Người dân xứ Quảng kiếm bộn tiền nhờ hái 'lộc rừng'
Hàng năm, cứ vào tháng Giêng đến hết tháng 2 âm lịch, tại các khu vực miền núi Quảng Ngãi, Quảng Nam, cây đót trổ bông trắng trên các triền đồi. Đây cũng là lúc người dân rủ nhau thu hoạch “lộc rừng”. Thứ cây mọc hoang dại này đã mang lại nguồn thu nhập khá cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, đến hết tháng 2 âm lịch, người dân ở các huyện miền núi Sơn Tây, Trà Bồng, Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) và Nam Trà My, Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) lại rủ nhau lên núi săn “lộc rừng”.
Ngay từ sáng sớm, nhiều người mang theo rựa, thực phẩm ngược rừng chặt cây đót. Một ngày làm việc thường kéo dài từ sáng sớm đến cuối giờ chiều.
Năm nay, mùa thu hoạch đót muộn hơn những năm trước, nhưng giá được thương lái thu mua 5.000 đồng/kg đót tươi, cao hơn những năm trước nên người dân có nguồn thu nhập đáng kể trang trải những ngày sau Tết.
Để hái được đót đạt tiêu chuẩn, người dân đi vào các khu rừng sâu, nơi có cây đót cao, bông trổ rậm rạp. Người dân phải băng rừng từ 2-3 giờ đồng hồ mới đến nơi.
Để hái được đót đạt tiêu chuẩn, người dân đi vào các khu rừng sâu , nơi có cây đót cao, bông trổ rậm rạp. Người dân phải băng rừng từ 2-3 giờ đồng hồ mới đến nơi.
Vác bó đót từ trong rừng ra đường Trường Sơn Đông ở xã Sơn Long, huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) để bán cho thương lái, ông Đinh Văn Nam (trú xã Sơn Long) cho biết: "Sau Tết Nguyên đán 2023, tôi dự định ra KKT Dung Quất để xin việc, nhưng thấy giá đót cao hơn khoảng 1.000 đồng so với năm ngoái nên tôi tranh thủ vào rừng hái đót."
“Hai vợ chồng tôi đi hái đót từ sáng sớm cho đến chiều tối, được khoảng 80kg đót tươi, bán được 400.000 đồng. Với người dân miền núi, khoảng thu nhập này là rất cao, nên ai cũng xem đót như lộc rừng”, ông Nam thổ lộ.
Không chỉ người lớn mà cả các em học sinh cũng tranh thủ thời gian nghỉ học lên rừng hái đót nhằm có thêm một khoản nhỏ để phụ giúp gia đình và mua sắm đồ dùng học tập.
Đót được hái bao nhiêu, thương lái đến tận nhà mua bấy nhiêu. Trung bình mỗi ngày thương lái mua khoảng 1 tấn đót tươi, sau đó phơi khô và vận chuyển đến các cơ sở sản xuất để làm chổi…
Còn tại tỉnh Quảng Nam, dọc các con đường từ miền xuôi lên các huyện miền núi Nam Trà My , Bắc Trà My…nơi đâu cũng thấy người người, nhà nhà phơi đót. Giữa màu xanh của đại ngàn, nhìn đâu cũng thấy đót trổ bông.
Chị Hồ Thị Non (trú xã Trà Tập, huyện Nam Trà My) cho biết, thời tiết sau Tết Nguyên đán thuận lợi, trời nắng đẹp. Từ sáng sớm, chị cùng mọi người băng rừng hơn hai giờ đồng hồ để hái đót. “Sau 5 ngày hái đót, tôi dồn lại được gần 40kg đót, bán được hơn 800.000 đồng. Dự tính mùa đót năm nay tôi kiếm được hơn 1.000.000 đồng”, chị Non nói.
Anh Vũ Luẫn (trú xã Trà Tập, huyện Nam Trà My – người thu mua đót) cho hay, mỗi ngày anh thu mua từ 1-2 tạ đót khô, với giá 21.000 đồng/kg. Sau đó, thương lái sẽ đến điểm tập kết, thu mua chở về làm thành nhiều sản phẩm. “Người dân kiếm từ 50-60kg đót tươi/người/ngày, trời nắng đẹp thì phơi ba ngày, cứ 3kg đót tươi sẽ thành 1kg đót khô, giá 21.000 đồng/kg”, anh Luẫn nhẩm tính.
Dù nghề hái đót khá vất vả nhưng nhờ loại cây nơi non cao này, nhiều người đồng bào có thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Cây đót có tên khoa học là Thysanolaena latifolia, nhiều vùng ở nước ta còn gọi là cây chít, là một loài thực vật có hoa. Cây đót có nguồn gốc tại Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam…
Cây đót rừng thuộc họ lúa, thường mọc trên vùng đất khô ở các vùng núi có độ cao từ 150-2.000m ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum… Cây đót thân xốp rắn, mọc thẳng hoặc hơi xoè, cao đến 3,5m.