Ngăn cảnh cướp lộc đêm khai ấn đền Trần
Dự báo du khách đến Lễ khai ấn đền Trần năm nay sẽ tăng đột biến do diễn ra vào tối thứ Bảy rạng sáng Chủ Nhật, cùng với việc 3 năm gần đây không tổ chức vì dịch COVID-19.
Lễ hội khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) năm 2023 diễn ra từ ngày 1 đến 6-2 (từ ngày 11 đến 16 tháng giêng năm Quý Mão) với nhiều hoạt động. Trong đó, nghi thức khai ấn sẽ diễn ra trong đêm 14, lễ phát ấn lúc 5 giờ ngày 15 tháng giêng.
Đây là một lễ hội truyền thống, thu hút rất đông du khách thập phương tới dâng hương, cầu may mắn dịp đầu năm. Do 3 năm trước không tổ chức vì dịch COVID-19, đồng thời lễ khai ấn năm nay lại rơi vào 2 ngày nghỉ cuối tuần nên dự báo du khách đổ về đền Trần sẽ đông hơn mọi năm rất nhiều. Các phương án bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống dịch đã được UBND TP Nam Định thông tin rộng rãi đến người dân và du khách.
Nghi lễ rước chân linh Đức Phật Trần Nhân Tông từ chùa Phổ Minh sang đền Trần trong lễ rước kiệu Ngọc Lộ
Nhằm tránh tình trạng quá tải dẫn tới việc chen lấn, xô đẩy xin ấn trong đêm, năm nay, việc phát ấn đền Trần được lùi lại và bắt đầu từ 5 giờ ngày 15 tháng giêng, chứ không phát luôn ngay sau lễ khai ấn như những năm trước. Ngoài ra, nhằm bảo đảm an toàn cho du khách tham dự, ban tổ chức (BTC) lễ hội đã cho lắp camera an ninh tại khu vực làm lễ và nhiều vị trí trong các đền để có biện pháp xử lý những người có hành vi phản cảm, như ném tiền vào kiệu ấn, "cướp" lộc trong đêm khai ấn.
Bà Nguyễn Thị Như - Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định, Trưởng BTC Lễ hội khai ấn đền Trần Nam Định 2023 - cho biết sau 3 năm không tổ chức, lễ khai ấn năm nay diễn ra vào thứ bảy nên dự báo lượng khách rất đông. Vì thế, nhiều phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cháy nổ đã được đặt ra.
"4 điểm phát ấn được tổ chức khoa học, bảo đảm an toàn cho nhân dân vào, ra nhận ấn. Lượng ấn cũng bảo đảm cho du khách tham gia xin lộc đầu xuân. Ngoài ra, lực lượng an ninh trật tự, công an đã tập dượt, triển khai các phương án bảo đảm an ninh lễ hội. BTC lễ hội sẽ tiếp tục duy trì hệ thống camera an ninh, nếu phát hiện cá nhân nào, nhất là cán bộ, đảng viên, có các hành vi phản cảm trong lễ hội sẽ thông báo về cơ quan, đơn vị để có biện pháp xử lý" - bà Như thông tin.
Theo ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử đền Trần - chùa Tháp, có 2 nghi lễ được tái hiện một cách đầy đủ và sát với lịch sử là lễ rước kiệu Ngọc Lộ và lễ rước Nước, tế Cá.
"Lễ rước kiệu Ngọc Lộ là lễ rước chân linh Đức Phật Trần Nhân Tông từ chùa Phổ Minh sang đền Trần để chứng kiến nghi thức khai ấn. Lễ rước Nước, tế Cá nhằm tri ân tổ nghiệp, phát huy tinh thần yêu nước, yêu nghề, cổ vũ lối sống gần với tự nhiên. Cá được tế xong sẽ phóng sinh tại sông Hồng, làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần. Các nghi lễ này được phục dựng đúng nguyên bản" - ông Bình khẳng định.