Người già, trẻ nhỏ vùng đất cực nam Tổ quốc đi vỏ lãi háo hức đến nhận quà, khám bệnh miễn phí
Không có điều kiện đi lại, học tập như trẻ con thành phố, nhiều đứa trẻ vùng sông nước U Minh (Cà Mau) đã đến nhận những món quà nghĩa tình từ đoàn bác sĩ Sài Gòn bằng chính phương tiện mà cha mẹ chúng vẫn ngày ngày dùng để mưu sinh: Những chiếc vỏ lãi.
Đó là hình ảnh vô cùng ý nghĩa mà đoàn bác sĩ bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) có dịp chứng kiến khi thực hiện chuyến hành trình xuôi về vùng đất Cà Mau xa xôi để khám chữa bệnh miễn phí cho bà con, tặng quà cho các gia đình nghèo và hơn 200 trẻ nhỏ đang theo học tại trường tiểu học Võ Trường Toản (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) trong mùa tưởng nhớ công lao các anh hùng, thương binh, liệt sĩ.
Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) khám bệnh miễn phí, tặng quà cho người già, trẻ nhỏ xã Khánh Lâm (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau).
Dù chỉ gói gọn trong ba ngày từ 21-23/6, thế nhưng để có được chuyến đi này, các y, bác sĩ BV Trưng Vương (TP.HCM) đã phải chuẩn bị trong nhiều tháng từ việc lên kế hoạch đến xin nguồn tài trợ thuốc men, nhu yếu phẩm. BV cũng đã kết hợp với Hội Chữ thập đỏ TP.HCM cùng Hội cựu chiến binh tỉnh Cà Mau để niềm vui gửi gắm đến bà con được trọn vẹn hơn.
Từ 7h, hàng trăm người dân, trong đó có cả những cựu chiến binh, mẹ Việt Nam anh hùng cùng nhiều trẻ đang theo học tại trường tiểu học của địa phương đã tập trung đông đảo tại trạm y tế xã Khánh Lâm (huyện U Minh).
Ngồi tại bậc thềm của trạm y tế, bà Huỳnh Thị Xuyến (78 tuổi, xã Khánh Lâm) chia sẻ: "Chồng tôi đi bộ đội hi sinh năm 1971, tôi có 6 người con nhưng một đứa bị bệnh chết, một đứa bị tai nạn đang nằm ở Biên Hòa, các con còn lại có gia đình riêng hết rồi. Mấy năm nay lớn tuổi, lại hay nhớ con cháu nên ban ngày tôi ở nhà một mình, tối thì qua ngủ với thằng con trai út làm giáo viên. Thấy đoàn BS Sài Gòn xuống tôi mừng lắm, nên từ 6 giờ sáng đã lội bộ qua đây".
Cũng trong hoàn cảnh cô độc tuổi già, bà Huỳnh Thị Út (91 tuổi) tâm sự: "Chồng mất đã lâu, các con ai cũng nghèo nên đều phải đi làm xa, mình tôi đau ốm đều phải tự lo liệu. Nay có đoàn BS đến tận nơi, tôi hơi mệt nhưng ráng đi nhờ vỏ lãi của hàng xóm, một mình qua đây chờ khám bệnh".
Trái với sự mệt mỏi của các cụ, những đứa trẻ đang ngồi chờ nhận quà háo hức hơn hẳn. Bé Tống Xuân Nhất (8 tuổi, xã Khánh Lâm) cho biết, ba mẹ em lên thành phố làm mướn vài tháng trước, giờ em ở với bà nội. "Bà nội cũng chỉ làm mấy việc lặt vặt như quét nhà, rửa chén thôi à. Tiền thì tới tháng ba mẹ gửi về ít nên con ít được mua quần áo, tập vở lắm" – bé Nhất hồn nhiên kể.
Dẫn con trai Hồ Vọng Phúc (8 tuổi) đến nhận quà, chị Hà Thị Nhi cho biết, vì chị cùng chồng bận đi làm nên bé phải tự lội bộ đi học mỗi ngày. Để mua dụng cụ học tập, cặp sách cho con, mỗi mùa tựu trường đến, vợ chồng chị phải qua chợ biển xã Khánh Hội cách đó 5 cây số mới có. Hôm nay vì chồng bận đi làm nên hai mẹ con cũng đi nhờ vỏ lãi đến trạm y tế.
Những đứa trẻ không gặp nhau sau một kỳ nghỉ hè dài háo hức vui đùa với các bạn.
Chứng kiến những khó khăn này của người dân mới thấy chuyến đi của các bác sĩ BV Trưng Vương là vô cùng xứng đáng. Dù trong danh sách khám bệnh chỉ có 300 người nhưng số người dân tìm đến đoàn bác sĩ lên đến gần 500 người. Một ngày khám bệnh mệt nhoài hơn dự kiến rất nhiều nhưng ai trong đoàn cũng cảm thấy rất vui.
BS Nguyễn Thị Kim Phượng, khoa Ngoại thận - Tiết niệu BV Trưng Vương chia sẻ: "Dù đã có nhiều chuyến thiện nguyện nhưng đây là huyện xa nhất mà tôi từng đến khám cho bà con. Tôi thấy rất vui, vì mình đã làm được một việc ý nghĩa. Nó nhỏ thôi, nhưng chứng tỏ được tinh thần tương thân tương ái giữa người với người".
Theo BS Cao Tấn Phước, Phó Giám đốc BV Trưng Vương, qua chuyến khám bệnh từ thiện lần này, ông nhận thấy đa phần những bệnh nhân mắc các bệnh như xương khớp và cao huyết áp. Vì điều kiện đi lại hạn chế, nhiều người ngại đến các cơ sở y tế nên tình trạng bệnh thường đã có từ lâu. "Với những trường hợp nặng, chúng tôi không cho thuốc mà hướng người dân đến tầm soát ở các BV có đầy đủ trang thiết bị, hoặc nếu được, và con đến với chúng tôi tại TP.HCM" – BS Phước trao đổi.
Hàng trăm lượt khám bệnh từ thiện cùng hơn 200 phần quà là mì gói, sách vở, mền gối.. đã được trao cho các gia đình, trẻ nhỏ trong chuyến từ thiện này. Nhiều người khi bước ra về đã không giấu được niềm vui. Những món quà có thể không lớn nhưng lúc này là rất cần thiết, với họ.
Còn những đứa trẻ vùng sông nước, sau khi hồ hởi với tập vở mới, chúng phải cùng cha mẹ, ông bà trở về nhà, chuẩn bị bắt đầu năm học mới. Trong số này, có nhiều em vẫn chưa kịp ăn sáng, nuốt vội gói xôi, ổ bánh mình mới mua.
Danh Trường (11 tuổi) vừa nhận xong quà, bà Huỳnh Thị Hai (57 tuổi) dẫn cháu ra ngồi trước cổng trạm y tế. Từ ngày mẹ em đi lấy chồng khác, ba bỏ đi biển biền biệt, một mình bà Hai phải nuôi cậu bé và đứa em gái 8 tuổi tên Danh Lam. "Lâu lâu nó khóc, nói nhớ cha mẹ. Tôi giờ cũng không biết tương lai nó ra sao, mình già rồi, đâu nó nuôi hoài được. Nó được thầy ghi vô danh sách, có được tập vở như vầy cũng đỡ phần nào".
Tại bờ sông, hai mẹ con chị Nguyễn Tuyết Mai (37 tuổi) cũng đang chờ về nhà. Chốc chốc, tiếng nước đục được khuấy lên bởi các động cơ chân vịt khua lên liên tục.
Bước xuống vỏ lãi, một gia đình 4 người vẫy tay chào chúng tôi. Sự hồn nhiên của họ khiến tôi thực sự thấy ấm lòng. Nhưng khi chiếc vỏ lãi chạy xa dần, chỉ còn để lại những vệt trắng giữa dòng, tôi vẫn kịp nhận ra cuộc sống của họ cũng bấp bênh, lượn lờ như con nước đục.