trọng vẫn nên để vào lớp tài sản này để danh mục của bạn cân bằng về thanh khoản và tối ưu về rủi ro" , chuyên gia tư vấn.
Theo ông, ở thời điểm hiện tại, người gửi tiền (nhà đầu tư) có thể tìm hiểu, quan tâm đến thị trường chứng khoán và bất động sản. “Quan điểm cá nhân của tôi, thị trường chứng khoán sẽ phục hồi trước bất động sản" , ông nói.
Về chứng khoán, theo ông Huấn, đang ở vùng giá có thể tích lũy về trung hạn. Nếu chúng ta tin rằng kinh tế sẽ phục hồi thì thị trường chứng khoán sẽ phục hồi trước nhất. Từ đầu năm, thị trường có mức định giá rẻ so với lịch sử. "Việc đầu tư vào thị trường ở thời điểm này sẽ phải chấp nhận các rủi ro trong ngắn hạn nhưng về mặt dài hạn, thị trường vẫn còn hấp dẫn" , ông Huấn giải thích.
Với bất động sản, thị trường đang khó khăn, cộng thêm các yếu tố cộng hưởng như lãi suất cho vay vẫn còn cao, tính thanh khoản đang kém dẫn đến áp lực cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, quý 1, 2 năm sau, sau sự phục hồi của thị trường chứng khoán, bất động sản sẽ hồi phục.
Đây là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư tìm hiểu về hai thị trường tiềm năng kể trên. Tuy nhiên, còn phụ thuộc vào năng lực tài chính cá nhân. Nếu chỉ có dưới 1 tỷ đồng, cơ hội đầu tư vào bất động sản sẽ hạn chế.
Đồng quan điểm, ông Đặng Trần Phục - Chủ tịch HĐQT HĐQT CTCP AZfin Việt Nam cho rằng, khi lãi suất huy động của các ngân hàng giảm mạnh thì thị trường chứng khoán thường đón dòng tiền đổ vào.
Dòng tiền quay trở lại thị trường chứng khoán với thanh khoản tăng mạnh trong 2 quý vừa qua và số lượng tài khoản chứng khoán mở mới đã tăng trên mức 100.000 tài khoản/tháng từ tháng 5.
“ Kênh chứng khoán sẽ thu hút và nhận được sự quan tâm của dòng tiền tiết kiệm đến hạn. Chứng khoán đang là kênh đầu tư triển vọng và đang trong giai đoạn rất tốt để tích lũy tài sản cho tầm nhìn trung hạn vài năm tới, dựa trên việc định giá của thị trường đã về mức tương đối rẻ ”, ông Phục nói.
Về kênh đầu tư vàng, Th.S Ngô Thành Huấn khuyến cáo người dân chỉ nên đầu tư ở mức độ đa dạng nguồn thu và tăng thêm mức độ quản trị rủi ro. Cá nhân chỉ nên dự trữ tối đa 15% vàng trong tổng tài sản của mình chứ không nên nhiều hơn.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng tư vấn: “Người mua vàng nên cảnh giác khi giá vàng trong nước diễn biến tăng liên tục không hoàn toàn cùng nhịp với giá vàng thế giới. Về lâu dài, giá vàng trong nước cũng sẽ biến động tăng giảm theo giá thế giới, nên việc đảo chiều là hoàn toàn có thể xảy ra” .
Trong khi đó, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, giá vàng tăng như thế không có nghĩa là sẽ tăng đều từ nay đến cuối năm. “ Điều quan trọng là không bao giờ được phép vay tiền của người khác đề đầu tư vào vàng. Nếu giá vàng giảm trái với dự tính, thì người mua vàng sẽ gặp rắc rối lớn về tài chính. Nếu có khả năng tài chính muốn đầu tư vàng vào giai đoạn này thì chỉ nên đầu tư 1/3 số tiền tiết kiệm của mình chứ không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ" , TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Trên thực tế hiện nay, không ít người vẫn quyết định giữ quan điểm gửi tiền ngân hàng dù biết sẽ nhận lãi thấp hơn. Bởi họ có quan điểm rằng dù lãi suất thấp gửi ngân hàng vẫn tạo sự yên tâm trong bối cảnh các kênh đầu tư đang rất bấp bênh.
Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê, giải thích, ở trong trạng thái nền kinh tế bình thường thì các nhà đầu tư không chỉ sử dụng vốn tự có để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, mà họ còn mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư, bởi khi đó thị trường hàng hoá được tiêu thụ khá tốt.
Còn trong nền kinh tế nhiều khó khăn, thách thức thì các nhà kinh tế, các doanh nghiệp và người dân không dại gì đầu tư vào sản xuất, bởi đã đầu tư vào sản xuất thì phải bán được hàng.
Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp không vay vốn ngân hàng, điều này thể hiện rõ ràng trong việc tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng của thị trường trong 11 tháng qua rất thấp. Trong khi không vay vốn sản xuất, thì đa phần có dòng tiền đã gửi tiền vào tiết kiệm vì tính an toàn, chắc chắn.
“ Bất động sản cũng khó khăn, chứng khoán thì bấp bênh, mua vàng thì rủi ro cao, nhất là tại thời điểm giá vàng cao, người dân nếu đổ tiền mua vàng, khi vàng giảm không theo dõi để bán kịp thì sẽ lỗ vốn ”, TS Nguyễn Bích Lâm nói.
Các chuyên gia cũng đưa ra danh sách đề xuất một số việc cần quan tâm trong bối cảnh lãi suất giảm như sau:
1. Tìm hiểu và so sánh lãi suất: Kiểm tra các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác nhau để tìm hiểu xem có bất kỳ lựa chọn nào có lãi suất cao hơn không. Các tổ chức này có thể có thể có các sản phẩm tiết kiệm hoặc đầu tư khác mà bạn có thể quan tâm.
2. Xem xét lại kỳ hạn tiết kiệm: Nếu bạn đang gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn, hãy xem xét lại điều khoản và điều kiện để đảm bảo rằng lựa chọn của bạn vẫn là lựa chọn hợp lý nhất. Bạn cũng có thể xem xét các tùy chọn gửi tiết kiệm mang tính linh hoạt hơn.
3. Đầu tư: Nếu bạn có kế hoạch để tiền trong thời gian dài, có thể xem xét các cơ hội đầu tư như chứng khoán, quỹ đầu tư hoặc bất động sản. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các đầu tư đều đi kèm với mức độ rủi ro và bạn cần tìm hiểu thật kỹ mỗi lĩnh vực đầu tư trước khi quyết định chi tiền.
4. Học cách tái cân bằng danh mục: Nếu bạn đã đầu tư, hãy xem xét lại danh mục đầu tư của mình và xem xét liệu có cần phải điều chỉnh các hạng mục, bao gồm cả các khoản tiền gửi tiết kiệm.
5. Giảm nợ: Một lựa chọn khác có thể là sử dụng tiền để giảm nợ. Trả nợ sớm có thể giúp bạn tiết kiệm tiền từ lãi suất và cải thiện tình hình tài chính cá nhân.
6. Tiết kiệm: Nếu lãi suất giảm đồng nghĩa với thu nhập giảm, bạn có thể cần xem xét lại ngân sách cá nhân và tìm cách tiết kiệm chi phí. Điều này có thể giúp bạn duy trì một mức sống ổn định trong tình hình kinh tế khó khăn.