Ngân hàng liên tục giảm lãi suất tiết kiệm, gửi tiền ở đâu hưởng lãi cao nhất?

Theo Công Hiếu/VTC News,
Chia sẻ

Xét mức lãi suất niêm yết tại các ngân hàng, khách gửi tiền vào CBBank đang được hưởng mức lãi suất cao nhất thị trường.

Tính từ đầu tháng 7 đến cuối ngày 11/7, đã có rất nhiều ngân hàng thực hiện giảm lãi suất huy động như: TPBank, ABBank, Saigonbank, SHB, Nam Á Bank, Eximbank, LPBank, VPBank, OCB, Bắc Á Bank, BVBank. Trong đó, LPBank đã hai lần giảm lãi suất trong tháng.

Cụ thể, LPBank đã có 2 lần điều chỉnh lãi suất giảm. Lãi suất huy động online kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng chỉ còn 6%/năm, giảm 0,4 điểm phần trăm. Kỳ hạn 12 tháng giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm lãi suất, còn 6,5%/năm; trong khi kỳ hạn 18 đến 60 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm còn 6,8%/năm.

Tại Bắc Á Bank, lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên cũng giảm từ ngày 10/7, với mức giảm từ 0,15 điểm phần trăm. Kỳ hạn 6-8 tháng còn 7,45%/năm, kỳ hạn 9-11 tháng còn 7,55%/năm sau khi lãi suất các kỳ hạn này giảm 0,15 điểm phần trăm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng còn 7,6%/năm; kỳ hạn 13-15 tháng còn 7,65%/năm; kỳ hạn 18-36 tháng còn 7,7%/năm.

Tương tự, Ngân hàng Bản Việt (BVBank) giảm lãi suất huy động kỳ hạn 6 – 7 tháng 0,1 điểm phần trăm xuống 7%/năm. Trong khi kỳ hạn 8 – 9 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm xuống còn 7,1%/năm. Mức giảm mạnh nhất được ngân hàng này áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng với mức giảm 0,4 điểm phần trăm còn 7,3%/năm. Trong khi đó, kỳ hạn 15 – 18 tháng cũng giảm xuống 7,4%/năm.

Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng bắt đầu có đợt hạ lãi suất huy động trong tháng 7 từ ngày 10/7.

Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng được OCB giảm 0,3 điểm phần trăm xuống 7%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm mạnh 0,39 điểm phần trăm còn 7,1%/năm. Kỳ hạn 12 - 15 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm còn 7,3%/năm, trong khi các kỳ hạn tiền gửi từ 18 – 36 tháng cũng được giảm 0,3 điểm phần trăm xuống còn 7,1%/năm. Tuy nhiên, OCB áp dụng chính sách ưu đãi cộng thêm 0,3%/năm với kỳ hạn 6 tháng và 0,1%/năm với kỳ hạn 12 tháng nếu số tiền gửi từ 50 tỷ đồng trở lên.

Tính riêng kỳ hạn 12 tháng tại quầy, CBBank hiện trả lãi suất 8,1%/năm, đây là ngân hàng trả lãi suất cao nhất tính đến thời điểm hiện tại. Theo sau là BaoVietBank với 7,7%/năm, BacABank, OCB, VietBank và BVBank cùng áp dụng mức 7,6%/năm.

Ở kỳ hạn trên 12 tháng, CBBank cũng đang là ngân hàng niêm yết mức lãi suất cao nhất với 8,2%/năm. Như vậy nếu tính theo lãi suất niêm yết, gửi tiền ở kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tại CBBank sẽ được hưởng mức lãi suất cao nhất hiện tại.

Ngân hàng liên tục giảm lãi suất tiết kiệm, gửi tiền ở đâu hưởng lãi cao nhất? - Ảnh 1.

Lãi suất niêm yết tại CBBank hiện đang cao nhất thị trường. (Ảnh minh họa)

Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giảm mặt bằng lãi suất ít nhất 1,5 - 2%

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đáng chú ý, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng từ 1,5 - 2%), nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.

NHNN chỉnh room tín dụng toàn hệ thống ở 14% từ 10/7

Ngày 10/7/2023, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%.

NHNN khẳng định cơ quan này đã bám sát Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, NHNN điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng được NHNN thực hiện trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng, tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng, bảo đảm thanh khoản và an toàn hoạt động của hệ thống tín dụng.

Chia sẻ